Sự phức tạp và chồng chéo từ “rừng” giấy phép con (còn gọi là điều kiện kinh doanh) đang trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh. Mặc dù cách đây hơn một năm, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, đã có chiến dịch cắt giảm bớt các loại giấy phép nhưng theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ thì đến nay vẫn còn đến hơn 5.000 thủ tục các loại, làm doanh nghiệp tốn nhiều chi phí và thời gian.
Theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện vẫn có khoảng 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng đối với 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư. Trong số này, có gần 3.000 điều kiện quy định tại các văn bản không đúng thẩm quyền.
Vì thế, việc rà soát, sắp xếp, loại bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý là việc không dễ dàng. Ông Vũ Tiến Lộc nói: “Nếu ngành nghề nào không nhất thiết phải có điều kiện kinh doanh thì có thể loại bỏ. Các bộ, ngành dường như đang thực hiện các hoạt động này một cách cơ học, đó là nâng các quy định từ cấp thông tư lên thành nghị định mà chưa đánh giá về tính hợp lý và hiệu quả của các quy định về điều kiện kinh doanh”.
Tại một buổi hội thảo đối thoại với chính quyền về các thủ tục hành chính diễn ra tại thành phố Biên Hòa mới đây, đại diện một doanh nghiệp chuyên kinh doanh các sản phẩm sữa nhập khẩu cho biết một sản phẩm sữa không chỉ có chứng nhận ATTP của Bộ Y tế mà còn cần phải có giấy kiểm dịch động vật của Bộ NN&PTNT và giấy ATTP của Bộ Công thương. Mỗi khi kiểm tra thì phải mất rất nhiều mẫu, riêng mẫu để kiểm tra đã mất khoảng 1%, ấy là chưa kể chi phí kiểm nghiệm.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành ôtô cũng “than thở” về Thông tư 20 được ban hành vào năm 2011. Theo đó, các thương nhân nhập khẩu ôtô từ chín chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu phải có: Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là doanh nghiệp nhập khẩu, nhà phân phối, Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp. Chính vì những quy định này đã gây ra nhiều ý kiến tranh cãi.
Đại diện một doanh nghiệp trong ngành cho biết: “Thông tư 20 đã khiến xe nhập về Việt Nam chênh giá rất cao so với giá xe không chính thức cùng loại. Các nhà sản xuất và phân phối chính hãng chỉ làm việc với vài ba doanh nghiệp tại một nước, rất hạn chế mở đại lý chính thức tại một nước bởi họ đưa ra các yêu cầu rất khắt khe, quá trình đánh giá, thẩm định, thương thảo có thể diễn ra vài năm. Quy định Thông tư 20 chẳng khác gì là cấm doanh nghiệp ôtô kinh doanh, nhập khẩu.
Từ khi Thông tư 20 ra đời, rất nhiều người kinh doanh bạn tôi phải chuyển ngành, số còn lại chuyển sang kinh doanh xe cũ”. Còn ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải – ôtô Việt Nam nói: “Tôi nhìn thấy một rừng đinh nhọn sắc từ điều kiện kinh doanh, giấy phép con là rào cản nguy hiểm lắm, tôi không biết người thiết kế ra nó có nghĩ vậy không”.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện kinh doanh, hiện có tổng số 5.719 điều kiện kinh doanh hay các loại giấy phép con. Trong đó nhiều nhất là Bộ Công thương có 27 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý với 1.220 loại giấy phép, ít nhất là Bộ Xây dựng cũng có 17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với 106 loại giấy phép.
Một báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố cho biết các doanh nghiệp đang bị điêu đứng vì gánh nặng về thời gian và chi phí tiền bạc khi phải tuân thủ các thủ tục quản lý chuyên ngành. Cụ thể là mỗi năm các doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 28,6 triệu ngày công và khoảng 14.300 tỉ đồng để đáp ứng các thủ tục về quản lý chuyên ngành.
Đặc biệt, số lượng hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành lên đến khoảng 100.000 mặt hàng, trong đó các doanh nghiệp thuộc ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu phải “gánh” chi phí lớn nhất. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, Điều 12, Luật An toàn thực phẩm quy định các loại thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải đăng ký phù hợp an toàn thực phẩm.
Chính yêu cầu này đã làm khổ doanh nghiệp, vì như vậy doanh nghiệp phải xin cấp phép, phải có giấy xác nhận của Cục An toàn thực phẩm thì sản phẩm của doanh nghiệp mới được lưu hành. “Với những quy định này, không có tiêu chí rõ ràng thì Nhà nước muốn cho thì cho, không cho thì thôi. Đừng đẻ ra những công cụ như giấy chứng nhận hợp quy để hành doanh nghiệp”, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói. “Hiện tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành lên tới 35% nhưng tỷ lệ sai phạm chỉ là 0,06%. Do vậy mục tiêu đặt ra là phải kéo giảm tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống còn 15%. Nếu làm được điều này có thể giảm được hàng chục ngàn tỉ đồng chi phí cho doanh nghiệp”.
“Giấy phép kinh doanh nhiều quá, doanh nghiệp kêu ca nhiều lắm. Nhiều loại giấy phép quá cũng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, cần phải rà soát lại, loại bỏ những loại giấy phép mang tính áp đặt, bất hợp lý”, phát biểu của thủ tướng chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra đầu tháng 8 năm nay.
Theo đó, cần tập trung tháo gỡ những nút thắt về điều kiện kinh doanh đang cản trở doanh nghiệp bởi mọi yêu cầu cải cách hiện chỉ mới “đôn đốc”, “thúc giục” các cơ quan thực hiện, chứ chưa có cải cách thực sự và nhiều bộ ngành vẫn muốn giữ quy định vì liên quan đến lợi ích ở đó. Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Chính phủ cần thành lập một cơ quan thực hiện nhiệm vụ rà soát, xóa bỏ các giấy phép không phù hợp, quy định bất hợp lý đang tạo rào cản với doanh nghiệp. Kinh nghiệm cho thấy muốn cải cách giấy phép kinh doanh thành công phải thực hiện theo cách tiếp cận áp đặt từ trên xuống, còn nếu tiếp tục giao việc này cho các bộ, ngành và cơ quan liên quan thực hiện sẽ không thành công.