Với hàm lượng protein cao, đậu nành (còn gọi là đậu tương) được xem là nguồn cung cấp đạm hoàn chỉnh và chứa một lượng đáng kể các axit amin thiết yếu cho cơ thể người. Từ xa xưa, các sản phẩm chế biến từ đậu nành đã trở thành một phần quen thuộc trong các bữa ăn hằng ngày của người dân châu Á, trong đó có Việt Nam. Chỉ tính riêng sữa đậu nành, lượng tiêu thụ hằng năm tại Việt Nam ước đạt 613 triệu lít, tương đương 6,8 lít/người/năm (theo Nielsen Việt Nam). Mặc dù nhu cầu sử dụng cao, thế nhưng, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích trồng đậu nành ngày càng giảm, dù đây là một trong bốn loại cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp.
Giải quyết vấn đề từ gốc
Không chỉ là một loại thực phẩm truyền thống lành tính, giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe, đậu nành còn được xác định là một trong bốn loại nông sản chủ lực của Việt Nam. Tiếc là khi nhu cầu sử dụng đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành tăng lên thì diện tích và sản lượng của loại nông sản này trong những năm qua lại đang sụt giảm. Nguồn giống cũ đã thoái hóa, kỹ thuật canh tác vẫn lạc hậu, đất đai bị bạc màu do lạm dụng phân hóa học… được cho là những nguyên nhân chính khiến cho năng suất đậu nành giảm, hiệu quả kinh tế thấp, dẫn đến tình trạng nông dân không còn mặn mà với đậu nành như trước, dần chuyển sang các loại cây trồng khác kinh tế hơn.
Không chịu bó tay, các doanh nghiệp sản xuất và chế biến sản phẩm từ đậu nành đã cố gắng bằng nhiều biện pháp vực dậy cây nông sản giàu tiềm năng này. Một trong những điểm sáng là Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) những năm gần đây có nhiều đóng góp tích cực trong việc bảo tồn và phát triển cây đậu nành. Là doanh nghiệp dẫn đầu ngành hàng sữa đậu nành bao bì giấy tại Việt Nam với 84,2% thị phần, Vinasoy đã dành nhiều tâm huyết và tài lực cho việc phát triển bền vững nguồn nguyên liệu đậu nành trong nước tại Tây Nguyên, đặt trọng tâm vào việc ứng dụng công nghệ cao để lai tạo giống đậu nành có năng suất cao, phẩm chất tốt, không biến đổi gen (non-GMO). Không chỉ tập trung giải quyết gốc vấn đềở khâu giống, Vinasoy còn đầu tư một cách toàn diện về cả hệ thống canh tác, cơ giới hóa, phân sinh học đến khâu bảo quản và chế biến sau thu hoạch.
Cách làm bài bản này đã phát huy hiệu quả vì vừa giúp Vinasoy chủ động được nguồn nguyên liệu có chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng lành ngày càng đa dạng của người tiêu dùng, vừa cải thiện thực trạng canh tác đậu nành. Theo dự kiến, đến năm 2018, có thể nâng năng suất đậu nành Việt Nam lên đến 3 tấn/ha, tương đương với năng suất đậu nành thế giới.
Bên cạnh việc đầu tư về phát triển nguồn nguyên liệu, Vinasoy cũng không ngừng mở rộng năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu sữa đậu nành đang liên tục tăng trong những năm qua. Mới đây, ngày 18-3, Vinasoy đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất sữa đậu nành thứ 3 của mình tại khu công nghiệp VSIP 2A (tỉnh Bình Dương) với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 900 tỉ đồng. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm nay, mỗi năm cung cấp thêm cho thị trường 90 triệu lít sữa đậu nành và nâng tổng sản lượng của Vinasoy lên 390 triệu lít/năm, tương đương với việc hằng năm cung cấp gần 2 tỉ sản phẩm dinh dưỡng lành cho người tiêu dùng.
Với nhà máy ở Bình Dương, Vinasoy sẽ tiếp tục tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu đậu nành trong nước. Ngoài vùng nguyên liệu tại Tây Nguyên, Vinasoy sẽ còn đầu tư thêm vùng nguyên liệu tại khu vực Nam bộ. Việc nghiên cứu vùng nguyên liệu phải mất từ ba đến năm năm mới có thể hợp tác với nông dân địa phương, nhưng “đây là điều tất yếu phải làm để có thể phát triển bền vững”, như lời ông Ngô Văn Tụ – Giám đốc điều hành Vinasoy.
Tạo lợi thế gia nhập TPP
Hiện nay Việt Nam đang nhập một lượng lớn hạt đậu nành nước ngoài, nhưng Vinasoy vẫn sử dụng hơn 80% nguyên liệu là đậu nành trong nước vì đây là nguồn nguyên liệu chất lượng cao, đáp ứng đủ yêu cầu về mùi vị, tinh chất và có hương vị thơm ngon đặc trưng. Ông Tụ tự tin khẳng định: “Đậu nành Việt Nam sẽ có chỗ đứng trên thế giới”. Thông qua việc chủ động đầu tư lâu dài về giống và vùng nguyên liệu, Vinasoy không chỉ xây dựng nội lực cho chính doanh nghiệp, mà còn góp phần phát triển ngành đậu nành Việt Nam.
Chiến lược này, theo ông Ngô Văn Tụ, “thể hiện vai trò mắt xích quan trọng” của Vinasoy, vừa gia tăng nguồn cung ra thị trường, vừa thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu sử dụng đậu nành nguyên liệu trong nước. Nhờ vậy, có cơ sở để tin tưởng rằng một khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực (năm 2018), cùng với nhiều loại nông sản khác, đậu nành sẽ vươn tầm ra thị trường thế giới, mang về cho đất nước nguồn thu ngoại tệ đáng kể.
Tất nhiên, khi TPP có hiệu lực, thuế xuất nhập khẩu giảm còn 0% thì nông sản Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn, thách thức và nếu không mạnh mẽ đổi mới tư duy, cách làm từ tầm quản lý vĩ mô tới các doanh nghiệp và bà con nông dân thì mọi kỳ vọng vẫn chỉ nằm trên giấy. Với cách làm bài bản, khoa học, có chiến lược vững chắc và tầm nhìn xa, những doanh nghiệp như Vinasoy chắc chắn sẽ có nhiều lợi thế khi gia nhập TPP. Nguồn dinh dưỡng lành từ nguyên liệu lành nhờ đó sẽ có cơ hội lan tỏa sâu hơn, rộng hơn.
Tiếp nối những thành công và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của dinh dưỡng lành, Quỹ khuyến học Sữa đậu nành Việt Nam đã ra đời (Bộ Nội vụ cấp quyết định thành lập ngày 9-12-2015) và bắt đầu thực hiện chương trình “Sữa đậu nành học đường” của Vinasoy trên toàn quốc. Quỹ là tâm huyết của Vinasoy trong việc mang lại nguồn dinh dưỡng lành của đậu nành cho sự phát triển cân bằng về lâu dài của trẻ em Việt Nam. Tại lễ khởi công nhà máy Vinasoy Bình Dương (ngày 18-3), Vinasoy tiếp tục trao tặng 5 tỉ đồng, nâng tổng giá trị tài trợ cho quỹ trên lên 10 tỉ đồng, tương đương 3 triệu suất sữa đậu nành. Từ đó, sẽ có thêm hàng trăm ngàn học sinh vùng sâu, vùng xa trên cả nước được tiếp cận với nguồn dinh dưỡng lành hằng ngày khi đến lớp.
Lê Sơn (DNSGCT)