Thực tế khám chữa bệnh cho thấy, nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về tác dụng của truyền dịch. Không ít người cho rằng hễ cảm thấy chán ăn, ngủ không ngon giấc, mệt mỏi, chóng mặt thì nên đi truyền dịch. Một vài người khác lại lạm dụng dịch truyền chứa vitamin để làm đẹp da. Xin đừng quên dịch truyền chỉ đạt hiệu quả khi dùng đúng loại, đúng liều lượng cho từng đối tượng cụ thể. Lạm dụng dịch truyền, dùng sai chỉ định hoặc dùng khi chưa kiểm tra kỹ về sức khỏe có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.
Một số kiến thức cơ bản về dịch truyền
Nước là một thành phần rất quan trọng trong cơ thể người, được phân bố trong các tế bào, trong máu và rãnh giữa các tế bào. Nước hòa tan và hỗ trợ quá trình chuyển hóa các khoáng chất, đưa khoáng chất đến các cơ quan đồng thời tham gia đào thải các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Vì vậy, nếu không bổ sung nước kịp thời khi cơ thể bị mất nước (do mất máu, nôn ói, tiêu chảy…) thì sẽ nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Trong nhiều trường hợp cấp cứu thì truyền dịch là một kỹ thuật cần thiết nhằm bổ sung nước và các khoáng chất cho cơ thể. Dịch truyền thường có những tính chất sau: có thể đưa nhanh vào mạch máu với khối lượng lớn, có khả năng giữ lâu trong lòng mạch, bài tiết qua thận nhanh chóng, có thể cải thiện dòng tuần hoàn máu, có tính chất sinh học gần giống với tính chất của máu (tính kháng thể, trao đổi khí, không ảnh hưởng tới chức năng đông máu…), không có độc tính…
Dịch truyền có nhiều loại với các thành phần hoạt chất có nồng độ khác nhau nhằm sử dụng cho từng trường hợp riêng biệt như: dịch truyền có tác dụng tăng huyết áp, cân bằng các chất trong máu khi người bệnh bị mất máu, mất nước sau chấn thương, tai nạn, phẫu thuật, bệnh tiêu chảy, nôn mửa kéo dài, bị bỏng…; dịch truyền có acid amin, vitamin, glucose, lipid có tác dụng bù đắp các chất này cho cơ thể; dịch truyền có tác dụng giải độc khi bị ngộ độc thuốc, ngộ độc thực phẩm, nhiễm khuẩn cấp tính, tăng bài tiết nước tiểu; dịch truyền dùng làm dung môi hòa tan một số thuốc tiêm, đặc biệt là thuốc kháng sinh.
Tùy theo thể trạng của bệnh nhân mà bác sĩ quyết định truyền loại dịch phù hợp. Thông thường, dung dịch bổ sung đường, muối và các chất điện giải chỉ được truyền khi hàm lượng những chất này trong máu thấp hơn mức cho phép như bệnh nhân sau khi phẫu thuật, người bệnh bị mất nước, mất máu, suy dinh dưỡng nặng, ngộ độc… Đặc biệt lưu ý khi sử dụng dịch có chứa glucose đối với bệnh nhân thiếu máu não vì có thể sẽ làm nặng thêm các tổn thương thiếu máu. Bệnh nhân hồi sức cấp cứu do ngưng tim mà truyền dịch bổ sung glucose sẽ làm tăng tỷ lệ tử vong…
Những lưu ý khi truyền dịch
Chúng ta không nên tùy tiện truyền dịch khi không có chỉ định của bác sĩ vì khi đưa vào cơ thể một lượng nước và khoáng chất không cần thiết sẽ dẫn đến sự dư thừa, rối loạn điện giải khiến người bệnh càng mệt mỏi, tăng nhịp tim bất thường. Nếu truyền dịch kéo dài sẽ làm cơ thể kém hấp thu chất dinh dưỡng hoặc bị biến chứng teo tế bào não. Những trường hợp người bệnh bị mất nước mà vẫn ăn uống được thì không nên truyền dịch, tốt nhất bổ sung bằng đường ăn uống những thức ăn mềm, có nước như xúp, cháo, sữa, nước hoa quả…
Việc truyền dịch bừa bãi không đúng quy cách, dụng cụ không được vô trùng có thể gây ra nhiều nguy cơ viêm nhiễm hoặc lây các bệnh như HIV/AIDS, viêm gan siêu vi B, C… Ngay cả khi truyền dịch đúng chỉ định, bệnh nhân vẫn có thể bị các biến chứng như chỗ tiêm bị phù, đau sưng, viêm tĩnh mạch, rét run, mặt tái nhợt, vã mồ hôi, khó thở, đau ngực… nhất là bệnh nhân lớn tuổi và trẻ em. Chúng ta nên nhờ bác sĩ tư vấn để cải thiện những biến chứng này.
Một nguy cơ hay gặp trong truyền dịch là bị sốc, xảy ra trong hoặc ngay sau khi truyền. Những biểu hiện khi bị sốc là: sốt cao (39 độ trở lên), mạch nhanh, vã mồ hôi, chân tay lạnh, huyết áp tụt, khó thở, bệnh nhân lo lắng bồn chồn, vật vã… Nguyên nhân gây sốc có thể do chất lượng thuốc hoặc do dụng cụ tiêm truyền không đảm bảo vô trùng, tốc độ truyền quá nhanh, đôi khi do cơ địa bệnh nhân mẫn cảm hoặc dịứng thuốc. Thực tế đã có bệnh nhân tử vong do không được xử lý sốc kịp thời. Do đó, khi bệnh nhân bị sốc, cần ngưng truyền dịch ngay và gọi nhân viên y tế để được dùng thuốc chống sốc.
Tóm lại, việc truyền dịch phải do bác sĩ chỉ định với liều lượng, tốc độ truyền phù hợp để tránh những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra, nhất là đối với trẻ nhỏ và người cao tuổi. Đặc biệt không lạm dụng dịch truyền trong làm đẹp. Bệnh nhân cũng không nên truyền dịch tại nhà vì không có người theo dõi, không có đầy đủ thuốc men và phương tiện cấp cứu chống sốc sẽ nguy hiểm đến tính mạng.