Cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn VN) năm 2006-2007 ấy khai mào bằng chùm truyện ngắn của nhà văn Y Ban. Đây là cuộc thi thứ ba tôi ở ban sơ khảo. Chúng tôi chủ trương cuộc thi lần này báo Văn Nghệ sẽ in cùng lúc hai hoặc ba truyện của một tác giả để làm khác những cuộc trước. Đã có thể hình dung những người dự thi sẽ hào hứng thế nào khi mỗi tuần, toàn bộ văn xuôi của số báo Văn Nghệ là của một tác giả chiếm từ bốn đến sáu trang báo.
Buổi chiều ngày báo ra hằng tuần, cơ quan vắng vẻ, ít ỏi mấy người mong ngóng số báo còn thơm mùi mực mà cánh văn phòng phóng xe máy đem từ nhà in về. Tràn ngập Y Ban với hai truyện cùng lúc, trong đó I am Đàn bà choán gần ba trang in. Truyện kia thú thực tôi không nhớ tên và cũng không muốn hỏi lại Y Ban khi viết bài này (để giữ nguyên cảm xúc mông lung về truyện đi kèm ấy). Truyện kèm viết về một nhà văn làm việc ở một nhà xuất bản với tâm trạng áp lực và những độc thoại rất nhạy cảm, rất dễ bị quy chụp suy diễn (tôi đã cắt gọt gần như 1/4 truyện để nó “lọt lưới” tổng biên tập). I am Đàn bà nguyên vẹn, không bị can thiệp, nó dữ dội nhưng là dữ dội của nhân sinh, của thân phận, không trực diện cũng không cạnh khóe, định đề.
Tôi gọi điện rủ Y Ban sang cơ quan. Hai chúng tôi sung sướng choáng ngợp với hai truyện ngắn của một người lần đầu in trong một số báo mở đầu một cuộc thi. Đâu thể ngờ lối đọc suy diễn và cả sự đố kỵ vẫn đang rình rập nguy hiểm như trước. Cách làm mới của ban tổ chức cuộc thi đã khiến dư luận như lên đồng, bởi ngay tuần sau, chúng tôi in phản hồi (khen, cổ xúy) truyện dự thi của tuần trước. I am Đàn bà được biệt nhãn của dư luận nổi và chìm trong khi truyện đi kèm kia thì lọt vào tầm ngắm của những người canh cửa ở những cơ quan tít tận cao xanh!
Y Ban từng được biết với Bức gửi mẹ Âu Cơ giải nhất truyện ngắn tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm 1989. Một phong cách bạo liệt, không ưa né tránh tính dục và sex mà văn học phương Tây đã đi mòn gót. I am Đàn bà cũng thế, người đọc truyền thống có thể đỏ mặt ở những đoạn tả thực mạnh bạo. Và cũng chính vì vậy mà sự tò mò của nó lan nhanh như phim 18+. Trên hết, nó đề cập trực diện thân phận của một lớp phụ nữ nông thôn từ Bắc chí Nam như những cánh chim lao ra biển tìm miếng ăn cho chim con trong tổ. Chưa bao giờ đàn ông đàn bà nông thôn Việt Nam chịu một cú sốc sinh kế như vậy. Tác giả đã nhảy một bước dài so với thời mới xuất hiện năm 1989 ở tầm vóc công dân từ truyện ngắn này.
Việt Linh từ ý tưởng điện ảnh tới sân khấu
Cuộc thi năm 2006-2007 chọn I am Đàn bà là một trong ba giải nhì. Báo Văn Nghệ đã in Thông cáo báo chí về kết quả cuộc thi. Nhưng lệnh miệng ở đâu đó cho tổng biên tập rằng I am Đàn bà phạm quy vì tác giả đã đưa nó vào sách trước khi cuộc thi kết thúc, muốn yên dư luận, ban tổ chức cuộc thi phải thuyết phục tác giả tự nguyện rút khỏi giải. Ai cũng biết cái truyện in kèm kia mới là nguyên do chính, với một người viết nổi loạn như vậy, hà cớ gì chúng ta còn trao giải! Không nghe cũng không xong, tổng biên tập làm việc khéo với tác giả và Y Ban đã lên tiếng rút ra, thế là báo Văn Nghệ thoát hiểm. Ngược với mong muốn đánh chìm của những ai đó, I am Đàn bà nhờ vậy mà lại nổi lên, sức lan tỏa không chính thức của nó lần này còn ngoài mong đợi của tác giả.
