Trong những năm gần đây, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn tiếng Anh (TA) ở mức rất thấp. Thống kê cho thấy, năm 2016 có đến 90% thí sinh có điểm thi tốt nghiệp dưới trung bình môn TA; năm 2017 có khoảng 68% và năm 2018 có khoảng 78% (số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT)). Đây là những kết quả đáng thất vọng đối với phụ huynh học sinh, các cơ sở giáo dục, và các cấp quản lý giáo dục, trong đó có ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia.
Giáo viên tiếng Anh cũng cần chứng chỉ hành nghề
TS Vũ Thị Lan, người tham gia vào một số dự án và chương trình liên quan đến giáo dục TA ở các Sở GD-ĐT và các trường đại học trong nước cho rằng chất lượng đội ngũ giáo viên TA là một trong những yếu tố quyết định ảnh hưởng đến năng lực sử dụng TA của học sinh. Đa số giáo viên TA đều tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng sư phạm chuyên ngành TA hoặc tương đương nên đều đạt chuẩn. Bên cạnh đó, hằng năm, các sở GD-ĐT còn tổ chức các đợt tập huấn ngắn hạn để nâng cao nghiệp vụ sư phạm giảng dạy TA cho giáo viên.
Tuy nhiên trên thực tế, có một sự chênh lệch tương đối lớn từ đầu vào và đầu ra về năng lực TA của sinh viên tại các trường đại học có chuyên ngành sư phạm TA. Để đánh giá khách quan và chính xác về năng lực sư phạm TA của giáo viên cũng như chất lượng đào tạo tại các trường này, Bộ GD-ĐT nên triển khai mô hình chứng chỉ hành nghề cho giáo viên thống nhất trên toàn quốc. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm TA tại bất kỳ trường đại học nào, giáo viên TA tương lai sẽ phải hoàn thành bài kiểm tra để nhận chứng chỉ hành nghề có giá trị trên toàn quốc và có thời hạn nhất định.
TS Vũ Thị Lan cho biết, việc làm này có nhiều mục đích. Thứ nhất, nó đảm bảo tính công bằng về mặt năng lực cho tất cả các tân cử nhân sư phạm bất kể sinh viên đó tốt nghiệp từ trường lớn hay trường nhỏ. Thứ hai, kết quả của bài kiểm tra chứng chỉ hành nghề sẽ là một trong những số liệu khách quan để đánh giá chất lượng thật sự của các trường đại học có chuyên ngành sư phạm TA. Từ đó, các nhà quản lý giáo dục sẽ biết được trường nào thực sự có chuyên ngành sư phạm TA tốt để phát huy và trường nào cần được cải thiện. Cuối cùng, việc giáo viên phải gia hạn chứng chỉ hành nghề trong thời gian nhất định sẽ là động lực để giúp giáo viên thường xuyên tự bồi dưỡng và nâng cao trình độ của mình.
Liên quan đến việc bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên TA, TS Vũ Thị Lan, với vai trò là giáo viên được cử đi tham gia và người tổ chức các chương trình bồi dưỡng chuyên môn, cho rằng các đợt tập huấn hay bồi dưỡng nghiệp vụ tập trung ngắn hạn một hoặc hai ngày thực ra không mang lại kết quả cao như theo mục tiêu ban đầu đặt ra. Tuy nhiên, các mô hình tập huấn này lại rất phổ biến tại nước ta. Thay vì tổ chức các đợt bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn chủ yếu trong các đợt hè, các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ nên được xây dựng theo mô hình lồng ghép kéo dài trong suốt học kỳ để giáo viên có thời gian thử nghiệm và ứng dụng những gì họ học được.
- Xem thêm: Có phải học tiếng Anh càng sớm càng tốt?
Học sinh cần được tiếp cận với các hình thức và kênh học tập khác
Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tuy giáo viên đóng vai trò rất quan trọng trong việc đem lại hiệu quả học tập cho học sinh, nhưng giáo viên không phải là nhân tố quyết định duy nhất. Ngoài việc tiếp thu kiến thức từ thầy cô, sách giáo khoa, sách tham khảo trong nhà trường, “Đã đến lúc chúng ta phải thật sự tận dụng sự phát triển của công nghệ để mang đến cho học sinh các cơ hội tiếp cận với các hình thức học tập tiến bộ khác và các kênh học tập có chất lượng”, TS Vũ Thị Lan chia sẻ. Tuy nhiên, vấn đề khá nan giải cho việc này chính là vận dụng công nghệ gì và vận dụng như thế nào? Phát biểu tại hội thảo “Xu hướng mới trong giảng dạy ngoại ngữ thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ 4” tổ chức sáng 14-12, PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng chúng ta cần những “kiến trúc sư trưởng” để thiết kế chương trình và xây dựng nội dung chương trình học.
Với mong muốn đem lại cơ hội cho học sinh tiếp cận với hình thức học tập khác, giúp học sinh ôn tập kiến thức và nâng cao điểm thi của mình trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, một nhóm các chuyên gia về lĩnh vực giảng dạy TA (TESOL) và ứng dụng công nghệ trong giảng dạy TA (CALL) do TS Vũ Thị Lan điều phối đã cùng bắt tay vào phát triển một chương trình trên nền tảng web dành cho học sinh trung học phổ thông (tại trang hoctottienganh.vn).
TS Vũ Thị Lan cho biết: “Tôi đã làm việc cùng với hơn 70 người khác nhau đến từ Việt Nam, Mỹ, Nhật, Canada, Ấn Độ…, từ những chuyên gia, giáo viên TA, đến các bạn lập trình, các bạn phụ trách kỹ thuật để đưa ra một công cụ học TA hiệu quả nhất cho các em học sinh THPT bên cạnh giờ học chính khóa ở trường”. Điểm khác biệt của hoctottienganh.vn so với các ứng dụng và trang web luyện thi hay học TA hiện nay tại Việt Nam là các bài tập đa dạng (hơn 300 bộ đề kèm theo đáp án và giải thích chi tiết) được biên soạn công phu và phản biện nghiêm túc bởi đội ngũ giáo viên và chuyên gia trong ngành.
Việc ứng dụng công nghệ learning analytics (kỹ thuật phân tích hành vi và tiến trình học) giúp người học đánh giá điểm mạnh và yếu để từ đó đưa ra đề xuất ôn tập phù hợp cho từng cá nhân dựa trên năng lực học của người học thay vì dựa trên vốn kiến thức của người dạy. Ngoài ra, chương trình này còn áp dụng mô hình chơi để học (game-based learning) để tạo hứng thú cho người học thông qua chương trình game show tổ chức trực tiếp online hằng tuần và các cuộc thi thử trực tuyến hằng tháng giúp cho người học được làm quen với cấu trúc và định dạng bài thi THPT do Bộ GD-ĐT công bố.
Phù hợp trở thành chương trình ngoại khóa ở trường THPT
Theo PGS-TS Vũ Hoàng Phú đến từ Đại học Nebraska, Mỹ, điểm nổi bật của chương trình này là việc ứng dụng learning analytics (kỹ thuật phân tích hành vi và tiến trình học) giúp phân tích và đánh giá năng lực của người học để từ đó đưa ra các đề xuất ôn tập phù hợp, giúp người học đạt được kết quả cao nhất. Việc cung cấp đáp án và giải thích rất chi tiết, giúp cho việc tự học của học sinh thuận lợi và chủ động hơn.
Còn theo TS Trần Đăng Khánh Linh, Phó trưởng khoa Ngoại ngữ, Đại học Khánh Hòa thì chương trình cung cấp một hình thức ôn tập kiến thức và luyện thi vừa sát với nội dung của bậc học, vừa vạch ra lộ trình học phù hợp cho từng học viên dựa trên phân tích kết quả làm bài của từng cá nhân. Chương trình có kết cấu đơn giản nhưng hiệu quả nhờ tính tương tác qua lại giữa kết quả làm bài và bài học mini tương ứng. Đây là một chương trình hữu ích cho học sinh, sinh viên và những ai ham thích tìm hiểu TA.
Trong khi đó, ThS Hà Cao Thị Thu Hồng, Tổ trưởng Tổ TA, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn – Khánh Hòa thì đánh giá cao về các buổi học trực tiếp online với giáo viên/chuyên gia TA được tổ chức theo định kỳ, các kỳ thi thử trực tuyến, và đặc biệt là game show trực tuyến tích hợp với trang mạng xã hội, giúp người học giảm căng thẳng và tăng hứng thú trong quá trình luyện tập.
Được biết, hiện người sử dụng ứng dụng hoctottienganh.vn đang trả chi phí khá thấp, khoảng từ 80-120 ngàn đồng/tháng, bao gồm các buổi học trực tiếp online cùng với giáo viên. Tuy nhiên, kỳ vọng của những người xây dựng chương trình là mong muốn chương trình này trở thành một chương trình ngoại khóa được tích hợp vào chương trình chính khóa ở các trường phổ thông. “Chúng tôi sẵn sàng cung cấp chương trình và tổ chức tập huấn miễn phí cho Bộ, Sở GD-ĐT, cũng như các trường để mang đến cho các em học sinh một công cụ học TA hiệu quả. Không chỉ có nội dung đề được biên soạn rất chi tiết, chuẩn hóa, đa dạng cùng phần giải thích chuẩn xác được liên tục bổ sung, cải tiến, chương trình này đã vạch rõ cho học sinh một lộ trình để có thể cải thiện năng lực của bản thân từng ngày trước kỳ thi. Hơn hết, mục tiêu của nhóm chúng tôi là tăng tỷ lệ thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp cũng như đại học ở những năm tới”, TS Vũ Thị Lan cho biết.