Công ty tư vấn công nghệ toàn cầu Accenture (Mỹ) vừa tiến hành cuộc khảo sát mang tên “Vì sao trí thông minh nhân tạo là tương lai của phát triển?” và nhận thấy trong một số trường hợp, sản phẩm hiện đại này có thể làm tăng năng suất lao động đến 40%. Theo kết quả khảo sát, đến năm 2035, trí thông minh nhân tạo có thể làm tăng gấp đôi tỷ lệ tăng trưởng GDP của 12 nước phát triển đang chiếm trên 50% sản lượng kinh tế toàn cầu. Vào thời điểm trên, tỷ lệ tăng trưởng hằng năm của kinh tế Mỹ sẽ từ 2,6% hiện nay lên 4,6%, tạo thêm 8.300 tỉ USD; kinh tế Anh cũng từ mức tăng trưởng 2,5% vọt lên 3,9%/năm, tạo thêm 814 tỉ USD. Nền kinh tế Nhật Bản tăng hơn gấp ba tỷ lệ tăng trưởng tổng giá trị gia tăng (GVA), tức giá trị của hàng hóa và dịch vụ đã trừ đi các chi phí sản xuất, bao gồm giá nguyên liệu. Tương tự như thế, Phần Lan, Thụy Điển, Hà Lan, Đức và Áo cũng sẽ có tỷ lệ tăng trưởng GVA tăng gấp đôi so với hiện nay.
Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, sự ứng dụng trí thông minh nhân tạo là một bước không thể không thực hiện khi mà tại nhiều nước hiện nay, sản lượng kinh tế giảm dần do dân số ngày một già nua, lực lượng lao động sa sút, trong lúc chính phủ không đầu tư đầy đủ cho giáo dục, công nghệ và hạ tầng cơ sở.
Nguyên tắc chính của việc sử dụng trí thông minh nhân tạo là các hệ thống máy tính sẽ đảm nhận công việc trước đây do con người thực hiện. Bên cạnh việc làm gia tăng năng suất của người công nhân, trí thông minh nhân tạo còn là động lực của tăng trưởng kinh tế thông qua sự canh tân kỹ thuật. Theo một số nhà phân tích, hiện có trên 6 tỉ thiết bị được nối kết về mặt kỹ thuật số trên thế giới, hằng ngày cung cấp cho giới kinh doanh nhiều dữ liệu liên quan đến thái độ của khách hàng, thói quen mua sắm của họ. Tầm hoạt động của trí thông minh nhân tạo bao quát nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế. Các ngân hàng sử dụng chúng trong việc tự động hóa những hoạt động sử dụng giấy tờ, cơ quan bảo hiểm nhờ chúng để phát hiện sự gian lận và thỏa mãn các yêu cầu của khách hàng từ xa.
Dù vậy, vẫn còn những lo lắng trước khả năng xuất hiện và chiếm lĩnh của trí thông minh nhân tạo trong đời sống kinh tế toàn cầu. Sẽ còn những rào cản về mặt văn hóa, xã hội đối với công nghệ mới này, nhất là khi có sự lo ngại rằng chúng sẽ gây ra tình trạng thất nghiệp tràn lan và nhiều bất ổn xã hội khác. Tất nhiên, sự thuận lợi nào cũng có cái giá của nó.
- LHCT tổng hợp