Ông Hàn Tấn Quang được nhiều người biết đến với những bộ sưu tập độc đáo mà ông sở hữu, như bộ sưu tập Thạch thiền hay bộ sưu tập tem dị hình và chất liệu với hơn 5.000 mẫu. Trong hơn 30 năm qua ông còn là chủ biên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay (KTNN), là người “chèo chống” để tạp chí tồn tại đến hôm nay và vẫn đều đặn đến tay bạn đọc ba số mỗi tháng. Ông chia sẻ:
Một tạp chí tồn tại hơn 30 năm, qua nhiều thời kỳ thịnh – suy là cả một hành trình không mệt mỏi. Chất lượng ra sao thì để bạn đọc đánh giá, riêng tôi đã thỏa mãn được niềm đam mê làm báo của mình. Tuy không được học nghề báo một cách bài bản, nhưng tôi đã làm nghề một cách tâm huyết, tận tụy và không ngừng học hỏi. Đến lúc này, dù tuổi cao, sức khỏe giảm sút nhưng tôi vẫn chưa một ngày xa tờ báo.
Là món ăn tinh thần của người đọc cả nước trong suốt những năm 1980 đến những năm 2000, KTNN có được một lượng bạn đọc đông đảo trong cả nước, đó là nhờ tạp chí trong những năm tháng đó đã tập hợp nhiều cây bút, nhiều dịch giả tên tuổi. Có lúc, các tác giả xem việc đăng bài trên KTNN là một tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng bài viết… Quả thật, đó là một thời “vang bóng” khó quên.
Đến nay, KTNN cũng như nhiều ấn phẩm báo chí khác đều không thể chống lại “cơn lốc” báo mạng và internet. Tạp chí KTNN hiện vẫn sống mà không cần quảng cáo, tuy nhiên bộ máy nhân sự phải tinh giản hết mức. Tôi phải làm việc tích cực và kiêm nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Thật may, KTNN vẫn giữ được một số lượng độc giả trung thành, trong số đó có nhiều bạn đọc là người Việt ở nước ngoài, mỗi lần về nước họ thường ghé đến văn phòng KTNN mua từng chồng tạp chí cả cũ lẫn mới.
____
Tạp chí cũ vẫn được người đọc ưa chuộng thế sao?
Có những cuốn sách, tạp chí xưa không bao giờ cũ, vì đó là kiến thức nền tảng, phổ quát và không thay đổi theo thời gian. Hơn nữa, đối với người Việt ở nước ngoài, những bài dịch trên KTNN lại rất chuẩn về văn phong, ngôn ngữ nên họ rất thích. Thật ra, hiện vẫn có một số người yêu quý sách báo còn lưu giữ bộ tạp chí KTNN nhiều năm trước. Chúng tôi đang có kế hoạch trao tặng giải thưởng cho những người còn lưu giữ bộ KTNN đầy đủ nhất.
Không riêng gì tạp chí KTNN, nhiều sách báo cũ vẫn được người đọc ưa thích, thậm chí còn bán với giá cao hơn sách báo mới. Có những thế hệ độc giả còn giữ tình yêu với những cuốn sách xuất bản mấy chục năm về trước. Bên cạnh đó, có những người bán sách cũ yêu sách một cách đáng kinh ngạc. Tình cảm của họ thể hiện rõ trong cách sắp xếp các cuốn sách cũ, trân trọng từng trang báo, từng cuốn tạp chí đưa lên kệ. Chính những người bán tận tụy như vậy đã giúp cho sợi dây liên kết giữa người đọc và sách báo cũ bền chặt theo năm tháng…
Có những cuốn sách, tạp chí xưa không bao giờ cũ, vì đó là kiến thức nền tảng, phổ quát và không thay đổi theo thời gian.
____
Nhiều người vẫn băn khoăn về tương lai của báo in, theo ông thì báo in có sẽ mất đi trong thời đại internet và mạng xã hội không?
Tôi cho là không. Dù báo điện tử có phát triển đến đâu thì báo in sẽ vẫn có chỗ đứng của nó. Tất nhiên, báo giấy khó có thể cạnh tranh được với internet về tốc độ cập nhật thông tin và tính đa phương tiện, nhưng nó vẫn có ưu thế với những bài bình luận, nhận định chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giúp người đọc có cái nhìn rõ nét hơn về con người và cuộc sống.
- Xem thêm: Làm sưu tầm cũng cần tinh thần khoa học
Bên cạnh đó, việc cầm tờ báo vừa đọc vừa nhâm nhi tách cà phê sáng hay đọc khi rảnh rỗi, lúc ở sân bay, trên xe buýt là thói quen cố hữu của nhiều người. Tuy nhiên, những người làm báo giấy như chúng tôi có một bài học lớn, đó là phải thường xuyên nâng cao từ hình thức cho đến nội dung để đáp ứng được nhu cầu của độc giả.
