Khi nhiều doanh nghiệp không thể “cố”
Đến thời điểm này, có thể nói chưa khi nào thị trường bất động sản ảm đạm lâu như vậy. Những đợt trước, cơn “lạnh” của thị trường chỉ khiến mặt bằng giá đi ngang và sựảm đạm cũng không kéo dài. Nay, trải qua hai năm bất động, thị trường vẫn chưa cho thấy điều gì sáng sủa và giá thì chưa dò thấy đáy. Bởi không nhìn thấy “tia sáng” nào, nên nhiều doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt ở Hà Nội, đã và đang tìm cách thoát khỏi con tàu đắm, dù họ đang sở hữu những dự án được đánh giá tốt một thời phải cạnh tranh quyết liệt mới giành được.
Một khu nhà tái định cư tại Nha Trang (Khánh Hòa)
Kết quả kinh doanh của đa số doanh nghiệp bất động sản tiếp tục từ xấu đến tồi tệ. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của những doanh nghiệp này đều đã lớn hơn 1. Dù cấu trúc vốn của một doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản cho phép dùng đòn bẩy nợ cao, thì tỷ lệ cao đến mức đó vẫn là quá lớn, rủi ro kiệt quệ tài chính rất cao. Giá thành căn hộ nước ta quá cao, nên dù giá bán đã giảm 20 – 30% so với trước thì vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Các chuyên gia cho rằng giá căn hộở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội phải giảm một nửa thì mới bằng với mức giá chung của các nước châu Á! Tất nhiên con số này là không tưởng, nhưng qua đó cũng thấy được cái khó của các doanh nghiệp. Những người lạc quan cho rằng một khi lạm phát và lãi suất huy động đều giảm xuống dưới 10%/năm như hiện nay thì thị trường sẽ hồi phục sau khoảng nửa năm nữa. Tuy nhiên, những người không lạc quan nhận định phải năm bảy năm nữa thị trường mới phục hồi và hai ba năm tới là khoảng thời gian các doanh nghiệp khó khăn nhất. Không còn cách nào khác, nếu chấp nhận thực tế này, các chủ đầu tư thiếu tiềm lực về vốn và công nghệ sẽ phải rời bỏ thị trường, nhường sân chơi cho các nhà đầu tư lớn hơn. Đó là lý do thị trường mua bán, sáp nhập dự án thời gian qua luôn tồn tại song song với việc mua bán căn hộ nhỏ lẻ của cá nhân.
Nhà nước đang nỗ lực cứu thị trường
Từ cấp cao nhất là Chính phủ đến các bộ ngành có liên quan đều đang thể hiện sự nỗ lực giải cứu thị trường bất động sản. Tuần qua, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên – Môi trường và các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng phương án tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phù hợp với điều kiện thực tế, đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản. Đặc biệt là phải có giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp.