Vào cuối năm ngoái, Quốc hội đã chính thức thông qua chủ trương dừng dự án điện hạt nhân đầu tiên ở Ninh Thuận, không phải với lý do công nghệ mà do điều kiện kinh tế của chúng ta chưa phù hợp so với thời điểm tám năm trước đây khi bàn đến việc phát triển nguồn năng lượng này.
Ngay sau đó, chính phủ cho biết việc dừng dự án nói trên không làm ảnh hưởng đến an ninh cung ứng điện, do có thể bổ sung các loại nguồn điện khác trong hệ thống như nguồn nhiệt điện than, nguồn điện từ năng lượng tái tạo, sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng, cũng như xem xét việc mua điện từ các nước láng giềng.
Về nhiệt điện chạy than, chúng ta có hơn cả chục nhà máy với tổng công suất khoảng 5.800MW, chủ yếu tập trung ở phía Bắc.
Được biết hồi đầu năm 2016, chúng ta dự kiến sẽ không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện chạy than. Điều này đã được Viện kinh tế Năng lượng và Phân tích tài chính của Úc đánh giá cao việc giảm tỷ trọng nhiệt điện than trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam.
Nhưng bây giờ tình hình đã khác.
Thật ra, không phải đến nay vấn đề sử dụng than cho nhà máy nhiệt điện mới được đặt ra. Từ trước khi có chủ trương phát triển điện hạt nhân thì nhiệt điện than vẫn được xem là quan trọng trong cơ cấu năng lượng của chúng ta.
Theo quy hoạch của ngành điện, cho đến năm 2020 nhiệt điện than chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Cụ thể năm 2015-2016 chỉ mới chiếm 34% thì đến năm 2020 lên đến 49%, năm 2025 lên 55% và đến năm 2030 dừng lại ở mức 54%, trong khi các nguồn khác như thủy điện, nhiệt điện chạy bằng dầu, khí hóa lỏng không tăng, thậm chí còn giảm. Riêng năng lượng tái tạo và thủy điện nhỏ chỉ tăng ít và dự kiến đến năm 2030 chiếm khoảng 10%.
Cũng theo quy hoạch thì đến năm 2020 ngành điện phải sử dụng 39 triệu tấn than nội địa, chủ yếu là than Hòn Gai với chất lượng không cao, chứa nhiều lưu huỳnh. Lượng than này không đáp ứng đủ nhu cầu nên dự kiến phải nhập khoảng 25 triệu tấn và tăng lên 85 triệu tấn vào năm 2030.
Đây không chỉ là thách thức mà còn là một trong những bài toán khó của ngành năng lượng, vì ngoài số ngoại tệ lớn lên đến hàng tỉ đôla phải chi, còn một vấn đề khác là nền kinh tế quá phụ thuộc vào cung ứng nguyên liệu bên ngoài. Đó là chưa kể đến vấn đề ô nhiễm ảnh hưởng đến môi trường sống do lượng khí carbonic quá lớn thải vào không khí.
Đã có lời báo động từ các chuyên gia trong ngành năng lượng. Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt trong một bài trả lời phỏng vấn trước đây cho biết: “Than phát ra bụi và khí độc, đáng kể nhất là SO2, NO2, CO và khí thải mà cả thế giới quan tâm là CO2, tức là khí gây hiệu ứng nhà kính. Khi tăng số lượng nhà máy nhiệt điện than, môi trường của chúng ta sẽ gặp nhiều vấn đề.
Về bụi, tuy có thể dùng các hệ thống tĩnh điện để khử, nhưng xử lý khí thì phức tạp hơn, tốn kém hơn và nói chung hệ thống phải thật tốt, nếu không thì khi xảy ra trường hợp bất trắc nào đó nhà máy sẽ thải ra những khí này. Nhất là có nhiều nhà máy điện than nằm ở vùng đồng bằng Nam bộ, do gió mùa tây nam ảnh hưởng rất mạnh nên toàn vùng Nam bộ và cả thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ô nhiễm không khí từ các nhà máy điện than.
Ở đồng bằng Bắc bộ cũng vậy. Các nhà máy điện than nằm gần biển để cung cấp điện cho dễ, cho nên gió mùa đông bắc và gió mùa đông nam ở vùng đồng bằng Bắc bộ sẽ ảnh hưởng hết vùng này.
Cuối cùng, về vấn đề biến đổi khí hậu, chúng ta cũng sẽ đóng góp vào một lượng rất lớn, bởi vì đến năm 2030, mỗi năm chúng ta sử dụng đến hơn 120 triệu tấn than để chạy nhà máy điện, như thế sẽ phát ra một lượng CO2 khá lớn. Chúng ta đã tham gia hội nghị COP 20 ở Paris, thế mà nay lại tăng điện than như thế là có vấn đề. Bởi như vậy chúng ta đi ngược chiều với thế giới trong chuyện điện than này”.
Thế nhưng đây là một giải pháp chẳng đặng đừng trong tình hình kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng cần được đẩy mạnh. Vì vậy vấn đề ở đây là tìm ra những biện pháp hạn chế đến mức tối đa những tiêu cực trong điều kiện có được.
Chúng ta đã nghĩ đến các nguồn năng lượng tái tạo, nhưng xem ra vẫn chưa giải được bài toán kinh tế do chi phí đầu tư quá lớn. Điện mặt trời là một trong những giải pháp đang nghĩ đến nhưng khó thực hiện trên quy mô lớn, còn điện gió tương đối khả thi đã được triển khai tại một vài địa phương và đang kỳ vọng vào đáp số về lợi ích kinh tế.
Trong khi chưa tìm ra lời giải cho bài toán năng lượng thì biện pháp tiết kiệm được lặp lại nhiều lần vẫn còn nguyên giá trị, được xem là vấn đề quan trọng và cấp bách.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, ở Việt Nam muốn tạo ra 1 USD phải cần đến 1,2kwh điện, trong khi Trung Quốc chỉ 1kwh, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan chỉ 0,6kwh, Philippines 0,4kwh. Thấp nhất trong khu vực là Singapore và Úc chỉ 0,2kwh điện để cho 1 đôla GDP.
Như vậy mới thấy chúng ta đã lãng phí nguồn năng lượng còn thiếu đến chừng nào. Nguyên nhân được nói đến ngoài ý thức tiết kiệm thấp thì nền kinh tế chúng ta chú trọng nhiều vào các ngành công nghiệp sử dụng nhiều điện năng hơn các ngành thương mại và dịch vụ.
Vẫn theo Ngân hàng Thế giới, các ngành công nghiệp Việt Nam có tiềm năng kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng lớn từ 25 – 45%. Ước tính chi phí bỏ ra để tiết kiệm 1kwh điện chỉ bằng 1/4 chi phí để sản xuất thêm lượng điện năng đó. Sự lãng phí đó một phần do ý thức của doanh nghiệp, một phần do trình độ quản lý của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, cũng như các quy định liên quan đến Luật sử dụng năng lượng điện tiết kiệm chưa được thực hiện nghiêm túc.
- Phạm Thành Sơn