Nhưng dù có nhiều nỗ lực để luôn làm mới mình, KTNN cũng không tránh khỏi những lúc khó khăn, thậm chí hết sức căng thẳng để có thể tồn tại. Vì vậy nên tôi mới tìm đến thú chơi tem và chơi đá như một cách thư giãn. Nhưng với tôi, nghề chơi cũng phải “đến nơi đến chốn”, chơi thứ gì cũng phải khác lạ, độc đáo. Chẳng hạn như bộ Thạch thiền với gần 200 viên đá nằm trong Top 100 bộ sưu tập độc đáo nhất Việt Nam, đang chờ làm thủ tục xác lập kỷ lục châu Á.
____
Ông mất bao lâu để có được bộ sưu tập độc đáo này?
Phải mất đến hơn 20 năm, nhưng quan trọng hơn là một cái duyên kỳ ngộ giữa con người và thiên nhiên. Bên trong hòn đá chứa đựng “ẩn ngữ” mà theo tôi chỉ có những tâm hồn “đồng điệu với đá” mới nhận ra thông điệp ẩn bên trong.
Điều thú vị là khi xem bộ sưu tập Thạch thiền, mỗi người lại có cảm nhận riêng không ai giống ai, thậm chí mỗi lần xem lại cho những cảm xúc khác nhau… “Đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội để nhìn ngắm một cái gì đẹp đẽ, bởi cái đẹp chính là kỳ công của tạo hóa”, nhà thơ, triết gia người Mỹ Ralph Waldo Emerson đã nói như vậy.
____
Còn thú chơi tem thì sao, nó khác gì so với thú chơi thạch thiền?
Chơi tem khó tạo được một bộ sưu tập độc đáo, khác lạ vì tem được sản xuất hàng loạt, những con tem quý hiếm có rất ít, thậm chí chỉ một vài con, cũng không có nhiều bộ tem được sưu tập đầy đủ như: bộ tem các nhà lãnh đạo thế giới và trong nước, gia đình chim, di sản văn hóa thế giới, tem dị hình… mà tôi sưu tầm được.
Từ khi biết đọc, biết viết, tôi đã được nhiều người nhờ viết thư báo tin tức gia đình cho người thân đang làm ăn ở nơi xa (ngày ấy, con tem còn được gọi là “con cò”); theo năm tháng, con tem dán trên góc bì thư trở thành quen mắt với tôi. Ban đầu, tôi cất giữ những bì thư cũ có dán tem như cách lưu giữ tình cảm, chứ chưa biết đến thú sưu tầm tem. Thế nhưng, những con tem nhỏ dần gây ấn tượng với tôi bởi hình ảnh, màu sắc đa dạng và cho tôi cảm giác thích thú khi ngắm nghía để rồi đến một lúc nào đó tôi đã có được một bộ sưu tập tem như hiện nay.
Người chơi tem không chỉ bỏ nhiều công sức sưu tập mà còn phải biết trăn trở và có niềm say mê tìm hiểu những nền văn hóa hay những thông tin liên quan đến tem, nhờ đó tiếp thu, cập nhật những kiến thức phong phú thông qua từng bộ tem. Con tem nhỏ bé nhưng có thể giúp người chơi có được những hiểu biết cơ bản về đất nước, con người, thắng cảnh và các sắc thái văn hóa, kinh tế cũng như quá trình lịch sử – chính trị của mỗi quốc gia.
Chẳng hạn, khi mua được con tem quý từ Nepal, tôi sẽ phải tìm hiểu xem đất nước này sản xuất tem từ bao giờ, có những loại tem nào quý hiếm, văn hóa của Nepal có gì độc đáo… Nghề chơi không được đào tạo trường lớp nên người chơi phải dành thời gian tìm hiểu, học tập qua sách vở, qua những người cùng sở thích. Chơi cho ra chơi đã khó, chơi để thành một “nghề” lại càng khó hơn.
Nghề chơi không được đào tạo trường lớp nên người chơi phải dành thời gian tìm hiểu, học tập qua sách vở, qua những người cùng sở thích. Chơi cho ra chơi đã khó, chơi để thành một “nghề” lại càng khó hơn.
____
Cách chơi tem của ông có gì khác biệt?
