Tại hội nghị Thượng đỉnh Chuỗi cung ứng 2012 xoay quanh các vấn đề “Thu mua – sản xuất – bán lẻ và phân phối” do Vietnam Supply Chain tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh trong ba ngày đầu tháng 10-2012, nhiều chuyên gia cũng có cùng nhận định với ông Eckart Dutz. Nhưng để thị trường này phát triển nhanh và bền vững thì cần có sự kiên kết kinh doanh.
Nhìn lại thị trường bán lẻ Việt Nam
Không thể đổ lỗi cho khó khăn của nền kinh tế thế giới đã tác động mạnh đến thị trường bán lẻ trong nước, dẫn đến chỉ số lạm phát cao, giá cả tăng, sản xuất trì trệ, lao động mất việc… ảnh hưởng đến lòng tin người tiêu dùng. Vì các tập đoàn bán lẻ nước ngoài như Metro, Parkson, Big C, Lotte Mart, Vincom… vẫn hoạt động liên tục, chiếm tỷ trọng lớn trong hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại. Điều này cho thấy doanh nghiệp bán lẻ nước ta còn khá non kém nên dễ bị tác động bởi các yếu tố khách quan.
Do tình trạng thiếu vốn nên các doanh nghiệp bán lẻ chủ yếu phát triển ở quy mô vừa và nhỏ, khó khăn trong đàm phán thu mua và chịu nhiều sức ép về giá cả nên giá bán cũng thường cao hơn giá của doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, theo ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, người tiêu dùng ngày càng mất lòng tin vào hàng Việt do doanh nghiệp bán lẻ không kiểm soát gắt gao về chất lượng, giá cả (tăng giá tùy tiện, không niêm yết giá công khai, vệ sinh an toàn thực kém…). Tình trạng gian lận, hàng giả, hàng nhái ngày càng phổ biến. Chỉ riêng trong năm 2011, Hiệp hội phòng chống hàng giả và các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý đến 500.000 vụ lưu thông, buôn bán hàng giả. Lượng lớn hàng giả này không chỉ có ở khu vực biên giới mà còn ở ngay các tuyến giao thông chính, các siêu thị và chợ lớn, ảnh hưởng lớn đến uy tín của các doanh nghiệp bán lẻ.
Các chuyên gia tại hội nghị cũng nhấn mạnh đến nguồn nhân lực – “tài sản” có tính quyết định đến sự thành công của doanh nghiệp. Có đến 50% số nhân viên tham gia vào lĩnh vực kinh doanh tại các hệ thống phân phối bán lẻ chưa qua đào tạo chuyên ngành và rất nhiều người trong ban lãnh đạo điều hành siêu thị không được đào tạo bài bản về ngành bán lẻ hiện đại. Vì vậy mà hoạt động quản lý và bán hàng ở doanh nghiệp thiếu tính chuyên nghiệp. Trong giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp thường bị rơi vào “vòng luẩn quẩn bán lẻ”: cắt giảm chi phí lao động ngắn hạn (giảm lương và phúc lợi, giảm số lượng nhân viên) làm cho nhân viên bất mãn, không lao động hết năng suất, dẫn đến lợi nhuận ngày càng sụt giảm…).
Ngoài ra, do 95% doanh nghiệp bán lẻ trên cả nước có quy mô vừa và nhỏ nên không thể tự tổ chức hệ thống phân phối – huyết mạch của nền kinh tế. Vì vậy, ngành bán lẻ vẫn khó phát triển với tình trạng kho tàng, bến bãi phân bố không tập trung và hoạt động không hiệu quả, xe chuyên dùng thiếu thốn, nguồn hàng rời rạc, thiếu đồng bộ và chưa đạt chuẩn, hạ tầng giao thông kém…
Liên kết với tập đoàn bán lẻ quốc tế
Tại hội nghị, các chuyên gia nhận định ngành bán lẻ Việt Nam còn khá non trẻ trong các bước thiết lập hệ thống cửa hàng, trung tâm phân phối, hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống kho vận và chuỗi cung ứng, cẩm nang vận hành, đào tạo và huấn luyện nhân sự… Vì vậy, chúng ta nên liên kết với các tập đoàn nước ngoài để có điều kiện học hỏi, nâng cấp kinh doanh bán lẻ đồng thời giúp cho sự liên kết trong chuỗi cung ứng được bền chặt hơn.
Mới đây, Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam đã hợp tác với gần 300 hộ nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nhằm xây dựng chuỗi cung ứng thủy sản tươi chất lượng cao cho thị trường nội địa. Theo đó, công ty này đã đầu tư xây dựng hệ thống nguồn thu mua cho trung tâm trung chuyển thủy hải sản tại TP. Cần Thơ, áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt của Metro đối với một số sản phẩm nuôi trồng thủy sản nước ngọt, đầu tư hệ thống khuyến nông, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nuôi trồng cho thị trường nội địa, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm và hoạt động nuôi trồng thủy sản bền vững.
Luật pháp nước ta cam kết mở cửa đối với nhà đầu tư nước ngoài và cho phép các nhà bán lẻ nắm giữ 100% cổ phần khi kinh doanh tại Việt Nam nhưng trên thực tế, rất ít doanh nghiệp nước ngoài vượt qua được cuộc Thẩm định Nhu cầu kinh tế (Economic Needs Test – nhằm tính toán lợi ích tiềm năng của những cửa hàng đăng ký đối với địa phương). Đây là một cơ hội tốt để doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam có điều kiện liên kết với nước ngoài và có ưu thế trong các điều khoản hợp đồng.
Việc liên kết cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đang khó khăn giữ vững thương hiệu của mình, như Trung Nguyên (G7Mart) liên kết với Ministop (công ty bán lẻ lớn tại Nhật Bản thuộc Tập đoàn AEON) để hình thành chuỗi cửa hàng tiện lợi G7-Ministop vào tháng 12-2011. Một trăm phần trăm hàng Việt vẫn ưu tiên bày bán ở hệ thống cửa hàng G7-Ministop đồng thời được quảng bá thông qua hệ thống chuỗi cửa hàng hiện hữu của Ministop trên toàn thế giới.
Một số đại biểu tại hội nghị cũng đề cập đến khó khăn của các nhà sản xuất trong việc đưa hàng vào hệ thống bán lẻ hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện dụng… vì những nơi này thường ưu tiên chọn nhà cung cấp có mức giá tốt nhất và hàng hóa của những doanh nghiệp có thương hiệu… Các nhà bán lẻ thường tin tưởng mua hàng từ các nhà xuất nhập khẩu hơn là mua hàng trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất vì doanh nghiệp xuất nhập khẩu bán đa dạng các mặt hàng hơn. Theo TS Eckart Dutz, để hàng hóa được các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại lựa chọn, nhà sản xuất nên đưa ra những sản phẩm đặc sắc nhất, có giá cạnh tranh và không giống với bất cứ sản phẩm của nhà sản xuất nào khác. Bên cạnh đó, nhà sản xuất cũng cần nâng cao uy tín với các vị trí khác trong chuỗi cung ứng, trong đó quan trọng nhất là uy tín với người tiêu dùng.
Xuân Lộc