Sau khi Domino Art Fair được tổ chức khá thành công tại Hà Nội vào trước Tết Đinh Dậu, hội chợ tranh với chủ đề “Bắc Nam sum họp” này được chuyển vào TP. Hồ Chí Minh và đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố (97 Phó Đức Chính, Q.1, từ 18-2 đến 27-2-2017). Chỉ sau hai ngày khai mạc, đã có hàng chục tác phẩm được các nhà sưu tập và người yêu tranh gắn nơ. Tuy nhiên, còn đó nhiều vấn đề chưa ổn của một hội chợ nghệ thuật thật sự.
Toàn bộ tầng trệt khu trưng bày mới của Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh được bày kín tác phẩm, dù đã có tác giả không tham dự vào giờ chót (Thành Chương với “Thế giới gà” gồm 60 tác phẩm vẽ gà Đinh Dậu của ông) hay không diễn ra như đã kế hoạch ban đầu (gian trưng bày đặc biệt “Biến tấu đương đại trên dòng tranh truyền thống Kim Hoàng” của họa sĩ Nguyễn Đức Phương). Và trong số các tác giả được tôn vinh tại hội chợ lần này, đã thiếu tranh của họa sĩ lão thành Trần Huy Oánh.
Chủ đề “Bắc Nam sum họp” xem ra cũng chưa thật trọn vẹn tại Domino Art Fair Sài Gòn bởi số đông các họa sĩ có tranh trưng bày là từ Hà Nội. Bù lại, hội chợ đã dành một không gian riêng cho họa sĩ Lê Kinh Tài để ông giới thiệu loạt tranh khổ lớn sáng tác gần đây cùng những con tò he độc đáo đã được triển lãm cách đây vài năm tại Hà Nội, song vẫn là mới lạ với công chúng TP. Hồ Chí Minh. Không gian Lê Kinh Tài được đặt tên là “Con – Người” mà theo họa sĩ thì “Bên trong tôi luôn hiện diện hai thứ, một phần cái Con và một phần cái Người. Tôi chấp nhận sự có mặt bắt buộc bởi người bạn đồng hành ấy”. Sự góp mặt của không gian Lê Kinh Tài là một điểm nhấn thật sự thú vị của hội chợ.
Người đến với hội chợ có dịp thưởng ngoạn tác phẩm của ba tên tuổi lớn của hội họa Việt Nam là Hoàng Trầm, Lưu Công Nhân và Lê Thị Kim Bạch tại sảnh chính của tòa nhà triển lãm. Đó là Bến xe ngựa chợ Bà Điểm (tranh sơn dầu khổ 150 x 120cm, vẽ năm 1995), một tác phẩm tuyệt đẹp của nữ họa sĩ đã tròn tuổi tám mươi nhưng vẫn còn sáng tác với ngôn ngữ đặc trưng Nam bộ của bà. Hay bức Bình dân học vụ (tranh sơn dầu khổ 160 x 130cm, vẽ năm 1955) của cố họa sĩ Lưu Công Nhân. Hoặc các tác phẩm đề tài chiến tranh của lão họa sĩ Hoàng Trầm nay đã ở tuổi chín mươi đại thọ. Cả ba vị đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam đương đại, xứng đáng được tôn vinh. Bên cạnh đó là tranh của các tác giả đã tham gia hội đồng cố vấn của Domino Art Fair là Nguyễn Quân, Trịnh Tuân, Hứa Thanh Bình… Ngoài ra, còn có hai bức tranh “quái kiệt” – thi sĩ Bùi Giáng, cả hai đều được gắn nơ, cho thấy không chỉ có những tác phẩm thi ca và biên khảo của ông được nhiều bạn đọc yêu thích mà nay thì tranh Bùi Giáng đã có “thị trường” (trong một cuộc đấu giá vì mục đích từ thiện cuối năm 2016, một tranh Bùi Giáng đã được mua với cái giá đáng nể: 27.000 USD!).
Nhìn chung, đây là một sự kiện được tổ chức khá chu đáo và đã đạt được những thành quả bước đầu đáng khích lệ. Hội chợ có tranh của các họa sĩ, đặc biệt là các tên tuổi còn trẻ đang từng bước thành danh, được công chúng và giới sưu tập trong nước (dù chưa nhiều) chú ý. Nguyễn Quang Vinh, Bùi Tiến Tuấn là những ví dụ. Hay những Nguyễn Thế Hùng, Tào Linh, Doãn Hoàng Lâm, Phạm Trần Quân, Phạm Tuấn Tú… với tranh được giới thiệu ở nhiều gallery trong và ngoài nước.
Con đường để đến với mục tiêu chiến lược của Domino Art Fair là xây dựng thương hiệu Vietnam Art Fair thành một hội chợ nghệ thuật quốc gia “ngang tầm với các thương hiệu hội chợ nghệ thuật khác trong khu vực và trên thế giới” chắc chắn còn xa và không dễ dàng gì, nhưng “hỗ trợ phát triển và mang nghệ thuật đương đại tới gần hơn với công chúng yêu nghệ thuật trong nước; góp phần phát triển một thị trường mỹ thuật đương đại lành mạnh, minh bạch tại Việt Nam” là hoàn toàn có thể. Muốn vậy, Domino Art Fair cần có được sự cộng tác, hợp tác của rộng rãi hơn nữa các họa sĩ không chỉ Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh, mà còn từ nhiều địa phương khác trong cả nước cũng như các thế hệ họa sĩ trẻ, năng động, có những tìm kiếm về mặt nghề nghiệp. Cần có sự tham gia của các nhà sưu tập, các nhà buôn tranh, các gallery trong Nam, ngoài Bắc thay vì chỉ một mình một ngựa RealArt của họa sĩ Trịnh Minh Tiến.
Và Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh chắc chắn không thể là một không gian để làm hội chợ tranh, hội chợ tác phẩm mỹ thuật. Về lâu dài, cần có một địa điểm thích hợp hơn và đúng nghĩa hơn. Có thể là một trung tâm thương mại nào đó như ở nhiều nước đã có các art fair được tổ chức thường xuyên…
- Phạm Đán Bình