Thủy đài là một trong những công trình kiến trúc được Pháp liệt kê vào hàng di sản. Hằng năm cứ đến ngày di sản, những công trình này lại được mở cửa miễn phí cho người dân vào tham quan.
Những giá trị về văn hóa xã hội và bảo tồn kiến trúc tạo nên bản sắc kiến trúc đặc trưng cho từng thành phố. Hơn thế nữa các công trình kiến trúc không chỉ đánh dấu giai đoạn phát triển khác nhau của thành phố mà còn là chứng nhân lịch sử cho từng giai đoạn ấy.
Paris và tính kế thừa của người Pháp
Paris, thủ đô của nước Pháp là một trong những nơi có lượng khách du lịch đến tham quan đông nhất thế giới. Giá trị của thủ đô Paris có được đến ngày hôm nay là sự chung tay chung sức của các thế hệ đi trước.
Tôi có một anh bạn làm trong mảng xây dựng ga tàu điện cao tốc cho xí nghiệp đường sắt quốc gia SNCF, anh kể cho tôi nghe chuyện 3 năm trước, anh có tham gia dự án cải tạo nhà gare Austerlitz thành tổ hợp nhà ga – khách sạn – văn phòng cho thuê 7 tầng trên nền tảng công trình phía sau nhà ga 2 tầng được xây dựng cách đây 100 năm.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu người ta phá cũ xây mới theo nguyên tắc thông thường. Điều làm anh bạn tôi bất ngờ và thán phục nước Pháp là người ta vẫn tiếp tục cho xây dựng công trình mới trên nền móng đã có từ 100 năm trước, nghĩa là khi xây dựng nhà ga hai tầng đó, người ta đã tính toán đến độ chịu lực của móng để 100 năm sau thậm chí vài trăm năm sau thế hệ tương lai vẫn có thể tận dụng nó để xây dựng những công trình mới.
Thêm một câu chuyện nữa để minh chứng cho tính kế thừa của người Pháp. Những ai đã đến thăm Paris chắc hẳn sẽ không thể bỏ qua lâu đài (hay cung điện) Versaille, một trong những lâu đài xa hoa và tráng lệ nhất châu Âu.
Lâu đài Versaille chính thức trở thành Cung điện hoàng gia từ thế kỷ XVI, khi Louis XIV – vị vua vĩ đại nhất nước Pháp, hay còn gọi là vua Mặt trời, với một niềm đam mê nghệ thuật, đã cho mở rộng lâu đài nhỏ của vua cha là Louis XIII thành một cung điện rộng lớn, nguy nga, lộng lẫy, có sức chứa 20.000 người, bao gồm cả quần thần của triều đình.
Trải qua các triều đại vua khác nhau, Cung điện Versaille đã trở nên rộng lớn hơn rất nhiều so với trước nhưng lâu đài nhỏ của vua Louis XIII vẫn luôn giữ một vị trí quan trọng trong tổng thể kiến trúc của cả lâu đài.
Di sản thủy đài
Thủy đài là một công trình dự trữ và cung cấp nước cho một thành phố hay một vùng, với nhiều hình dạng và kích thước khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng và quan niệm văn hóa của từng vùng miền. Đây cũng là một trong những công trình kiến trúc được Pháp liệt kê vào hàng di sản. Hằng năm cứ đến ngày di sản, những công trình này lại được mở cửa miễn phí cho người dân vào tham quan.
Cá nhân tôi cũng đang thực hiện một dự án cải tạo khuôn viên tháp nước để mở rộng thêm công trình chứa máy bơm nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp nước cho những khu ở mới sẽ mở rộng ra sau này. Thủy đài này được giữ lại bởi nó được liệt kê vào di tích lịch sử cần được gìn giữ và bảo tồn. Hơn nữa nó còn là cột mốc đánh dấu cho thời kỳ tiến bộ khoa học kỹ thuật về dự trữ và cung cấp của thành phố đó.
Chính nhờ tuân thủ theo tính kế thừa đó mà Paris nói riêng và nước Pháp nói chung mới có được một báu vật như ngày hôm nay.
Qua báo điện tử và Facebook cá nhân của những người thầy, người đồng nghiệp ở Việt Nam, tôi được biết TP.HCM đang có quyết định phá bỏ đi tám thủy đài lớn của các quận nội thành với dung tích từ 800 – 1.200m3 để thay thế bằng các công trình mới.
Với tư cách là một kiến trúc sư, tôi cảm thấy sẽ cực kỳ tổn thất nếu như phá bỏ công trình thủy đài đôi ở TP.HCM.
Tôi khẩn thiết kêu gọi chúng ta cần phải hành động ngay để gìn giữ lại những công trình còn hoạt động được và bảo tồn nó.
Chúng ta hãy hành động ngay chứ đừng để quá muộn.
- Theo KTS Đặng Hữu Tiến (Paris) / Nguoidothi