Vốn điều lệ của nhà máy là 10 triệu USD, trong đó Tập đoàn Tuần Châu góp 5,1 triệu USD chiếm 51% vốn điều lệ, còn lại là phía Công ty Singapore Winglee Resources. Nhà máy được xây dựng hoàn thiện và đi vào hoạt động sau tám tháng với quy mô sản xuất đạt từ 1.000-3.000 tấn/năm.
Giai đoạn đầu, nguồn nguyên liệu phục vụ nhà máy sẽ nhập khẩu hoặc thu mua tại một số mỏ đất hiếm tại Việt Nam theo quy định. Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục tiến hành khảo sát, nghiên cứu tìm mỏ đất hiếm để lập dự án đầu tư khai thác nhằm cung cấp nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, hoặc sẽ thành lập công ty và nhà máy khác tại địa phương có mỏ với quy mô tương đương tại thành phố Hạ Long.
Hồi đầu năm nay, công ty hóa chất Nhật Bản Shin-Etsu Chemical Co, Ltd. cũng đã loan báo kế hoạch đầu tư khoảng 30 triệu USD để xây nhà máy tinh luyện đất hiếm cùng với cơ sở chế biến nguyên liệu cho bản phát quang điện tử tại khu công nghiệp Đình Vũ ở Hải Phòng.
Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng dùng để sản xuất các linh kiện trong điện thoại di động, pin mặt trời, motor điện hiệu suất cao, tivi màn hình phẳng, thiết bị quốc phòng và các công nghệ năng lượng sạch khác.
Nhu cầu đất hiếm trên thế giới hiện vào khoảng 125.000 tấn/năm. Việt Nam là một trong các quốc gia có trữ lượng đất hiếm thuộc loại lớn nhất thế giới, theo ước tính lên đến chừng 10 triệu tấn. Các nước khác có trữ lượng đất hiếm cao là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ. Riêng Hoa Kỳ đã ngừng khai thác đất hiếm ở trong nước vì lo ngại ảnh hưởng xấu tới môi trường. Tại các nơi xây dựng nhà máy tinh chế đất hiếm trên thế giới cũng xảy ra nhiều cuộc biểu tình phản đối vì lý do trên.
Gia Minh tổng hợp