Việc một số doanh nghiệp lợi dụng thời điểm gần tết, tự ý nâng giá trứng gia cầm, dù chỉ vài trăm đồng mỗi quả, đã gặp phản ứng mạnh mẽ của người tiêu dùng. Dù chỉ vài trăm đồng nhưng hơn 10% giá thành, như giọt nước làm tràn ly sự đối xử bất công và thiếu văn hóa trong quan hệ cung – cầu. Việc làm giá lập tức bị đẩy lùi bởi sự can thiệp kịp thời của các cơ quan chức năng, các nhà phân phối, đặc biệt là thái độ “tẩy chay” của Saigon Coop Mart. Tại TP. Hồ Chí Minh, thủ phạm đã nhận lỗi và nhận ra mình đã mất một lượng khách hàng đáng kể nhưng ở Hà Nội, giá trứng vẫn ngất ngưởng vì thái độ chập chờn của cơ quan quản lý? Người dân thắc mắc “cùng một việc, Sài Gòn làm quyết liệt còn Hà Nội, đáng lẽ phải quyết liệt hơn lại ầu ơ ví dầu”? Chỉ vì cái lợi trước mắt, họ đã đánh mất niềm tin của khách hàng và của nhân dân.
Nếu việc nâng giá trứng không bị chặn đứng thì điều gì sẽ xảy ra? Bởi người tiêu dùng lâu nay được xem là “chùm khế ngọt”, để cho doanh nghiệp bất nhơn trèo hái thả giàn. Việc nâng giá vô tội vạ, nạn “té nước theo mưa” đã trở thành chuyện thường ngày, chất chồng thêm khó khăn của dân nghèo cả nước. Vậy mà cứ leo lẻo “Khách hàng là Thượng đế”, thật không biết ngượng miệng. Nghe thì sướng tai thật nhưng thực tế quá phũ phàng. Khách hàng, không ai muốn làm Thượng đế, mà có muốn cũng chẳng bao giờ được. Khách hàng chỉ cần được tôn trọng, được đối xử bình đẳng. Buôn bán phải có lời nhưng hợp lý chứ không thể cậy thế con một độc quyền hoặc bè nhóm lợi ích để bóp cổ dân nghèo.
Chuyện giá cả các mặt hàng có thể lên xuống là việc bình thường trong kinh doanh nhưng phải được công khai minh bạch chứ không thể “đùng một cái” vô tội vạ. Tại sao các sở “lật tẩy” được chiêu bài làm giá trứng để đẩy lùi mà các bộ lại bất lực nhìn giá điện, xăng, gas… nhảy múa loạn xạ? Mỗi người dân đều phải đóng thuế. Dân đã làm tròn nghĩa vụ, nuôi và vận hành bộ máy nhà nước mà Nhà nước không biết “khoan thư sức dân”, đẩy dân vào chỗ kiệt cùng thì Nhà nước sớm muộn cũng tiêu vong. Dân giàu, nước mạnh. Dân nghèo thì nước yếu, dễ bị xâm lăng. Dân nghèo mà nước giàu thì càng dễ sụp đổ. Mọi việc, từ nhỏ đến lớn, nếu dân đồng tình thì chuyện khó hóa dễ và ngược lại. Người Việt vốn giỏi chịu đựng và rất dễ cảm thông, miễn là công bằng và hợp tình, hợp lý.
Lâu nay, thiên hạ nói nhiều đến “Doanh nghiệp và cộng đồng”. Mục đích của doanh nhân và doanh nghiệp, trước hết là làm giàu cho bản thân, cho gia đình, cho công ty và nhân viên; sau đó là làm giàu cho xã hội một cách chính đáng. Kinh doanh muốn bền vững phải chia sẻ với cộng đồng, bằng không sẽ bị đào thải. Có nhiều cách để thể hiện trách nhiệm với cộng đồng nhưng “của cho không bằng cách cho”. Có lẽ, đã đến lúc phải luật hóa trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, của cơ quan nhà nước và có biện pháp chế tài nghiêm ngặt. Trách nhiệm xã hội, gọi tắt là CSR (Corporate Social Responsibility) thể hiện trước hết ở sản phẩm phải có ích cho cộng đồng. Thứ đến là việc sản xuất, kinh doanh, hoạt động không làm tổn hại đến môi trường sống. Tiếp theo là chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân viên. Cuối cùng là chia sẻ lợi nhuận với cộng đồng thông qua việc đóng thuế và các hoạt động xã hội. Bất kể hành vi nào đi ngược lại các nguyên tắc trên đều bị lên án và xử lý theo pháp luật.
Việc nâng giá trứng, dù là chuyện nhỏ nhưng thái độ hành xử của cơ quan quản lý và nhà phân phối là việc lớn, được mọi người hoan nghênh và ủng hộ. Hy vọng từ chuyện giá trứng, các doanh nghiệp khác và các cơ quan nhà nước sẽ không dại gì mà “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Các danh hiệu thi đua khen thưởng phải lấy CSR làm chuẩn mực, chứ không thể như lâu nay, cứ thủ tục “đầu tiên” (tiền đâu) là quyết định tất cả. Hãy bắt đầu từ những việc cụ thể và hiệu quả để củng cố lại niềm tin đang bị xói mòn.
Nguyễn Văn Mỹ