Nếu theo tiêu chí hài lòng với những gì mình có, thì… chẳng có ai hạnh phúc hết. Bà xã tôi chứng minh: “Anh lên Facebook thì thấy, người ta xổ ra mọi ý nghĩ thật thà, như nói với chính mình thôi, nhưng bàn dân thiên hạ đọc, nhảy vô “còm” hài hước, vui vui. Ấy vậy mà có ông đề nghị cấm luôn Facebook để khỏi “nói xấu lãnh đạo”. Anh xem, có cái gì dễ chịu một cái là thế nào cũng có người tìm cách khóa lại ngay. Hỏi hạnh phúc sao được?”.
Tôi nói: “Cũng vừa phải thôi! Em xem, còn bao nhiêu người thiếu ăn, đau đớn, bệnh tật, nghèo khổ. Đi qua cái quán cơm hai ngàn của một ông cựu tổng biên tập mở ra từ thiện, thấy lúc nào cũng người xếp hàng rồng rắn. Chứng tỏ người khổ còn nhiều lắm. Mình thuộc dạng trung lưu có nhà cửa, xe cộ, con đi du học, bữa cơm thích gì cũng có, phải vắt óc xem “hôm nay ăn gì” trong khi người ta không có gì để ăn.
Vậy mà vẫn không hài lòng, không hạnh phúc, một đất nước hơn tám mươi triệu người, làm sao cho ai cũng hài lòng được?”. Cô ấy nói, thế mới là bài toán cho nhà lãnh đạo. Anh tưởng cứ có đủ ăn là hạnh phúc à?
- Xem thêm: Mơ đất nước mãi là… âm lịch
Như mình đây gọi là mới thoát nghèo nhờ vào may mắn bán được miếng đất vào đúng cơn sốt đất, chứ có nhờ vào lương bổng gì đâu? Có ai đem đến cho mình đâu? Rồi cô ấy giải thích cho tôi thế này: “Xã hội có nhiều tầng lớp. Những người xếp hàng rồng rắn ở quán cơm từ thiện hai ngàn thì giấc mơ khác.
Mình thuộc dạng không lo bị đói, nhưng nghĩ xem, cuộc sống ra sao? Bước ra đường là có kẻ có thể “giết” được mình! Nào là trộm cướp, nào tai nạn giao thông, nào bị phạt, nào mua bán gian lận.
Ở nơi sinh sống thì từ tổ trưởng, tổ phó dân phố đến công an khu vực đều hoạnh họe anh được. “Thì cứ sống đàng hoàng đúng pháp luật, không buôn gian bán lận, không làm trái pháp luật thì mắc mớ gì?”.
Nghe tôi vặn thế, cô ấy hỏi: “Anh lùng sục trên mạng suốt ngày, có nghe một từ mới là “dân oan” không? Đang làm ăn sinh sống yên lành, rủi mảnh đất trù phú lọt vào mắt “nhà đầu tư”, họ bàn bạc với chính quyền, chia chác quyền lợi, đùng một cái anh bị lấy đất, ra khỏi nhà đó.
Họ có làm gì sai trái không? Không nhé. Bỗng mất đất, mất nhà, mất quê hương, mồ mả ông bà. Vậy họ có hạnh phúc không? Mà ta chứng kiến cảnh đó, ta có hạnh phúc nổi không?”.
Cô ấy tấn công tôi liên tục: “Thí dụ anh đang có vàng cất trong nhà, thế là anh có tội rồi!”. “Sao ăn nói phi lý vậy?”. Cô ấy cho biết, ông thống đốc nói dân cất giữ bao nhiêu tấn vàng không đưa vào phát triển kinh tế. Đó, dân có tội chưa? Cứ như là tìm cách đối phó với dân.
Tuyên bố chỉ có một loại SJC là vàng chuẩn quốc gia. Thế là chỉ sau một đêm ngủ dậy, vàng nhà anh không phải SJC là coi như… xuống giá. Chỉ một câu họ nói là anh mất của rồi, không thấy sao?
Nếu cứ tiếp tục đà này, không hiểu cô ấy sẽ đi đến một bức tranh đen ngòm như thế nào, nên tôi ngăn lại bằng cách “tấn công” vào đặc điểm giới: “Sao nhiều cô gái đẹp rồi mà vẫn cứ điên cuồng nộp tiền cho các quảng cáo kiểu “bí quyết làm đẹp cực độc” từ bồn tắm sữa nổi tiếng Cleopâtra cho tới bột vỏ sò làm phấn như người La Mã cổ đại… Người ta cũng làm cuộc điều tra nghiên cứu, thấy phụ nữ luôn không hài lòng về vẻ ngoài của mình.
Ai cũng nói, con người phụ nữ chỉ có 10% là vẻ đẹp bề ngoài, còn 90% là vẻ đẹp tiềm ẩn toát ra từ bên trong. Vậy mà khi điều tra phỏng vấn phụ nữ Việt Nam do một hãng mỹ phẩm tiến hành, cho kết quả thế nào, em biết không? Chỉ có 1% người tự nhận là mình đẹp.
- Xem thêm: Hài lòng
Vậy là hầu hết không ai hài lòng về mình. Đó, nếu dựa vào mức độ hài lòng, thì hóa ra phụ nữ Việt chẳng có ai đẹp hết sao? Trong khi, nhiều khách ngoại quốc khen phụ nữ Việt đẹp vào loại hàng đầu thế giới. Chẳng thế mà có cuốn từ điển Tây, khi giới thiệu Việt Nam, họ nhấn mạnh hai chữ: Nước mắm và… con gái”.
Tranh luận kiểu này không bao giờ phân thắng bại, vì lý lẽ nào cũng tìm thấy đầy dẫn chứng hùng hồn có trong thực tế. Kết quả là, ai cũng cho mình đúng.