Làng Saint Émilion nằm cách thành phố Bordeaux chỉ 35km, đi bằng xe hơi chỉ khoảng 35 phút. Vì đang vào tiết cuối đông đầu xuân, khung cảnh làng Saint Émilion dần chuyển mình theo nhiệt độ ấm lên hằng ngày. Những hàng cây ngô đồng vẫn còn trụi lá, trình diễn những khung cành uốn cong rất “art”, hoa đào tuy vậy đã nở, bung cánh hồng rực trên khắp lối đi. Hoa mộc lan cũng bung cánh sặc sỡ và tỏa hương thoang thoảng. Những cánh đồng thẳng tắp lại trơ trụi những gốc nho mà không có tí lá xanh nào cả. Nắng vàng lấp lóa nhưng gió vẫn mạnh, du khách đến Pháp vì thế không thể bỏ hẳn áo choàng mùa đông mà chỉ mở bung hàng cúc và giật hết những chiếc khăn choàng cổ vướng víu…
Ngôi làng của Chúa và nhà thờ xây bằng một tảng đá duy nhất
Đây là một ngôi làng cổ được xây dựng bên những cánh đồng nho. Từ thế kỷ thứ VIII, một thầy tu người Bretagne tên là Émilion đã tình cờ đi qua vùng này, nhận thấy đất đai màu mỡ, khung cảnh hữu tình dù còn hoang sơ, ông quyết định chọn làm nơi xây nhà nghỉ hưu Ascumbas (đây cũng là tên cũ của làng) cho các thầy tu cao tuổi. Trong vòng mười bảy năm, thầy Émilion đã biến một vùng hoang vắng thành nơi trù phú mà thầy tự hào cho là nhờ những phép màu của Chúa, một ngôi làng xinh đẹp đã hình thành với cư dân từ khắp nơi trên nước Pháp tụ về đông đủ. Thật ra mọi người đều cho là phép màu của Chúa thôi chưa đủ, mà chính là nhờ vào tài lãnh đạo và tấm lòng yêu thương của thầy Émilion, ngôi làng đã trở thành nơi trồng nho và sản xuất rượu vang danh tiếng. Cũng nhờ thầy Émilion, nhiều thầy tu khác đã đến đây, chung tay xây dựng và phát triển làng, biến nơi đây là cơ sở cung cấp rượu vang uy tín cho nước Pháp. Sau khi thầy Émilion về với Chúa vào ngày 6-1-767, nhớơn công trạng xây làng suốt mười bảy năm cuối đời của thầy Émilion, người ta lấy tên thầy làm tên làng. Tên gọi Saint Émilion (thánh Émilion) thế là được đặt cho ngôi làng mà cho đến tận hôm nay, luôn là một địa chỉ quen thuộc cho rất nhiều du khách từ khắp thế giới tìm về. Saint Émilion đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của thế giới từ nhiều năm nay.
Cũng như nhiều ngôi làng cổ khác trên khắp nước Pháp, muốn thăm thú Saint Émilion, mọi người phải đi bộ vào làng và đương nhiên là phải đi bằng giày đế thấp. Làng được xây trên một ngọn đồi nhỏ, những con hẻm của Saint Émilion vì thế lên lên xuống xuống rất khó đi. Ngoài ra, toàn bộ phố hẹp của làng được lót những viên đá đen láng bóng ghép lại, làng vì thế không chấp nhận một đôi giày cao gót nào cả. Với địa hình lên xuống chập chùng, Saint Émilion có kiến trúc rất lãng mạn, những dãy nhà cổ nằm dọc theo triền đồi, đứng từ nhà thờ trên đỉnh, người ta sẽ có một tầm nhìn tuyệt vời xuống quảng trường bên dưới và những đồi nho thoai thoải xa xa. Vì chúng tôi đến thăm Saint Émilion vào sáng thứ Hai, làng còn vắng bóng du khách, nếu đi vào ngày cuối tuần, chắc chắn khung cảnh chen chúc sẽ làm mất đi vẻ thi vị tuyệt vời. Chúng tôi chọn nhà thờ chính tòa Trinity làm nơi thăm viếng đầu tiên vì đây cũng là trái tim của Saint Émilion. Nhà thờ khá cổ và có dáng vẻ đơn sơ đến lạ lùng. Nhìn từ bên ngoài, nhà thờ chỉ như được trát bằng một loại đất sét vàng và ít họa tiết trang trí rườm rà như những nhà thờ bình thường khác. Người ta đã cố tình giữ lại hình dáng tự nhiên nhất của nhà thờ khi được xây từ thế kỷ thứ VIII và được trùng tu vào thế kỷ thứ XVI. Kiến trúc tuy đơn sơ nhưng ta cũng có thể nhận ra dáng vẻ của trường phái roman và mái vòm của kiến trúc gothique. Vào đến bên trong, nhà thờ càng tăng thêm phần đơn sơ trung cổ. Nền nhà không được lót gạch láng bóng mà vẫn giữ lại nền đất giản dị, các cửa sổ không gắn kính màu mè mà vẫn còn đó những cửa sổ đá viền gỗ lâu năm. Tôi nghi rằng mùa đông giá lạnh nhà thờ cũng không có hệ thống sưởi.
Tương truyền nhà thờ này được thầy Émilion xây dựng khởi đầu như một hầm rượu, nằm dưới lòng đất. Hầm rượu này vốn được đẽo từ một tảng đá khổng lồ, trải qua 500 năm, càng ngày người ta càng khoét sâu vào tảng đá để mở rộng hầm rượu mà về sau được xác định là một nhà thờ. Vì thế, đây là nhà thờ lớn nhất thế giới được đẽo từ một tảng đá duy nhất. Khi bước chân vào giáo đường rộng, tôi cố gắng hình dung nơi đây vốn là một hầm rượu được đẽo từ một tảng đá khổng lồ trong lòng đất. Thật khó để tin rằng trải qua hàng trăm năm, con người đã kỳ công đẽo đá thành một nhà thờ xinh đẹp dường này.
