Một anh bạn chụp hình tự sướng trên Phây (Facebook), ăn mặc sành điệu đeo kính hàng hiệu. Bạn thân anh “còm” (bình luận) luôn: “Cẩn thận nhé nhà giàu, kẻo tôi tưởng ông mới… ở Thụy Sĩ về”.
Thật dễ hiểu, vì sự kiện hai người ăn cắp kính mắt bên Thụy Sĩ đang ồn ào cả nước. Đọc kỹ câu chuyện còn té ngửa, “nhà giàu”, giám đốc công ty TNHH đó chứ có phải người nghèo đâu.
Thôi thì không đọc cũng đoán ra các lời bình luận về sự nhục nhã, rồi bức xúc sao người Việt ta gần đây “bị điểm danh” nhiều nơi trên khắp thế giới.
Nào là ở Nhật, các bảng hiệu viết tiếng Việt dành riêng để nhắc những thứ tối thiểu chẳng mấy ai mắc, như đừng xả rác, ở Thái Lan thì nhắc ăn buffet nếu lấy nhiều để thừa thức ăn sẽ bị phạt. Nào là nạn buôn người Việt vào Anh, Pháp, rồi Singapore gây khó khăn, cấm phụ nữ Việt nhập cảnh, ngay cả khi có giấy tờ…
- Xem thêm: Giá mà bắt nhanh… như Mỹ
Rồi có cả bài trên mạng nói về “nghề ăn cắp của người Việt ở Đức”, chẳng hiểu những con số đưa ra có tin cậy được không, nhưng mà đọc thấy xót xa, sôi máu. Là vì có cả ý kiến phản bác, còn phân biệt cả người miền này, chế độ kia, xem ra người Việt còn lắm chuyện hận thù, sục sôi chia rẽ, còn đáng sợ hơn cả ăn cắp.
Rồi lại hỏi nhau, nghèo chưa chắc đã là nguyên nhân của ăn cắp. Vậy thì vì sao không nghèo, có khi giàu, trong túi dư tiền trả, mà mắt trước mắt sau sểnh ra là… bỏ ngay vào túi. Mà có phải ít học, u mê không biết khắp các trung tâm thương mại lớn, nơi quan trọng thì người ta đều gắn camera cả, cứ lấy cắp là sao nhỉ?
Có người nói tại “mất hết niềm tin” vào lẽ phải, vào đạo đức. Lấy niềm an ủi là bọn tham nhũng ăn nát cả đất nước, cả tỉ tỉ đô, có ai làm gì được, vậy mình có “một tí thế này” ăn thua gì, làm gì có tội.
Ngày xưa các cụ nói con người có hai tội xấu xa nhục nhã nhất là ăn cắp và đánh đĩ. Nay gái mại dâm còn được “bênh”, còn cãi nhau um sùm xem có nên coi đó là một nghề kinh doanh hay không.
Người thì nói mại dâm có từ thượng cổ, các nước có phố đèn đỏ, cho người bán dâm khám bệnh, quản lý thuế má đàng hoàng. Người thì nói, coi đó là nghề, tức là hợp pháp hóa, tức là các ông chồng muốn “tạt qua” lúc nào cũng được, “nhà nước cho phép mà”, vậy thì hạnh phúc gia đình sẽ ra sao?
Ngộ nhỡ cô con gái chọn đó làm “nghề nghiệp chính” thì bố mẹ có đồng ý không… Thôi thì đủ các lý lẽ, chẳng ai chịu thua ai.
Chỉ biết rằng, hai cái tội xấu xa nhất của người xưa lên án thì bây giờ… thường thôi. Thậm chí, ai chẳng có lúc… “ăn cắp”. Đây nhé, hối lộ chạy chọt, ăn cắp đấy chứ đâu. Nhẹ nhất là công chức đến cơ quan không làm việc, thoắt cái ra “họp” ngoài quán cà phê, không cắp giờ nhà nước thì là gì đó?
Xe công đi lễ chùa đến hết cả rằm còn xếp hàng lũ lượt, người ta chụp cả hình lên báo đó, ăn cắp đó chứ đâu… Thuế má nữa, không trốn không lậu, làm sao có lãi khủng?
Thế nên đạo đức, lương tâm không còn là “cái thắng bên trong” giữ gìn con người nữa. Lại còn lắm lý thuyết bênh vực cho sai trái. Lâu dần, thành thói quen, chẳng sợ cái gì, chẳng cái gì là quan trọng, cứ vơ được cho cá nhân cái gì là vơ, luật pháp cũng chẳng là cái đáng sợ.
Sống chung với cái xấu, làm điều xấu mỗi ngày, có chuyện gì thì nhớ… đi chùa, đi nhà thờ cầu lạy cho bớt tội. Rồi đủ thứ mê tín dị đoan, đốt cả đống vàng mã, ném đầy tiền lẻ lên đầu lên cổ tượng Phật, nghĩ thế là “giảm tội”.
- Xem thêm: Ai… xấu xí?
Có phải lối sống tiêu cực đã thành một thứ bền vững, biến thành văn hóa rồi không? Nếu không, sao chúng trở thành hành vi con người bộc lộ ra ngay cả khi có dịp đến ở các xứ văn minh, ngay cả khi có tiền trong túi…
Trước nay cả xã hội cứ chúi mũi làm giàu, tưởng làm giàu là khó nhất, giàu rồi thì cái gì cũng có. Té ra, khó nhất lại là học được tầm văn hóa.