Theo mạng tin của Tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor, giá trị của USD đang ở mức cao kỷ lục trong thập niên qua và bối cảnh của nền kinh tế thế giới dường như sẽ khiến đồng bạc xanh còn tăng giá trị hơn nữa. Khi đồng tiền dự trữ của thế giới quá mạnh, chắc chắn sẽ không nước nào có thể tránh được sự tác động. Và đối với nhiều nền kinh tế mới nổi có vốn vay nợ nhiều bằng USD, thì năm 2017 có thể sẽ là một năm đầy khó khăn.
Ngày nay, đồng USD thống trị thế giới giống như chiếc vòi bạch tuộc thời hiện đại. Những quốc gia gắn giá trị đồng nội tệ với đồng USD sản xuất đến 1/3 sản lượng của toàn cầu và đồng USD hiện là sự lựa chọn của hầu hết giao dịch hàng hóa. Đồng bạc xanh có mặt trong 85% giao dịch ngoại hối và hiện là đồng tiền của 39% tổng số nợ của toàn cầu, 63,4% kho dự trữ tiền tệ công khai của thế giới.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, một số nhà phân tích đã viện dẫn thâm hụt thương mại của Mỹ như là bằng chứng cho thấy thời hoàng kim của đồng USD sắp lụi tàn và đồng thời dự đoán đồng tiền này sẽ bị ruồng bỏ. Tuy nhiên, họ đã sai bởi các luồng vốn đổ vào ồ ạt chỉ càng củng cố vị thế của đồng USD như là “nơi trú ẩn” an toàn bất chấp tương lai đầy bấp bênh của chính đồng tiền này. Điều tưởng chừng như nghịch lý ấy lại đặc biệt chính xác bởi nước Mỹ là thủ phạm chính gây ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Để đối phó với các khủng hoảng của năm 2008, chính phủ của các thị trường phát triển đã triển khai những chính sách ngăn chặn sự tái diễn “tình trạng đình đốn” như Phố Wall từng gây ra hồi những năm 1930. Các ngân hàng trung ương điều hành chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo, khiến thị trường tràn ngập tiền mặt bằng cách ấn định lãi suất thấp kỷ lục và những chính sách nới lỏng định lượng, với Mỹ đi đầu trào lưu này. Kết quả là đồng USD đổ vào thị trường toàn cầu do các nhà đầu tư ở thế giới phát triển nhận thấy các thị trường nội địa của họ không thể đem lại đủ lợi nhuận. Các thị trường mới nổi nhận được lượng vốn lớn và hầu hết là dưới hình thức nợ công ty. Do các nhà đầu tư không muốn cấp các khoản cho vay bằng đồng nội tệ đối với những thị trường mới nổi có tỷ lệ lạm phát cao, nên các khoản cho vay tính bằng đồng USD càng được lạm dụng.
Hiện tại, những quốc gia gánh nhiều rủi ro nhất từ đồng USD mạnh là những nước đang có những món nợ chồng chất tính bằng USD. Kho dự trữ ngoại hối dồi dào có thể phần nào giúp giải cứu vấn đề này bởi có thể được dùng để củng cố đồng nội tệ hay thanh toán nợ công ty. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ khiến đồng USD tự chảy ra khỏi những nước này.
Trong thời gian tới, đồng USD sẽ tiếp tục mạnh lên và có thể khiến nhiều nước phải đau đầu. Một trong những nạn nhân lớn nhất sẽ là Trung Quốc. Trong suốt 18 tháng qua, đồng nhân dân tệ (NDT) đã mất giá so với đồng USD, dẫn đến tình trạng tẩu tán vốn do các nhà đầu tư không muốn tránh nguy cơ đồng NDT bị phá giá. Điều này có nguy cơ trở thành một tiến trình rối loạn và Trung Quốc đã phải chi một lượng khá lớn dự trữ ngoại tệ để kiểm soát tình hình. Kho dự trữ của nước này hiện là 3,1 nghìn tỉ USD, một con số khổng lồ, song đã giảm 25% so với mức của năm 2014. Đồng USD mạnh sẽ gây áp lực hơn nữa lên Bắc Kinh buộc họ phải tiêu số dự trữ ngoại tệ còn lại ở tốc độ thậm chí còn nhanh hơn, làm hao mòn khối của cải mà nước này tích cóp suốt hai thập niên qua.
Tuy nhiên, những quốc gia dễ bị tổn thương nhất là những nước (chủ yếu là các thị trường mới nổi) đang phải “cõng” gánh nặng nợ tính bằng USD và không có dư dả dự trữ ngoại hối để chống lưng. Đồng USD mạnh lên khiến các quốc gia này khó có thể thanh toán hay trả lãi cho các khoản nợ, nhất là khi chi phí trao đổi đồng USD trên thị trường mở tăng.
Startfor kết luận đồng USD mạnh lên là điềm báo một năm khó khăn đang đợi các thị trường mới nổi trên thế giới.
- Minh Nga
Xem thêm:
Đôla Mỹ tăng giá, nhiều nước lo lắng