Dù tiến độ cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2018 là khá chậm nhưng các kế hoạch IPO năm 2019 với những tên tuổi lớn vẫn đang ít nhiều thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.
Những cái tên đáng chú ý
Theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2018 phải hoàn thành CPH ít nhất 85 doanh nghiệp, đồng thời thoái vốn 181 doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến hết tháng 9-2018, mới chỉ có 11 doanh nghiệp được CPH. Mặc dù vậy, các kế hoạch IPO năm 2019 với những tên tuổi lớn vẫn đang ít nhiều thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.
Cụ thể, hai “ông lớn” viễn thông là Tổng công ty Viễn thông MobiFone và Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) đều có kế hoạch IPO trong năm 2019. Theo kế hoạch ban đầu của Chính phủ, MobiFone sẽ phải hoàn tất CPH trong năm 2018, tuy nhiên, do vướng mắc trong việc mua bán – sáp nhập doanh nghiệp và thực hiện một số kết luận của cơ quan chức năng nên chưa thực hiện được. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cùng MobiFone chuẩn bị các điều kiện cần thiết để IPO vào năm 2019 và xây dựng kế hoạch CPH MobiFone trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Hiện MobiFone có vốn điều lệ 15.000 tỉ đồng. Trong sáu tháng đầu năm 2018, MobiFone đạt 17.231 tỉ đồng doanh thu, giảm 8%; lợi nhuận sau thuế đạt 1.951 tỉ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Với VNPT, theo Quyết định số 2129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29-12-2017 phê duyệt phương án cơ cấu lại VNPT giai đoạn 2018-2020, VNPT (công ty mẹ) phải bảo đảm hoàn thành CPH tập đoàn trong năm 2019. Dự kiến Nhà nước tiếp tục nắm giữ 65% tại VNPT và 35% sẽ được chào bán cho các nhà đầu tư.
Trong lĩnh vực điện lực, Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGenco 1) và Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGenco 2) sẽ chào bán cổ phần ra công chúng trong năm tới. Hiện tại, hai tổng công ty này có vốn điều lệ lần lượt là 17.943 tỉ đồng và 11.164 tỉ đồng. Một số doanh nghiệp khác dự kiến IPO trong năm 2019 như Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty cổ phần Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM)…
Hiệu ứng chuyển sàn
Tại ngày 15-10-2018, thị trường chứng khoán Việt Nam có 22 doanh nghiệp niêm yết có giá trị vốn hóa trên 1 tỉ USD, chủ yếu là các doanh nghiệp niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE). Riêng trên sàn UPCoM đang có tám doanh nghiệp có vốn hóa tỉ USD, bao gồm ACV, MCH, BSR, VGI, HVN, VEA, GVR, POW. Trong số này, nhiều doanh nghiệp có kế hoạch chuyển sang sàn niêm yết trong quý IV-2018 hoặc năm 2019.
Điển hình như Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) chuẩn bị đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE nhằm giúp cổ phiếu hấp dẫn hơn và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước hơn. POW có vốn điều lệ 23.418,7 tỉ đồng, số cổ phần đang lưu hành là hơn 2,3 tỉ đơn vị, hiện đăng ký giao dịch 467,8 triệu đơn vị trên UPCoM.
Hay Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM), vốn điều lệ 13.288 tỉ đồng, cổ phiếu đang được đăng ký giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán VEA, dự kiến sẽ chuyển sang sàn HoSE. VEAM tham gia liên doanh và sở hữu 20% vốn điều lệ tại Công ty Honda Việt Nam, 30% vốn điều lệ tại Công ty Toyota Việt Nam và 25% tại Công ty TNHH Ford Việt Nam – những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ôtô, xe máy, chiếm lĩnh thị phần lớn tại Việt Nam. Khoản lợi nhuận từ các liên doanh này mang lại nguồn thu chính cho VEAM.
Trong lĩnh vực hàng không, Vietnam Airlines có vốn điều lệ hơn 14.187 tỉ đồng đang triển khai các thủ tục để chuyển cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM sang niêm yết trên HoSE. Ngoài các doanh nghiệp có vốn hóa tỉ USD nêu trên thì một số doanh nghiệp khác trên UPCoM cũng dự kiến chuyển cổ phiếu sang sàn HoSE như KidoFood, Thủy sản Minh Phú, Lộc Trời, Maritimebank…
Việc chuyển sàn của những “ông lớn” có hoạt động kinh doanh ổn định, tích cực từ sàn UPCoM sang HoSE được kỳ vọng sẽ giúp tăng lượng hàng hóa có chất lượng cho thị trường, đặc biệt ở khía cạnh thu hút các dòng vốn ngoại do các nhà đầu tư nước ngoài thường dành nhiều sự quan tâm cho các cổ phiếu vốn hóa lớn đầu ngành.