Người Nhật không chỉ tham gia vào những cuộc chiến bằng súng đạn, mà ngay từ bây giờ, chúng ta phải tham gia vào cuộc chiến của các kỹ năng, bao gồm kỹ năng sống, kỹ năng của công nghiệp, thương mại, tri thức.
Thua cuộc chiến kỹ năng sẽ dẫn đến thất bại ở cuộc chiến bằng súng đạn. Đất nước chúng ta phải tiến từ hạng ba lên hạng hai và sau cùng là lên đến vị trí hàng đầu trong cộng đồng các quốc gia thế giới. Con đường tốt nhất để thực hiện điều này là đặt nền móng cho giáo dục cơ bản” – đây là những lời sâu sắc của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Mori Arinori, được xem như tuyên ngôn giáo dục của Nhật Bản trước thềm cuộc Duy tân vĩ đại năm 1868.
Mục đích của giáo dục
Lịch sử cho thấy, các quốc gia tiến hành công nghiệp hóa đều có quốc phòng hùng mạnh và đất nước phồn vinh. Công nghiệp hóa hay cách mạng công nghiệp là mệnh lệnh sống còn của các dân tộc bị tụt hậu. Vì chỉ bằng con đường đó, dân tộc mới lột xác và đổi đời. Việt Nam đang ở vào thời kỳ bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư. Công nghệ phát triển nhanh, đang và sẽ định dạng thế giới trong tương lai, đồng thời có sức hủy hoại rất lớn đối với những cái cũ. Năm 2012, Kodak sau 100 năm chiếm thế thượng phong trên thị trường đã chịu phá sản trước các công nghệ mới. Nhiều công ty khởi nghiệp trong garage ở Thung lũng Silicon phát triển nhanh chóng thành những công ty trị giá hàng tỉ USD như công ty dịch vụ cho thuê phòng trực tuyến Airbnb, sau sáu năm khởi nghiệp có giá trị 10 tỉ USD trên thị trường chứng khoán, cao hơn giá trị của Hyatt Hotels Corporation (8,4 tỉ USD), mà không phải xây một viên gạch nào! Những “gã khổng lồ” hôm nay sống trong sự căng thẳng và lo âu, vì không biết lúc nào mình có thể bị loại khỏi thị trường. Họ phải liên tục tự đổi mới sáng tạo từ bên trong, cũng như phải mua các công ty khởi nghiệp mới để bổ sung thêm tri thức, tránh bị đào thải.
Một số công nghệ tương lai có thể kể đến là ngành robot, trí tuệ nhân tạo (AI), in 3D, công nghệ nano và công nghệ sinh học. Mười công ty công nghệ lớn nhất ở Thung lũng Silicon rộng 4.000km2 và 2,5 triệu cư dân đã tạo ra doanh số gần 600 tỉ USD! Trong khi TP. Hồ Chí Minh rộng 2.000km2 và 10 triệu người cho GDP đạt 44 tỉ USD. Rõ ràng, công nghệ chính là yếu tố quyết định giá trị của sản phẩm và là sức đẩy phản lực của nền kinh tế hiện đại.
Trong vài thập niên tới, lao động Việt Nam sẽ phải đối mặt với các đội quân robot ngày càng hùng mạnh và đông đảo ở các quốc gia công nghiệp! Xu hướng tự động hóa, robot hóa trên thế giới là không thể ngăn chặn được. Công ty dệt Parkdale Mills ở Gaffney (Nam Cali), chỉ sử dụng 140 công nhân để cho năng lực sản xuất bằng 2.000 lao động vào năm 1980. Tập đoàn Đài Loan Foxcom Technology vừa mới tuyên bố kế hoạch lắp đặt 1 triệu robot trong vòng ba năm tới để làm những công việc mà lao động Trung Quốc hiện đang làm!
Mục đích của đại học
Dòng chảy của tri thức khoa học cơ bản về thế giới tự nhiên thu hoạch được từ thời khai sáng đã thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp và những đổi mới sáng tạo kỹ thuật, gây ra sự biến đổi kinh tế lớn đầu tiên ở phương Tây. Vai trò của đại học thể hiện đặc trưng nhất qua mối quan hệ giữa Đại học Stanford với Thung lũng Silicon, Đại học Harvard và MIT với Tuyến đường 128, Boston. Các cựu sinh viên MIT đã khởi nghiệp hơn 5.000 công ty, sử dụng hơn 1 triệu nhân viên, làm ra doanh thu hơn 230 tỉ USD/năm, cho thấy sức mạnh to lớn của đại học.
