Một đời người không khó lắm để… đếm mình đã bao nhiêu lần chuyển nhà. Những căn nhà xưa lùi lại, nhà mới rồi trở thành nhà xưa khi “đi thêm bước nữa” và ký ức cũ mèm đôi lúc cứ bắt nhớ hoài về căn nhà xưa, của mình hay có thể nhà của… ai đó!
Những ngôi nhà cũ luôn đầy ắp kỷ niệm, vui có, buồn có, hạnh phúc, đầm ấm, đơn côi, bi kịch… Con đường đất dẫn vào một ngôi nhà có cây ngọc lan ban đêm tỏa hương thơm ngát. Một mảnh vườn vàng hoa cải vào mùa sáng lên trong nắng chiều, có người phụ nữ ngồi bên cửa sổ.
Có thể là mẹ đang nhìn ra bên ngoài nhớ những đứa con ở xa hay giận người chồng phụ bạc; cũng có thể là nhà của cô bạn gái, cô đang cắm cúi bên chiếc máy may hay nghiêng đầu ngắm chiếc áo len đan dang dở.
Ngôi nhà cũ với những buổi sáng uể oải cựa mình, lười biếng không muốn bước xuống giường, lắng nghe tiếng chổi quét lạt sạt của mẹ, mùi thuốc lá của cha, để biết trời đã sáng rồi và hình như mình vừa trải qua một giấc mơ có tiếng chuông chùa điềm tĩnh, vọng lại chậm rãi từ ký ức nào xa xôi lắm…
- Xem thêm: Cái gì cũng có – chỉ thiếu chúng nó
Ngôi nhà để mỗi khi mệt mỏi trở về nằm dài nghe bài ca dao thớt của mẹ hay tiếng xua lũ chó của cha, chiều xuống yên tĩnh đến nỗi nghe được tiếng lá rơi! Ngôi nhà luôn dang tay đón những đứa con thất bại trở về với tấm lòng đầy bao dung. Sông có khúc, người có lúc, về tắm sông, bắt cá, hái rau cho mẹ như một cách xả cho hết bao muộn phiền, uẩn ức trên con đường mưu sinh chật hẹp!
Cũng có những ngôi nhà chưa một ngày có tiếng cười hạnh phúc mà mỗi khi nhớ về đau thấu tâm can. Bởi, con người không ai giống ai từ hoàn cảnh ra đời cho đến cách sống, lối giáo dục. Và như thế, mỗi người trong đời mình biết bao nhiêu kỷ niệm về những ngôi nhà xưa ấy!
Cũng có những ngôi nhà khác mà bước chân ta đi qua không biết bao nhiêu lần chỉ để ngẩng lên nhìn ô cửa sổ còn sáng đèn, mường tượng một mái tóc dài đang ngồi học bài. Cũng có những ngôi nhà mà mỗi lần phải ngang qua là kỷ niệm lại nhói lên đau đớn những tháng năm quá buồn!
Đường mưu sinh không ai giống ai, với người này thoáng, rộng, nhưng với người kia thì gập ghềnh, trắc trở. Bốn mùa xuân hạ thu đông trôi qua rồi lại đến xuân, mỗi người một kỷ niệm để nhớ, để buồn, để thương, để vui, để giận…
Cuộc sống trôi đi, một năm căng đầu “đấu đá” với một tay khá cứng cựa hay nhẹ nhàng lướt qua với những hợp đồng biết nói thì ngày cuối năm ngồi lại một mình, nhớ về những ngôi nhà xưa, có tiếng gàu nước đổ vào lu ngoài giếng, hình như là cha mà cũng có thể là mẹ. Chỉ bấy nhiêu mà thấy lòng thanh thản rất nhiều!
Rồi lớp trẻ lớn lên, những ngôi nhà ống, chung cư hay biệt thự giữ chân chúng ngày đêm với chiếc máy tính, những lời hối thúc của cha mẹ mau kẻo trễ giờ, ngày nào cũng thế! Hỏi thèm gì thì chỉ thèm có một ngày được ngủ cho đã đời. Ký ức về những ngôi nhà như thế có gì? Bàn ăn rộng nhưng mỗi người một thế giới với “lướt và quẹt”. Là mẹ ngồi một mình với cái tivi hay máy tính tán gẫu với bạn. Là cha ngày nào cũng về khuya…
- Xem thêm: Nhiệm vụ của năm
Những ngôi nhà cũ, những ngày tết xưa thoáng chốc nhanh đến ngỡ ngàng chỉ còn trong ký ức của bà mẹ hay ông bố. Nơi đó có mẹ cả một mùa tháng Chạp hết làm tính cộng đến tính trừ chi tiêu sao cho vừa túi tiền mà vẫn có tết đủ đầy. Có cha đi ra đi vô đếm ngày để lặt lá mai, chùi bộ đồ đồng trên bàn thờ, giục mẹ mua cái này, sắm cái nọ…
Đó là bức tranh mà làm ăn cả năm ai cũng muốn có một cái tết vẹn toàn, đầy đủ ý nghĩa của yêu thương, sum họp…
Bà mẹ chuẩn bị đón các con về tết với nhà cửa sạch sẽ, mền gối thơm tho… Cha thỉnh thoảng lại nhắc thằng A thích cái này, con B thích cái kia. Và với con cái, đó là những ngôi nhà cũ, không biết còn về được bao nhiêu cái tết nữa!
Vậy thì còn chần chừ gì mà không trở về mái nhà xưa ăn tết với cha mẹ. Đừng chờ tới khi công thành danh toại mới về “vinh quy” bởi cha mẹ sống ngần ấy rồi, dư sức hiểu không phải con chim nào bay ra khỏi tổ đều làm nên danh phận.
Ý nghĩa ngày tết là như thế, bao dung, vị tha và luôn hy vọng…