Sự hội nhập toàn diện đã tạo tăng trưởng kinh tế, đem lại cho châu Âu một tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề chính trị và kinh tế quốc tế, làm giảm nguy cơ chiến tranh. Bất chấp những thành tựu trong quá khứ của mình, EU hiện phải chịu những căng thẳng ngày càng lớn và một số vết thương do mình tự gây ra. Hiện nay EU phải đối mặt với năm thách thức cơ bản và không thách thức nào trong số đó sẽ dễ dàng vượt qua.
Mở rộng quá mức
Khi EU mở rộng với 28 thành viên đã trở nên ngày càng hỗn tạp. GDP của Đức lớn hơn gấp 300 lần của Malta và thu nhập tính theo đầu người của Luxembourg cao hơn gần bảy lần so với của Latvia và cao hơn năm lần so với Hy Lạp. Quy mô địa lý, dân số và các nguồn lực kinh tế của các nước thành viên khác nhau rất lớn, các nền văn hóa và lịch sử quốc gia tương ứng của họ trở nên ít tương đồng hơn khi EU phát triển. Sự mở rộng đã khiến EU trở nên cồng kềnh hơn, chia rẽ hơn và ít được lòng dân hơn. Năm 2014, hơn 70% công dân EU được thăm dò tin rằng tiếng nói của họ không có ý nghĩa trong việc ra quyết định của EU và gần 2/3 tuyên bố rằng EU không hiểu những nhu cầu của công dân mình.
Sự sụp đổ của Liên Xô
Sự biến mất của Liên Xô đã xóa bỏ một trong những động lực chính cho sự đoàn kết châu Âu. EU thường được coi là một dự án kinh tế và chính trị đơn thuần, nhưng những lo ngại an ninh là một phần then chốt của cơ sở EU ngay từ đầu. Cơ sở đó đã phai mờ khi NATO trở nên hùng mạnh hơn, khi khối Hiệp ước Vacsava sụp đổ. Sự thiếu vắng một nguy cơ từ bên ngoài đã khuyến khích các nhà lãnh đạo châu Âu tập trung nhiều hơn vào những mối lo ngại quốc gia ích kỷ. Kể từ đầu những năm 1990, các thành viên EU đã nhiều lần hứa hẹn phát triển một “chính sách đối ngoại và an ninh chung” nhưng họ chưa bao giờ thành công. Chẳng hạn, phản ứng của châu Âu đối với những sự kiện ở Ukraina nêu bật sự thiếu đồng thuận về các vấn đề an ninh cơ bản.
Cuộc khủng hoảng đồng euro
Vấn đề thứ ba mà EU phải đối mặt hiện nay đương nhiên là cuộc khủng hoảng đồng euro. Hiện tại đã chứng tỏ rằng quyết định tạo ra đồng euro là một sai lầm to lớn, như những người hoài nghi đã cảnh báo vào thời điểm đó. Nó được tiến hành vì những lý do chính trị thay vì kinh tế: để khôi phục động lực cho sự đoàn kết, để trói buộc một đất nước thống nhất chặt hơn bên trong các thể chế châu Âu và để đưa châu Âu tới vị trí ngang bằng với Mỹ. Nhưng như những người chỉ trích về đồng euro nhấn mạnh trước đây, EU thiếu các cơ chế chính trị và thể chế cần thiết để làm cho một liên minh tiền tệ có hiệu quả. Thay vào đó, những người đề xuất đồng euro đơn thuần giả định các thành viên của đồng tiền chung sẽ không bao giờ để bản thân họ rơi vào rắc rối tài chính nghiêm trọng và nếu điều này xảy ra (đương nhiên nó đã xảy ra), họ giả định thêm nữa là sẽ dễ dàng tạo ra những thể chế mà khu vực đồng euro còn thiếu.
Một môi trường khu vực ngày càng xấu đi
EU giờ đây phải đối mặt với sự rối loạn nghiêm trọng ở khu vực ngoại vi của mình, với những hậu quả trực tiếp cho bản thân châu Âu. Những thất bại của nhà nước ở Lybia, Syria, Yemen đã tạo ra một cơn lũ người tỵ nạn tìm cách tràn vào châu Âu, trong khi sự nổi lên của al-Qaeda, tổ chức Nhà nước Hồi giáo và các phong trào cực đoan khác đã có những ảnh hưởng đáng lo ngại trong một số cộng đồng người Hồi giáo ở châu Âu.
Sự dai dẳng của chủ nghĩa dân tộc
Thách thức cuối cùng của EU là ảnh hưởng dai dẳng của chủ nghĩa dân tộc đối với dân chúng của từng nước thành viên. Giới tinh hoa, những người khởi động dự án châu Âu ban đầu, hy vọng nó sẽ vượt qua những lòng trung thành dân tộc hiện có nhưng chủ nghĩa dân tộc vẫn tiếp tục tồn tại trên khắp lục địa. Anh có thể bỏ phiếu rời EU vào năm sau, cuộc trưng cầu dân ý của Scotland có thể khiến họ rời Vương quốc Anh và những tình cảm dân tộc chủ nghĩa tiếp tục sôi sục ở Catalonia (Tây Ban Nha) và các nơi khác. Sự đình trệ kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ và những lo ngại về nhập cư cũng đã củng cố thêm sự hồi sinh của các đảng dân tộc chủ nghĩa hoài nghi bác bỏ các nguyên tắc cốt lõi mà EU được xây dựng trên đó.
Lê Quân tổng hợp (DNSGCT)