Và đó là lý do Việt Nam cần nâng cấp đại học một cách quyết liệt để nâng cao đóng góp của đại học vào sự phồn vinh của xã hội và quốc phòng. Các đại học phải là trung tâm cung cấp tri thức cho nền kinh tế. Không có đại học nghiên cứu thì không thể phát triển công nghiệp hóa và khởi nghiệp chất lượng cao. Việt Nam cũng cần được tư vấn dài hạn và có chương trình hợp tác với Stanford, Hardvard và MIT, để có từng bước đi trọng tâm, tạo nên những đại học đẳng cấp thế giới. Singapore cũng đã giành được sự hợp tác của ít nhất mười đại học đẳng cấp thế giới, trong đó có Đại học Graduate School of Business Chicago, MIT, Yale và Đại học y khoa Duke. Trung Quốc thì thuê chuyên gia Mỹ thiết kế China Ivy League để cạnh tranh với Ivy League Mỹ, đồng thời mua tri thức một cách ồ ạt như cách mà Nhật Bản từng làm trước đây.
Môi trường thông minh
Muốn phát triển khoa học, công nghệ, cần tạo ra môi trường văn hóa thông minh, truyền cảm hứng và kích thích óc tò mò, sáng tạo, kèm theo một cơ chế đãi ngộ xứng đáng dựa trên năng lực. Không phải ngẫu nhiên mà các phát minh quan trọng nhất về khoa học, công nghệ lại diễn ra ở những quốc gia có nền văn hóa phát triển. Văn hóa bao gồm nhiều thứ, nhưng tối thiểu phải có là cơ sở hạ tầng văn hóa và tri thức, như các viện bảo tàng khoa học, công nghệ, đài quan sát thiên văn, bảo tàng nghệ thuật thế giới, đại thính phòng giao hưởng, cơ sở hạ tầng tri thức, mạng lưới thư viện, đại thư viện, sách vở báo chí khoa học.
Môi trường thông minh giúp tăng chỉ số IQ của con người (Hiệu ứng Flynn). Hiện Việt Nam chưa có một tạp chí khoa học đại chúng kiểu như Nature, Science hay Scientific American, cũng như các tạp chí chuyên ngành, để giúp đại chúng hóa và kích thích nghiên cứu khoa học. Sách, sách hay, sách thông minh, sách để hiểu thế giới và xây dựng đất nước là nguồn tri thức vô tận của nhân loại không một xã hội phát triển nào có thể thiếu. Nhưng điều quan trọng hơn tất cả là phải có chính sách đãi ngộ tốt đối với các nhà khoa học. Việt Nam cũng cần quy tụ và kết nối các tài năng Việt với khách mời nước ngoài để tạo ra thời kỳ Phục hưng trí tuệ cho Việt Nam, như dòng họ Medici của Florence (Ý) từng quy tụ tài năng để tạo ra Phục hưng cho châu Âu.
Tương lai nào cho chúng ta?
Ranh giới cơ bản giữa các mô hình chính trị và kinh tế trong thế kỷ XXI chính là mở hay đóng cửa. Tại các môi trường ít cởi mở, đổi mới sáng tạo chắc chắn sẽ diễn ra ít hơn. Tri thức của thời đại sẽ chảy vào những vùng như Thung lũng Silicon, vì tài năng thế giới cảm nhận được IQ hỗn hợp và những cơ hội phát triển thông thoáng, văn hóa của sáng tạo, sự khoan dung và phong cách sống thú vị. Những xã hội có ít lực cản nhất đối với các doanh nhân là những xã hội sẽ có mức sống cao nhất.
Thế giới của con cháu chúng ta sẽ rất khác với thế giới của chúng ta bây giờ. Kinh tế 2.0 của sự giàu có hôm nay đặc trưng bằng đổi mới, sáng tạo, công nghệ tiến bộ, chứ không chỉ bằng đất đai, lao động và vốn liếng như kinh tế 1.0 của trong quá khứ. Vì thế, con cháu chúng ta phải được cung cấp đầy đủ những kỹ năng phù hợp, như sự tò mò, sáng tạo, khai phá, sự liên tưởng, trí tưởng tượng, quan sát, đặt câu hỏi, kết nối, tư duy liên ngành, thử nghiệm, dũng cảm chấp nhận, thậm chí yêu cả rủi ro. “Sáng tạo là kết nối các sự vật”, như Steve Jobs nói. Vì thế con người cần phải được giáo dục toàn diện và mang tính nhân văn cao.
Trong sâu thẳm, lằn ranh giới giữa Việt Nam và các con rồng châu Á không nằm ở nơi nào khác hơn là ở cách mạng công nghiệp, và chỉ ở đó mọi năng lực trí tuệ và tay chân của một dân tộc mới được phát triển vượt bậc. Giáo dục là để phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa này, chuyển hóa tri thức thành giá trị kinh tế, như người Nhật đã từng làm. Nếu không, giáo dục sẽ mất đi định hướng và ý nghĩa xã hội, và đất nước vẫn sa lầy mãi trong bẫy thu nhập trung bình.
Mặt khác, công nghiệp hóa cũng không thể thành công nếu không có lòng yêu nước nồng nàn của con người muốn thay hiện trạng xã hội. Mọi cuộc duy tân đều đòi hỏi “năng lượng cảm xúc” mạnh mẽ và sự bền bỉ. Đó chính là lòng yêu nước, yêu con người, lịch sử duy tân của Đức, Nhật và Hàn Quốc đã chứng minh rõ điều này!
– Tháng 11-2017