Ngay cả món Việt thôi, cũng đã không còn như xưa. Bây giờ tết đến có người bàn tính mua mấy ký thịt, mấy chục trứng cả bắc thảo và trứng vịt thường để làm một nồi kho truyền thống thì lại có người kêu lên: “Trời ơi, nhà chị cứ ăn một món kho hoài ngày tết mà cả nhà vẫn ăn được sao? Nhà tôi thì cứ hai bữa giống nhau là không ai buồn gắp.
Thói ăn uống đã khác hẳn rồi. Cứ một nồi măng chân giò kiểu Bắc thì múc ra đổ vào hâm lại cho miến vào, ngày xưa mới ăn. Bây giờ ẩm thực biến thành nghệ thuật rồi, xanh xanh đỏ đỏ hấp dẫn mới ăn”.
Câu chuyện tết của bà nội trợ bây giờ than thở khó khăn của sự bùng nổ thực phẩm và nghệ thuật ăn uống. Ra Hà Nội về, bà xã tôi kể, nhà nào cũng như nhà nấy, sao y bản chính. Gà luộc, giò chả, nem rán, canh măng, cá rán, sang thì có thêm mực xào cho có hải sản, món lạ.
- Xem thêm: Bữa ăn sáng tốn kém
Thế chứ tết người ta phải ăn món truyền thống, mâm cơm cúng là phải như vậy, thành công thức rồi. Nhưng khổ nỗi cả nhà bây giờ trẻ con lại không ăn kiểu đó. Xưa bên cỗ tết chỉ có chén rượu của các cụ, chứ nay mỗi người một đồ uống khác nhau, người nước suối, kẻ nước cam, trẻ con còn uống nước ngọt ăn với… bánh chưng. Chẳng có bao giờ như vậy.
Thì thế giới biến đổi rồi. Món hamburger từng làm điên đảo và là mơ ước của lũ học sinh Nhật thì nay họ tiến tới “Nhật hóa” phát kiến ra thành món Nhật: Hambagu. Nhân thịt vẫn là thịt bò bằm, có trứng, hành tây và vụn bánh mì, nhưng thay thế xốt và tinh bột ăn kèm. Từ bánh mì chuyển sang cơm mà phong vị đậm đà kiểu Nhật. Còn xứ ta thì sao?
Người ta kêu Việt Nam thuộc hàng top của thế giới nhiều chuyện (như uống bia nhiều nhất nhì, ung thư cũng vậy…) nhưng không ai ngờ đến chuyện trẻ con lười ăn và không quý bữa ăn cũng… nhất nhì thế giới.
Chuyện một đứa trẻ vừa ăn vừa khóc mếu, bị quát tháo là rất thường thấy. Đi ăn rong, đẩy xe, đánh trống hoan hô, dọa ngáo ộp, dọa chú công an, đủ thứ mà bọn trẻ vẫn không ăn.
Nhưng lớn thêm chút, là mê mẩn những bim bim, nước ngọt và hễ có được tổ chức sinh nhật hay liên hoan một cái, hỏi ăn gì, là y như đòi hamburger, KFC, sandwich, pizza…
Mà ẩm thực Việt Nam thì… Tây lại khen, nào là phong phú đa dạng, cân bằng âm dương, ít béo ngậy kiểu gà tây, gan ngỗng vào dịp Giáng sinh của Âu – Mỹ. Nào là ẩm thực Việt ngon, nhiều gia vị và lành mạnh…
Thời toàn cầu hóa, ở đâu có gì hay, gì ngon, gì đẹp là người ta thích, có sao đâu. Dù món ăn ở nhà có ngon, thì khi lớn lên đi du học, “cơm niêu nước lọ” xứ người, hoặc lên thành phố trọ học, ngán gần chết cơm căng-tin, cơm bụi, lúc đó mới nói thật là nhớ bữa cơm rau mẹ nấu. Chứ còn thông thường ra, anh chị nào cũng khoái món ăn Tây.
- Xem thêm: Bữa ăn khó dần…
Toàn cầu hóa là phải thế – Bà xã luôn giải thích bằng câu nói ấy. Học hỏi xứ văn minh, mặc đồ ngoại, mê mẩn sản phẩm công nghệ, thì mê ăn kiểu Tây cũng là chuyện dễ hiểu.
Cái gì chẳng phải học. Những cái văn minh như đi cầu thang cuốn trong các siêu thị, hoặc ăn buffet thì cũng phải “trả giá” đã rồi mới thành thạo được.
Chứ còn so sánh Tây – ta thì thế nào rồi cũng cực đoan kiểu Facebook, khen thì hết lời mà ném thì cũng hết… đá.