Theo thống kê chín tháng đầu năm 2017, lượng tiêu thụ rượu, bia và nước giải khát trên thị trường Việt Nam giảm đáng kể so với năm trước, gây thất thu ngân sách nhà nước từ 150-200 tỉ đồng. Đặc biệt, tỷ lệ tồn kho ngành đồ uống tăng 62% so với năm 2016. Những con số này do Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) đưa ra tại buổi tọa đàm Thị trường đồ uống năm 2017 và dự báo xu hướng 2018 tại TP. Hồ Chí Minh mới đây. Trong tọa đàm, nhiều người trong ngành cho rằng ngành sản xuất đồ uống trong nước đang bị tác động tiêu cực bởi chính sách thuế và các thủ tục hành chính khác.
Chính sách thuế dồn dập
Tại buổi hội thảo, PGS-TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho biết việc thay đổi trong thời gian ngắn của các chính sách, đặc biệt là chính sách thuế đang khiến các doanh nghiệp vất vả chạy theo và phải chịu tốn nhiều chi phí. Chẳng hạn như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành vào tháng 10-2015 (lập tức có hiệu lực thi hành từ 1-1-2016). Theo đó, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm bia – rượu tăng từ mức 55% năm 2015 lên mức 60% vào năm 2017, rồi tiếp tục tăng lên 65% vào năm 2018. Trên thực tế, ngoài thuế hiện nay một chai bia còn phải gánh nhiều loại chi phí khác như sản xuất, bán hàng. Chưa kể tại dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia quy định doanh nghiệp phải đóng góp thêm 1% – 2% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) vào quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng.
“Việc tăng thuế cao trong thời gian ngắn khiến doanh nghiệp không đủ thời gian chuẩn bị, không có lộ trình thực hiện và có thể ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng, đồng thời còn có nguy cơ gây tổn hại lớn đến thị trường. Người tiêu dùng sẽ khó tiếp cận các sản phẩm chính hãng có giá cao do thuế tiêu thụ đặc biệt tăng, đây chính là cơ hội cho hàng gian, hàng giả với giá cả và chất lượng thấp xâm nhập vào thị trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”, ông Nguyễn Văn Việt nhận xét. “Mục đích của những thay đổi trong quy định về thuế TTĐB nhằm nâng cao hơn nữa tính minh bạch trong hoạt động kê khai và nộp thuế TTĐB, tránh tình trạng một số doanh nghiệp lập ra nhiều cấp độ công ty thương mại, tiềm ẩn nguy cơ gian lận thuế. Chúng tôi đồng tình với những mục đích đó nhưng để đảm bảo có thể đưa ra một chính sách thuế cân bằng, khả thi và rõ ràng thì Nhà nước và các doanh nghiệp cần phải cùng ngồi lại để có tiếng nói chung”, Chủ tịch VBA nhấn mạnh.
Theo kiến nghị của ông Nguyễn Văn Việt cùng các thành viên VBA, việc xây dựng chính sách cần mang tính ổn định, lâu dài, muốn thay đổi phải có lộ trình ít nhất là mười năm. Công tác quản lý nhà nước cần bám sát thực tế kinh tế xã hội, mỗi chính sách trước khi thực thi cần kiểm tra, đánh giá tác động đến kinh doanh của doanh nghiệp. Và quan trọng nhất là dự thảo luật nên theo hướng tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp hơn là “làm khó” doanh nghiệp.
Đến các chính sách hành chính nói chung
Tại buổi tọa đàm, ông Shivam Misra, Chủ tịch Tiểu ban Rượu vang – rượu mạnh EuroCham bày tỏ ý kiến liên quan đến việc lật lại hồ sơ kiểm toán hải quan để truy thu thuế các doanh nghiệp nhập khẩu. Ông cho biết: “Vừa qua, Tổng cục Hải quan tiến hành kiểm toán lại hồ sơ khai báo nhập khẩu và ra quyết định phạt nhiều doanh nghiệp. Chẳng hạn, Diageo Việt Nam bị phạt đến hàng triệu USD vì lỗi kê khai sai về thủ tục hành chính. Đây hoàn toàn là lỗi hành chính, chứ không phải chúng tôi cố tình gian lận thuế. Hơn nữa, dù việc kê khai chưa chính xác nhưng chúng tôi vẫn đóng thuế đầy đủ. Nay hàng hóa đã bán hết, nếu bị phạt thuế từ số hàng này sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp”.
Ông Shivam Misra không phải là doanh nghiệp duy nhất “than phiền” về chính sách luật. Theo ông Vũ Xuân Hưng, Phó phòng Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh thì khảo sát năm 2016 của VCCI cho thấy có 41% doanh nghiệp gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế và hải quan. Trong đó, các doanh nghiệp FDI vẫn là nhóm có tỷ lệ gặp phiền hà cao nhất, lên đến 53%; tiếp theo là các doanh nghiệp dân doanh với tỷ lệ 41%. Đối với các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tỷ lệ có gặp phiền hà là 30%. Một doanh nghiệp bia tại TP. Hồ Chí Minh than phiền: “Doanh nghiệp của ngành bia rượu cũng muốn làm ăn minh bạch, đóng góp xứng đáng cho nhà nước, xã hội. Nhưng thật khó mà làm ăn được khi các đoàn thanh, kiểm tra đến quá thường xuyên, có khi cùng một lúc có ba đoàn thanh tra ghé thăm, một đoàn về thủ tục hành chính, một đoàn kiểm toán thuế, một đoàn về môi trường. Tôi được biết theo Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã quy định, không được thanh, kiểm tra doanh nghiệp quá một lần mỗi năm. Như vậy, tình trạng “trên bảo dưới không nghe” vẫn còn phổ biến nên mới diễn ra tình trạng một doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra nhiều lần trong năm; bị nhiều cơ quan quản lý nhà nước vào thanh, kiểm tra, thậm chí nội dung của đoàn sau còn chồng chéo, trùng lắp với đoàn trước. Tôi cho rằng cần phải công khai trước kế hoạch thanh, kiểm tra và kiểm toán để tránh trùng lặp, chồng chéo; không thanh, kiểm tra khi không có căn cứ, đặc biệt là trong lĩnh vực về quản lý thuế”.
Ông Vũ Xuân Hưng cho biết có hơn 60% doanh nghiệp kiến nghị cần tăng cường công khai minh bạch các chính sách thuế và đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến thuế. Theo ông: “Con đường xa nhất của Việt Nam không phải từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau mà là từ lời nói đến hành động. Cơ quan nhà nước nên hành động ngay để tạo ra môi trường kinh doanh với các chính sách công bằng cho doanh nghiệp chứ không thể hứa suông mãi”.