Tôi thường vận dụng bốn chữ: hy (tem còn ít về số lượng), kỳ (những con tem lạ, hiếm thấy), cổ (tem xưa cũ), quái (những con tem bị lỗi). Hiện, tôi sưu tập được hơn 10.000 con tem, chia thành 20 bộ. Trong đó, bộ sưu tập tem dị hình và chất liệu với hơn 5.000 mẫu được nhiều người biết đến và được giới chuyên môn đánh giá cao, được công nhận kỷ lục châu Á.
____
Như thế nào là tem dị hình và tem chất liệu, ông giải thích rõ hơn?
Tem gọi là dị hình vì không hình vuông hay chữ nhật như tem thông thường mà có kiểu dáng rất đa dạng như: hình thang, hình bình hành, hình thoi, hình tròn, đục lỗ, hologram… Còn gọi là tem chất liệu là những con tem được làm bằng vàng, bạc, đồng, nhựa, thép, ngà voi, gỗ, vải, dát đá, cát, phủ kim tuyến, phủ men, phủ muối, thép, nhôm, nhựa, đính hạt đá quý, dát bụi thiên thạch… Ngoài ra, còn có những con tem có hình thù đặc biệt như tem cạnh cong, tem 3D, tem khắc nổi, tem dập nổi, tem hạt giống…
- Xem thêm: Giữ cho văn hóa còn thì đất nước còn
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới có in tem dị hình và chất liệu, đặc biệt là những nước có công nghệ in ấn phát triển. Không chỉ “ăn tiền” nhờ hình ảnh, màu sắc tuyệt đẹp, những con tem đó còn cho cảm giác mềm mại khi chạm vào, có mùi thơm… và thể hiện nội dung mới lạ.
____
Dư luận thường nhắc đến bộ tem 12 con giáp của ông, từng được trưng bày trước thềm Xuân Giáp Ngọ…
Bộ sưu tập tem 12 con giáp của bưu chính Việt Nam và một số nước trên thế giới hiện vẫn đang được tôi trưng bày để mọi người thưởng lãm. Truyền thống 12 con giáp không chỉ có ở các nước phương Đông, mà hiện hơn 80 quốc gia trên thế giới phát hành tem năm mới theo Âm lịch.
Bộ này bao gồm 1.500 con tem và các vật phẩm đa dạng về hình thức, cùng với kỹ thuật in ấn hiện đại của nhiều quốc gia. Cùng là một con ngựa nhưng mỗi quốc gia có cách thể hiện khác nhau, biểu hiện sự đa dạng những sắc màu văn hóa. Đây đúng là nét đẹp trong mùa xuân cổ truyền.
Qua bộ sưu tập này, những con tem nhỏ bé đã trở thành các tác phẩm nghệ thuật, văn hóa, sinh động về hình thức và phong phú về nội dung. Tôi thường nói vui là nhờ sự sáng tạo không giới hạn mà những con tem này đã “moi” được tiền của tôi khá dễ dàng trong 30 năm qua.
Tôi vẫn cảm thấy mình giàu có, vì tôi có những thứ còn quý hơn tiền bạc, đó là kiến thức, là giá trị văn hóa.
____
Phải công nhận rằng, thú chơi nào của ông cũng lắm công phu…
Như tôi đã nói, dù làm hay chơi tôi đều muốn “đến nơi đến chốn”. Làm báo, tôi cũng chuyên tâm, chăm chút cho sản phẩm của mình. Sưu tập thạch thiền hay sưu tập tem của tôi là kết quả những gì học hỏi được từ người đi trước, bạn bè quốc tế, nhưng tôi luôn cố gắng tạo ra sự khác biệt, không theo lối mòn.
Ở tuổi “cổ lai hy”, tôi cảm thấy cuộc sống mình khá đủ đầy. Dù không có nhiều tiền của, tôi vẫn cảm thấy mình giàu có, vì tôi có những thứ còn quý hơn tiền bạc, đó là kiến thức, là giá trị văn hóa. Có người từng ngỏ ý muốn tôi nhượng lại những gì tôi đã sưu tầm nhưng tôi từ chối. Sau này, khi không giữ được bộ sưu tập của mình nữa, tôi sẽ hiến tặng cho bảo tàng hay một tổ chức nào có đủ tâm ý.
Còn hiện giờ, tôi vẫn không ngừng tìm kiếm, đầu tư để làm giàu thêm cho những bộ sưu tập mà mình đang có. Thỉnh thoảng đem những hiện vật mình sưu tầm ra ngắm nghía, xếp đặt, vuốt ve… hay đón vài người bạn cùng đam mê tới nhà, cùng chia sẻ với nhau những câu chuyện về đá, về tem bên ly trà thơm. Tôi cảm thấy cuộc đời như thế thi vị biết bao!
____
Cảm ơn ông về những chia sẻ trên.