Không phải ai cũng thành công mỹ mãn và tạo những cơn sóng trong lòng khán giả, có những nghệ sĩ khi hát lại tác phẩm vẫn lấy màu sắc xưa, hồn cũ thổi vào, khán giả nghe chỉ thấy cũ, sự ngưỡng mộ của khán giả vẫn là nhớ về quá khứ và tìm về những giọng ca một thời vang bóng. Nhưng cũng có những nghệ sĩ trẻ theo thị hiếu cũng muốn thử sức mình vào những bài hát nổi tiếng lại chưa đủ tầm với, chưa đủ vốn sống để có thể thể hiện chiều sâu tác phẩm làm người nghe thấy chán chường.
Trước khi live show của Tùng Dương diễn ra, được biết anh sẽ chọn phần lớn chương trình là nhạc tình ca xưa, nhiều người nghi ngại: Liệu Tùng Dương có thành công? Khán giả hy vọng một Tùng Dương sẽ làm nên những bất ngờ mới, chính vì thế khán giả bỏ tiền mua với giá vé cao ngất ngưởng (từ 1 triệu đến 3 triệu dưới nhà và 600.000 đến 800.000 đồng vé trên lầu) cho live show của anh.
Thế nhưng khi vào nhà hát, trực tiếp nghe Tùng Dương hát nhạc xưa mới thấy hết chất phù thủy, ma quái – một Lady Gaga của nhạc Việt như anh đã từng được mệnh danh – trở thành lợi thế cho Tùng Dương khi hát nhạc xưa như thế nào. Tiếng hát anh đẹp đến bất ngờ khi chuyển tải những tình khúc xưa rất nổi tiếng như: Thu quyến rũ, Đưa em tìm động hoa vàng, Mùa thu cho em, Nửa hồn thương đau, Mùa thu chết, Dư âm, Ru đời đi nhé… của các tác giả Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Phạm Duy, Nguyễn Văn Tý, Trịnh Công Sơn… Tùng Dương đã đưa người nghe qua trạng thái cảm xúc khác nhau vốn có trong tình yêu và nhìn thấy được vẻ đẹp lãng mạn và thanh khiết trong từng nhạc phẩm. Khán giả nghe bài hát xưa mà vẫn thấy mới hơn, bay bổng hơn. Trong đêm diễn Tùng Dương đã nói vui rằng anh chuyển sang hát tình ca từ lời một khán giả lớn tuổi rất yêu thích anh nhưng không thích phong cách hát ma quái như lên đồng của anh. Ông ấy nói biết đâu khi Tùng Dương hát tình ca sẽ có nhiều lớp khán giả lớn tuổi hơn yêu thích! Anh trải lòng: “Nhạc Việt có nhiều bài hát hay, việc của một nghệ sĩ phải là người đưa đò để nối quá khứ vào hiện tại để cho bài hát hay của cha anh vào được lớp trẻ và trường tồn với thời gian. Tôi cũng chỉ muốn là người đưa đò mà thôi”. Và đêm live show của Tùng Dương đã chứng minh cho khán giả thấy: khi một ca sĩ đã hết lòng sáng tạo thì vẫn làm mới được bài hát tưởng như đã chìm vào quá khứ. Cụ thể như trường hợp Tùng Dương giành giải Bài hát yêu thích nhất vào tháng 11 với ca khúc Chiếc khăn piêu của tác giả Doãn Nho. Trong đêm trao giải 2-12-2012 tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt – Xô, nhạc sĩ Doãn Nho đã nói: “Tôi vô cùng hạnh phúc, năm nay bài hát tròn 56 tuổi, tôi tròn 80 tuổi, xin cảm ơn Tùng Dương đã làm sợi dây nghệ thuật nối dài tuổi trẻ của chúng tôi cách đây 56 năm với tuổi trẻ hôm nay”.
Thành công của live show Tùng Dương còn phải nói đến cách sắp xếp trật tự bài hát một cách thông minh để đẩy cảm xúc khán giả lên cao trong đêm diễn. Càng gần cuối, những bài tình ca của các nhạc sĩ đương đại như Phó Đức Phương, Phú Quang, Quốc Bảo… đã đưa Tùng Dương trở về với bản sắc riêng biệt của anh qua các ca khúc Mây, Mưa bay trên tháp cổ, Huyền thoại Hồ Cốc, Núi…
Đi cùng Tùng Dương trong những đêm hát tình ca của anh là hai ca sĩ khách mời Nguyên Thảo và Thanh Lam. Nếu như Nguyên Thảo đến với Tùng Dương bằng giọng hát ngọt lịm, kỹ thuật nhả chữ và khẩu hình rất đúng chất thanh nhạc… làm cho chương trình bay bổng và thanh thoát, thì Thanh Lam mang đến chương trình chất lửa nồng nàn và sôi nổi nhưng vẫn không thiếu nét lãng mạn thiết tha.
Nếu ai đã biết về hình ảnh quen thuộc của Tùng Dương với Ôi quê tôi, Mưa bay tháp cổ, Giăng tơ, Liti… hẳn sẽ ngạc nhiên thú vị khi nghe anh hát tình khúc vang bóng một thời ngọt ngào đến như thế! Dường như có một Tùng Dương khác trong hai đêm diễn (6 và 7-12-2012) ở Nhà hát TP.HCM.
Việt Nga