Có nên mua rượu ở nơi sản xuất rượu?
Đến Saint Émilion mà không nếm rượu, mua rượu hay tìm hiểu về rượu vang là một thiếu sót. Rượu vang Saint Émilion nổi tiếng tuyệt ngon và là một địa chỉ đáng tin cậy của những người sành rượu. Một điều gây bất ngờ là dù các doanh nghiệp sản xuất trên thế giới đang theo khuynh hướng sáp nhập để có thế cạnh tranh cao, ở Saint Émilion vẫn còn nhiều đơn vị cá thể tự canh tác nho, làm rượu theo công thức riêng và kinh doanh theo kiểu hộ gia đình. Tại những cửa hàng bán rượu, các loại rượu từ nhiều lò được trưng bày bắt mắt, sẵn sàng cho khách du lịch nếm thử. Château trong tiếng Pháp có nghĩa là lâu đài, nhưng ở Saint Émilion, đó còn có nghĩa là một cơ sở sản xuất rượu, một thương hiệu rượu riêng. Ngày xưa, mỗi một gia đình giàu có đều xây cho mình một lâu đài nhỏ, chủ nhân cũng sở hữu một vườn nho trải dài. Những người trong gia đình cùng nhau trồng nho, ủ rượu theo một phương pháp gia truyền. Vì thế, ngày nay người ta vẫn còn dùng từ lâu đài để chỉ một thương hiệu rượu. Quả thật, khi đến thăm những hộ dân trồng nho làm rượu, chúng tôi đều thấy sừng sững trong điền viên nhà họ một lâu đài nho nhỏ. Gọi là lâu đài có hơi quá, nếu ta so sánh với những tòa lâu đài lộng lẫy và tráng lệở thung lũng sông Loire, những lâu đài ở Saint Émilion chỉ cao chừng căn nhà lầu bốn năm tầng, đôi khi có tháp nhọn, mái vòm, được xây bằng đá kiên cố và đương nhiên là cũng có dáng vẻ rất oách dù theo thời gian đã bị xuống cấp khá nặng.
Một người bạn Pháp đi cùng chúng tôi khuyên, du khách hay ngây thơ nghĩ rằng mua đặc sản tại địa phương là món quà quý, nhưng ở những thành phố lớn như Paris mới là nơi có tất cả mọi mặt hàng, với cái giá rẻ hơn do được kinh doanh sỉ. Còn mua ở những cửa hàng nhỏ dành cho khách du lịch tại Saint Émilion, cái giá bị đội lên rất nhiều”. Saint Émilion có vẻ rất chuyên nghiệp trong việc bán rượu theo giá sỉ cho khách phương xa, các cửa hàng hứa sẽ đóng thùng kiên cố, giao tận sân bay, gởi bằng đường tàu thủy. Khách mua rượu bán lẻ tại Saint Émilion thường là dân Nhật hay Mỹ.
Macaron quyến rũ
Không mua rượu vang Saint Émilion, nhưng chúng tôi lại bị quyến rũ phải mua bánh macaron, một đặc sản nổi danh khác của Saint Émilion. Bánh macaron được bán với cái giá “cắt cổ”: 20 euro cho một hộp gồm 40 bánh. Tức là 15.000 ngàn đồng cho một cái bánh tròn nhỏ xíu có đường kính bốn centimet. Bánh macaron bị nhiều vùng tranh cãi về xuất xứ, có người cả quyết từ Ý, theo chân công chúa Ý Catherine de Medicis về làm dâu nước Pháp vào năm 1533 khi bà cưới vua Henri II, có người nói thuộc thị trấn Nancy, do các soeur sáng chế ra để góp vào khẩu phần ăn quá thiếu thốn chất đạm của nhà dòng. Dù bánh macaron có nhiều biến thể và nhiều vùng nhận nó làm đặc sản, macaron vùng Saint Émilion vẫn được công nhận là ngon bậc nhất. Macaron có công thức đơn giản đến ngỡ ngàng, gồm trứng gà, đường, bơ, bột hạnh nhân. Thậm chí công thức làm bánh được in sờ sờ trước cửa hàng nhưng không du khách nào thèm tiết kiệm tiền về nhà làm bánh tự ăn. Mọi người đều móc hầu bao mua macaron ở Saint Émilion nếm một lần cho biết. Du khách bỏ vào miệng trọn một cái bánh macaron, cảm nhận bột bánh xốp mịn, tan mềm trên lưỡi, hương hạnh nhân thơm dịu, thanh tao. Macaron không làm người ta thấy ngán vì hương vị rất “đằm”, không quá ngọt, không quá béo, chẳng quá thơm. Mọi thứ đều được “kiềm chế” sao cho cái bánh này vừa bỏ vào miệng, một cái bánh khác đã được đưa tiếp lên môi. Ăn macaron dễ bị ghiền là vậy. Chúng tôi muốn mua về Việt Nam làm quà, nhưng macaron càng ngon khi được ăn ngay từ lò nướng lấy ra. Trễ lắm thì chỉ năm ngày sau, không thể để lâu hơn. Vì thế macaron được xem là loại bánh tươi, không có chất phụ gia để giữ lâu như các loại bánh công nghiệp khác.
Đến với Saint Émilion của rượu nho và bánh macaron, một lần sẽ nhớ mãi…
DƯƠNG THỤY