Nhóm bạn lớn tuổi ngồi lại với nhau, ngoài việc hỏi thăm sức khỏe, động viên “giữ vững tinh thần chiến đấu với bệnh tật” còn trao đổi về cuộc sống, gia cảnh. Tất nhiên, ở độ tuổi mà thời gian không còn nhiều, họ đã hết cái nhìn tị hiềm hay xét nét, đưa chuyện mà là sự cảm thông, chia sẻ thật sự.
Một người vừa bắt đầu: “Vợ chồng tui giờ như sống ly thân”. Câu nói có chút hài hước vì hoàn cảnh anh này, con cái ở thành phố. Con gái lớn vừa sinh cháu nhỏ. Vợ anh vào thành phố chăm con, không biết khi nào mới về. Anh ở nhà một mình, lủi thủi tự lo.
“Chuyên đề” nhận được đồng tình của ba người khác: “Gia đình tui khác gì”. Kiểu không hoàn toàn giống gia cảnh ông bạn nhưng cũng dạng vợ chồng già mà phải sống hai nơi.
Một chị là bác sĩ, tuy nghỉ hưu nhưng vẫn còn phòng mạch, không bận bịu như xưa nhưng khó rời phòng mạch đi đâu lâu. “Bệnh nhân còn tìm đến, đâu từ chối được”. Chồng chị là con trai trưởng, một dòng họ hơi phong kiến.
- Xem thêm: Hạnh phúc là hài lòng?
Chị kể, coi như “ly thân” từ hồi cha mẹ chồng còn sống, là bởi nhà từ đường lớn quá, cha mẹ già cần có người thăm viếng, coi ngó vườn tược. “Hồi đó, cứ sáng ổng đi, tối mịt mới về. Không có thời gian ngó ngàng đến con cái luôn. Nhà từ đường trăm thứ việc. Nội cái vườn, ao cá đã hết ngày. Rồi cha mẹ chồng bệnh gần như ổng ở luôn đó. Tuần về một ngày là may. Giờ cha mẹ chồng mất rồi, ổng thích thì về nhà, có khi hai, ba tuần không thấy mặt ổng ở nhà”.
Mới hỏi, không có giải pháp nào sao, sáng đi chiều về chẳng hạn?
Chị cho biết là bởi sức khỏe chồng cũng yếu nên lười đi. Con cái đứa nào thích thì về nhà nội thăm cha. Mà tụi nó có công ăn việc làm nên không có thời gian thăm viếng. Chị thì còn phòng mạch nên cũng bận.
Một ông khác, hai con đi học, đi làm ở thành phố. Vợ vừa nghỉ hưu những tưởng sẽ có thời gian chăm sóc ngôi nhà, chăm hoa, tỉa cành, vợ chồng già nhàn nhã hưởng thụ. Đùng một cái, con ở thành phố bị bệnh phải ăn uống đúng chế độ, với các loại thực phẩm phù hợp. Chị phải vào chăm con, đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa.
Ở với con cũng vui (ông nghĩ là bà vợ vui hơn ở với chồng) bây giờ bà gần như “cắm chốt” thành phố, nhất là khi hai vợ chồng ông vừa đổi một căn nhà khang trang, rộng rãi, đẹp, thoáng cho các con.
Bà kêu ông vào thành phố, đoàn tụ gia đình nhưng ông không muốn. Ở quê ông thấy dễ chịu hơn, ông có việc làm. Thỉnh thoảng bạn bè đến lai rai, cây nhà lá vườn. Vào thành phố cả ngày ngồi bó rọ ở sofa, xem tivi ông thấy tù túng lắm. Vậy là vợ chồng hai nơi!
Ít con khiến vợ chồng già không thể sống cùng nhau khi đa phần con cái đều thích bay nhảy việc này, việc kia ở thành phố lớn. Cho dù cái guồng mưu sinh tranh giành chật hẹp đó nó bào mòn mỗi ngày nhưng con người vẫn thích lao vào.
Chọn sống với con hay với chồng khi tuổi già là điều khiến nhiều bà vợ ngày nay phải suy nghĩ. Giải pháp khi các bà/ hay các ông còn khỏe là đi đi về về nhưng đâu thể kéo dài mãi được?
Hạnh phúc nhất là cha mẹ con cái làm sao giữ được khoảng cách mang tô canh từ nhà bên này sang nhà bên kia vẫn còn nóng hổi là điều lý tưởng, nhưng mấy ai được vậy!
Nhiều người than thở, cất cái nhà thật to với mơ ước tứ đại đồng đường cho vui thì cuối cùng chỉ còn hai ông bà già lủi thủi. Rồi đến một lúc lại phải nghĩ đến giải pháp bán nhà theo con.
- Xem thêm: Bức ảnh hạnh phúc
Nhiều người quan niệm thà con theo cha mẹ để không mang tiếng ăn bám con, cha mẹ phụ thuộc con cũng có nhiều bất tiện. Cha mẹ có tiền rủng rỉnh trong túi, có sức khỏe thì còn có ích cho con cái. Cha mẹ nằm đó gánh nặng cho con, nhất là thời buổi ai cũng quay cuồng với mưu sinh, việc ít, người nhiều, hở ra là có người khác tranh ngay.
Những suy nghĩ cứ loanh quanh, lẩn quẩn như thế, đến lúc mắt mờ chân chậm hồi nào. Con cái nhiều khi biết nghĩ đến cha mẹ thì cũng đã muộn màng!
Xem ra, đời người mấy ai thật sự hài lòng?