Những ngày này, một bầu không khí trầm lắng bao quanh các khu vườn vú sữa xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành (Tiền Giang). Vú sữa Lò Rèn, đặc sản nổi tiếng của địa phương đang bị rớt giá thê thảm. Điều đáng nói là dù sản lượng vú sữa ở xã đã giảm đến hơn 80% so với những năm trước mà các thương lái vẫn dè dặt gom hàng. Trên khắp các tỉnh thành, chuyện buồn như chuyện vú sữa Lò Rèn đang diễn ra ngày càng nhiều. Sự phong phú về sản vật của nền nông nghiệp Việt Nam có nguy cơ bị đe dọa khi nhiều loại đặc sản vùng miền ngày càng mai một.
Cần chính quyền vào cuộc
Mười năm trở lại đây, giới yêu cà phê ở Việt Nam không khỏi tiếc nuối khi thương hiệu cà phê chè Phủ Quỳ (Nghệ An) dần rơi vào quên lãng. Dưới thời Pháp thuộc và thời bao cấp, cà phê Phủ Quỳ chủ yếu được tiêu thụ ở châu Âu, nhưng cũng như nhiều loại đặc sản khác, gần đây cà phê vùng này bị thu hẹp diện tích canh tác lại nhiều lần khi phần lớn diện tích đất phải ưu tiên trồng mía, cao su, trồng cỏ nuôi bò sữa. Tại một số địa phương khác, cây đặc sản vẫn giữ được sản lượng nhưng sa sút về chất lượng. Theo điều tra, khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên, diện tích trồng các giống nhãn quý truyền thống chỉ còn chiếm chưa đến 1% diện tích nhãn của tỉnh. Một vài giống nhãn “tiến vua” ngày xưa gần như đã bị xóa sổ.
Có nhiều lý do dẫn đến thực trạng các loại cây đặc sản bị bỏ quên. Nếu cà phê Phủ Quỳ là do đất đai phải ưu tiên trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao trước mắt thì vú sữa Lò Rèn bị giảm sản lượng do nguồn nước bị ô nhiễm, lượng phù sa từ kênh, rạch không còn nhiều, nhãn quý Hưng Yên không được người dân quan tâm phát triển vì năng suất thấp, trái nhỏ… Tuy nhiên, nhìn chung có thể thấy nguyên nhân sâu xa là cây đặc sản chưa được chính quyền và cả người dân đánh giá đúng giá trị. Trong một lần hội thảo về bảo tồn giống nhãn lồng đặc sản tại thành phố Hưng Yên, ông Caclo – một chuyên gia người Italy đã phân tích: Giống bản địa như nhãn lồng Hưng Yên là vô cùng quý giá, cần được lưu giữ và coi là vấn đề quan trọng vì nó không chỉ mang tính địa phương truyền thống, thể hiện bản sắc dân tộc mà còn mang tính cạnh tranh toàn cầu. Hơn nữa, những giống cây này còn có thế mạnh là khả năng thích ứng với ngoại cảnh, thổ nhưỡng, không nhiễm sâu bệnh nên là loại thực phẩm sạch trong khi các giống mới thường phải dùng thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh mới có khả năng cho năng suất, chất lượng cao.
Thực tế cho thấy, việc giữ gìn cây đặc sản cần những hành động quyết liệt từ chính quyền. Nhiều năm trước, hàng loạt cây măng cụt Lái Thiêu suy thoái vì già cỗi và hệ thống kênh mương chưa tốt. Người dân nản lòng chặt bỏ cây đến mức báo động. Trước tình hình đó, tỉnh Bình Dương đã kiên trì từng bước khôi phục lại vườn cây trái vì danh tiếng và lợi ích kinh tế lâu dài của huyện Lái Thiêu. Tỉnh đã chi hàng trăm tỉ đồng đắp hệ thống đê bao và khai thông, nạo vét các công trình thủy lợi quanh vùng chuyên canh, kiên quyết giữ nguyên diện tích vườn cây không cho chuyển đổi sang đất thổ cư. Thêm vào đó là chính sách hỗ trợ tài chính cho chủ vườn, nhanh chóng đăng ký nhãn hiệu kinh doanh cho trái măng cụt Lái Thiêu. Nhờ đầu tư đúng mức, đồng bộ, măng cụt Lái Thiêu đã có cơ hội phát triển trở lại.
Thay đổi thói quen của người nông dân
Những năm gần đây, sự biến đổi thời tiết, khí hậu khiến nhiều kinh nghiệm trồng trọt theo lối cũ không còn hiệu quả. Trong khi đó, các cải tiến kỹ thuật chưa được nghiên cứu tới nơi tới chốn để phổ biến cho người nông dân. Ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm hợp tác xã vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim cho biết hợp tác xã có 55ha vú sữa đạt chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Anh, Canada, Hà Lan và từng có thời điểm lượng hàng không đủ cung ứng. Tuy nhiên đến vài năm gần đây thì chất lượng trái giảm hẳn và quy cách bảo quản cũng không đáp ứng các tiêu chuẩn này nên đơn hàng bị từ chối hàng loạt, nông dân lại loay hoay với thị trường nội địa.
Mặt khác, trong một thời gian dài, do phụ thuộc nhiều vào thị trường dễ tính Trung Quốc, phần lớn nông dân đã có thói quen dễ dãi trong trồng trọt, ít đầu tư, chậm ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Nhiều tổ hợp tác sản xuất trái cây ở Đồng bằng sông Cửu Long đã từng muốn từ bỏ VietGAP do quy trình sản xuất phức tạp, chi phí chứng nhận tốn kém, nhưng giá bán ra chỉ tương đương với các loại trái cây thông thường. Tuy nhiên, tiêu chuẩn kiểm nghiệm chất lượng quốc tế luôn là xu thế, và muốn tồn tại phải thực hiện. Người trồng cây trái phải chấp nhận rằng muốn đảm bảo đầu ra cần tuân thủ rất nhiều quy trình, phải ghi nhật ký cho cây, cho trái! Ngày trồng, ngày bón phân hay bơm thuốc đều phải được ghi, rồi ký tên đóng dấu khi xuất đi.
Kinh nghiệm từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia… cho thấy để phát triển cây đặc sản, người nông dân cần được tạo điều kiện để dễ dàng tiếp cận kỹ thuật mới cùng vốn vay. Trong những năm 1960, Doi Anh-khang – một cao nguyên phía bắc Thái Lan từng bị biết đến như điểm đen chuyên trồng cây anh túc. Chỉ sau hơn mười năm dưới sự đầu tư của Bộ Nông nghiệp Thái Lan, cao nguyên này đã trở thành vùng nông nghiệp công nghệ cao với đặc sản là trái cây và hoa ôn đới. Nông dân ở Doi Anh-khang từ những người khai thác rừng đến cạn kiệt đã có cuộc sống sung túc bền vững nhờ được phát không các loại giống cây, được canh tác dưới sự hướng dẫn sâu sát của các chuyên gia và được khuyến khích vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp.
Nhìn lại sản vật Việt Nam, ngoài một số ít đặc sản được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa, còn lại đa số vẫn đang tự “bơi”. Những nỗ lực của nhà vườn, những chính sách, sự quan tâm mang tính cục bộ của từng địa phương chỉ dừng lại ở mức độ giúp đặc sản phát triển trong giai đoạn ngắn, không thể bền vững.