Đạo diễn Việt Linh thình lình xuất hiện ở nhà tôi bên bờ sông Tô Lịch, cùng với Y Ban và cả Trang Hạ, một nhà văn đau đáu với những phận nữ nô Việt Nam ở Đài Loan. Chúng tôi có thêm những câu chuyện về họ, về cái thời bi thương cho phụ nữ rất khác với bi thương trong chiến tranh dù sự hy sinh, xa cách chồng vợ và con cái thì vẫn màu sắc ấy. Việt Linh nhất quyết làm phim truyện nhựa từ I am Đàn bà. Chúng tôi hoài nghi quá. Một truyện ngắn cỡ năm ngàn từ thì “tán” làm sao để thành kịch bản văn học cho một bộ phim điện ảnh? Chịu, không hình dung được! Y Ban rất hào hứng, có thế chứ, cái gì của Xê-da thì phải trả lại cho Xê-da chứ. Việt Linh đoan chắc là sẽ làm được.
Mười năm trôi qua.Vật đổi sao dời. Việt Linh bạo bệnh, bình phục nhưng không đủ sức khỏe để làm đạo diễn phim nhựa được nữa. Y Ban cũng hiểu Việt Linh lực bất tòng tâm. Tôi không nhớ gì một lời hứa, bạn mình không tàn phế vì trận đột quỵ là phúc rồi. Nhưng những nghệ sĩ đích thực thường có con đường bí mật của họ để cống hiến. Việt Linh viết báo, viết văn và viết kịch bản văn học cho sân khấu. Mười năm đất nước vẫn ngày càng nhiều những cánh chim đàn bà rời tổ lao ra sóng biển. Hình như họ ngụp lặn hơn, phiêu lưu hơn và nhiều tai vạ hơn. I am Đàn bà như cái dằm cây trong tim người nghệ sĩ đa năng và nhiều khát vọng này.
Mốc son cho sân khấu Hồng Hạc
Không chỉ dừng lại ở tổ chức bản thảo kịch cho phim nhựa, phim truyền hình và sân khấu kịch, Việt Linh còn xắn tay gây dựng một thương hiệu kịch cho mình và nhóm bạn trẻ mật thiết của mình. Tập hợp những nữ diễn viên hạt giống muốn thử sức đạo diễn sân khấu như Lan Phương, Hồng Ánh, Hạnh Thúy… Mười hai tháng, sân khấu mới Hồng Hạc vẫn sáng đèn mỗi cuối tuần, chắc chắn rồi Việt Linh sẽ chép miệng “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”. Khỏe và kinh nghiệm sân khấu như Hồng Vân mà còn thở vắn than dài khi phải bò ra làm thêm để nuôi thương hiệu. Thật là “gan trời” mới đẻ ra một sân khấu cho mình trong thời buổi mọi thứ đang xô lệch, phập phù.
Và, đùng một cái, nhân sinh nhật Hồng Hạc một tuổi, Việt Linh cho công diễn I am Đàn bà. Reo vui trong điện thoại, dù không nói thẳng, tôi vẫn nghe thấy: Mình không thất hứa nhá, sẽ không để bạn bè thất vọng đâu nhá, đến nhá! Nín thở với bạn mình. Bạn bè ủng hộ rất đông, vì một nghệ sĩ tài danh không dễ bị khuất phục trước mọi trở lực và vì nền kịch nghệ đang cần chất văn học gốc rễ đã phần nào bị thỏa hiệp bởi xu hướng ăn xổi ở thì nơi độc giả ưa giải trí thuần túy.
Không gian miền Tây hẻo lánh u buồn, các nhân vật có thêm và bớt vịn vào sợi chỉ nhân văn của truyện ngắn mà quay cuồng với số phận của họ. Đạo diễn trẻ Hạnh Thúy, diễn viên trẻ Lê Chi Na đã tương tác một cách tuyệt vời với kịch bản văn học để làm ra một sản phẩm dữ dội và lay động. Tầm vóc xã hội của I am Đàn bà đậm lên, tiếng kêu của thân phận thống thiết như sờ được, cầm nắm được và vì vậy, vở diễn đánh thức lòng trắc ẩn của người đời và có thể, là hồi trống thất thanh trước những cánh cửa vô cảm, rằng hãy làm gì đi chứ, làm gì đi cho dân bớt khổ và cho người nghèo bớt tuyệt vọng đi chứ.
Việt Linh đã giữ được lời hứa với chính mình: Làm đậm chất văn học chí ít cho một sân khấu mà mình không tiếc tâm sức, tiền bạc để thêm một cái móng, một bậc thềm, một nấc thang, một niềm hy vọng cho cái nền chung sân khấu nước nhà.
- Dạ Ngân
Xem thêm: