Tại “Diễn đàn quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa” do tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức ngày 30-11 vừa qua, nhiều chuyên gia kinh tế đã bày tỏ sự lo lắng trước thực tế của việc cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khách, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết việc công bố thông tin và tính minh bạch đối với DNNN còn thấp. Nghị định 81/2015/NĐ-CP quy định các DNNN phải công bố các thông tin, gồm: báo cáo tài chính năm; kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm kế tiếp; báo cáo đánh giá thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm và ba năm gần nhất tính đến năm báo cáo; báo cáo kết quả sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp; báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức…
Tuy nhiên, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy năm 2017 mới có 265/622 DNNN (hơn 40%) gửi báo cáo đến Bộ này. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá các DNNN vẫn chủ yếu căn cứ vào các báo cáo hành chính của công ty, trong khi cơ chế xác định tính trung thực của các báo cáo này còn chưa cao do nhiều DNNN chưa thực hiện kiểm toán độc lập. Các chỉ tiêu dùng để quản lý, giám sát chỉ mới tập trung vào lĩnh vực tài chính.
Các yếu tố khác như tình hình chấp hành quyết định của chủ sở hữu nhà nước, triển khai các dự án được phê duyệt, công tác bổ nhiệm cán bộ… chưa được quy định cụ thể bằng các chỉ tiêu định lượng hoặc dễ lượng hóa phục vụ cho công tác đánh giá.
Thêm vào đó, các chỉ tiêu giám sát, đánh giá hiện nay vẫn chỉ áp dụng đối với công ty mẹ/tổng công ty, chưa hình thành hệ thống tiêu chí đánh giá đối với toàn bộ công ty mẹ và các công ty thành viên. Đáng lo ngại hơn nữa là đến nay vẫn chưa có hệ thống dữ liệu quốc gia về toàn bộ doanh nghiệp có vốn nhà nước để phục vụ cho công tác giám sát, vạch chiến lược, định hướng phát triển cho toàn bộ khối DNNN.
Tại hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Đại Lai cũng cho rằng việc cổ phần hóa DNNN sẽ không đạt mục tiêu nếu cứ chạy theo tiến độ và theo cách biến DNNN thành công ty cổ phần, để Nhà nước cùng người lao động thu “tiền” về bằng cổ phần và cùng tồn tại.
Chuyên gia tài chính này nhấn mạnh: “Những doanh nghiệp nào không bị xóa thì hầu như vẫn không có gì đổi mới về cấu trúc thời hậu CPH: Không ai mất chức, mất việc hoặc nếu rời doanh nghiệp trong độ tuổi lao động thì được Nhà nước trả một khoản tiền để đi tìm việc khác. Lực lượng lao động căn bản vẫn là những người cũ – vẫn vừa làm lãnh đạo, vừa làm thuê cho Nhà nước…
Đặc biệt, sau CPH hàng loạt đó, nền kinh tế Việt Nam lại “đổi mới” thành một nền kinh tế bị chia cắt ra làm ba nền kinh tế có hàng rào, vị thế, cơ chế vận hành và cả thị trường tiếp cận tư liệu sản xuất ở đầu vào độc lập nhau, gồm: nền kinh tế nhà nước, nền kinh tế tư nhân và nền kinh tế FDI”.
Theo ông Nguyễn Đại Lai, ba “nền kinh tế” này có luật lệ và thị trường riêng nhưng sẽ dựa vào nhau, hình thành các nhóm lợi ích, các hiện tượng “chân trong chân ngoài” tạo ra những luồng lạch, những mạch ngầm để hút nội lực lẫn nhau và ngăn cản sự phát triển chung của cả nền kinh tế.