Hiện nay, ngành du lịch đang trong giai đoạn cuối lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Luật Du lịch (lần 5) để trong tháng 11 tới đây, Quốc hội sẽ nghe và cho ý kiến về luật sửa đổi. Đã có nhiều tranh luận xung quanh vấn đề đào tạo nhân lực, điều kiện kinh doanh lữ hành, lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch… Nhiều người cho rằng du lịch Việt Nam kém phát triển là do thiếu tiền và chưa được đầu tư thỏa đáng. Tôi không nghĩ vậy.Tiền rất quan trọng, nhưng quan trọng gấp mấy lần tiền là bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết của lãnh đạo.Với cách làm hiện nay, bao nhiêu tiền cũng không đủ. Điểm yếu nhất của du lịch và cũng là của kinh tế Việt Nam nằm ở con người. Xin đưa ra bốn điều có thể làm ngay được, không tốn nhiều chi phí:
1. Điều chỉnh lại tiêu chí hướng dẫn viên (HDV) theo hướng chuẩn nghiệp vụ và học vấn (không phải văn hóa) chung cả quốc tế lẫn nội địa, chỉ khác nhau về chuẩn ngoại ngữ. Về học vấn chỉ cần trung cấp (dạy nghề) cho cả quốc tế lẫn nội địa.Dĩ nhiên học cao đẳng hoặc đại học càng tốt.Giữ nguyên chuẩn ngoại ngữ cho HDV quốc tế.Chú trọng hơn phần nghiệp vụ thực tế và vai trò “Thay mặt công ty, đại diện quốc gia” của các HDV.Có lộ trình cụ thể, trong vòng hai năm tới, tăng gấp ba lương HDV quốc tế và sáu lần HDV nội địa hiện nay mới đáp ứng được.Nếu không Luật Du lịch sẽ bất khả thi vì không đủ HDV, chưa nói về chất.Nên chăng trước khi cấp thẻ phải quy định thời gian tập sự, có xác nhận của công ty.Khi cấp lại thẻ cũng vậy.Tránh tình trạng HDV có thẻ nhưng không dám và không thể dẫn tour vì không có thực hành.
2. Nâng cao chất lượng và thái độ phục vụ, trước mắt là trong các khách sạn nhà hàng, những đơn vị đều do ngành quản lý. Sau đó mở rộng ra toàn ngành.Việc này không tốn tiền, ai cũng có thể làm được.Việt Nam chưa thể cạnh tranh ngay với các nước phát triển về chất lượng dịch vụ nhưng không thể thua kém họ về tinh thần và thái độ phục vụ, thậm chí phải hơn hẳn.Có tiến độ cụ thể, giao trách nhiệm rõ ràng để giám sát việc thực hiện chủ trương này một cách hiệu quả.Tôi đề nghị slogan của ngành là “NỤ CƯỜI VN”. Ngành du lịch phải tự đột phá, lấy nụ cười và sự thân thiện làm thước đo chất lượng phục vụ, tạo bước ngoặt để thúc đẩy các ngành liên quan như hải quan, biên phòng, công an, giao thông… cùng hưởng ứng.
3. Phải thay đổi nhận thức về du lịch từ các cấp lãnh đạo đển từng cán bộ nhân viên nhà nước lẫn nhân dân để chuyển hóa thành những hành vi cụ thể. Đoạn tuyệt với tư duy lễ hội hiện nay. Đề cao tính thực tiễn sáng tạo của Việt Nam, bớt lý thuyết kinh điển, rập khuôn theo mô hình các nước. Xác định lại thế mạnh hàng đầu của du lịch Việt Nam là ẩm thực rồi mới đến tài nguyên du lịch để có hướng đột phá và đầu tư hiệu quả.
4. Có cơ chế để Chính phủ trực tiếp chỉ đạo các ngành tham gia, cùng tháo gỡ khó khăn cho du lịch. Mạnh dạn miễn thị thực cho các thị trường tiềm năng.Đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục cấp visa.Các vấn nạn về trật tự xã hội, vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm, nhà vệ sinh, giao thông… phải làm đồng bộ và quyết liệt. Được vậy, du lịch Việt Nam nhất định sẽ tăng tốc.
Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours (DNSGCT)