Một số chính sách mang tính hỗ trợ, các con số thống kê tích cực về lượng giao dịch thành công… là những gì mà thị trường bất động sản được đề cập đến thời gian qua. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản và những người có nhu cầu mua nhà ở thực đều cảm nhận được sự quyết tâm của Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề tồn đọng của thị trường bất động sản. Sự lạc quan đang gia tăng.
Không còn là “có dấu hiệu phục hồi”?
“Thị trường bất động sản đã tăng trưởng rõ nét, chứ không còn là có dấu hiệu phục hồi”, đó là nhận định của một quan chức thuộc Bộ Xây dựng. Những thành quả của thị trường không chỉ đến từ việc các dự án bất động sản đã được cơ cấu lại theo hướng phù hợp hơn với nhu cầu thực, số lượng giao dịch tăng vọt mà tín hiệu rõ nhất báo hiệu sự thoát đáy là giá bất động sản từ nhiều tháng nay đã không còn đi xuống, một vài phân khúc “nóng” còn có xu hướng tăng. Nhờ sựấm lên này, giá trị tồn kho các sản phẩm bất động sản đã liên tục giảm, theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện chỉ còn 77,8 ngàn tỉ đồng, giảm gần 40% so với thời điểm cuối quý I-2013. Với khoảng 10 ngàn giao dịch thành công từ đầu năm đến nay, tăng 200% so với cùng kỳ năm 2013, Hà Nội chính là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao bậc nhất. Nhiều công ty, sàn giao dịch bất động sản tại thủ đô đã bắt đầu tuyển dụng, đào tạo nhân viên, sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển mới. TP.HCM tuy tăng trưởng không cao bằng, nhưng với gần 9.000 giao dịch thành công trong 11 tháng đầu năm 2014, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2013, cũng cho thấy dấu hiệu lạc quan. Các buổi giới thiệu dự án, tham quan nhà mẫu… của các chủ đầu tư tại thành phố này trong năm nay thu hút được khá nhiều người quan tâm, đa phần là những người có nhu cầu thực. Dĩ nhiên, phân khúc căn hộ thương mại giá rẻ, căn hộ có diện tích từ 60 – 70m2 với giá bán trên dưới 1 tỉ đồng, các dự án đã hoàn thiện hoặc sắp bàn giao vẫn “hút hàng” nhất, vì chúng vừa phù hợp với khả năng tài chính của đa số người có ý định mua nhà, vừa giúp người mua có nhiều cửa vay vốn ngân hàng hơn so với khi mua sản phẩm địa ốc có giá cao hơn. Lượng giao dịch thành công của các dự án này luôn trên 50%, nhiều dự án đạt mức tiêu thụ lên đến 70 – 90% trong đợt mở bán vào quý IV-2014.
Điều bất ngờ là những ngày gần đây, sự lạc quan không chỉ đến với các chủ đầu tư trong phân khúc nhà giá rẻ và trung bình mà đã lan sang cả phân khúc căn hộ cao cấp, nhà phố, biệt thự. Đó là nhờ tác động của chính sách mới, cụ thể là từ việc Quốc hội chính thức thông qua Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi ngày 25-11 vừa qua. Với việc luật mới quy định cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là được quyền sở hữu nhà ở, có thể nói mua nhà tại Việt Nam đối với người nước ngoài thực sự có nhu cầu không còn là bài toán khó. Mà nhu cầu của những người này – giới chuyên gia, doanh nhân… – thường là sản phẩm địa ốc cao cấp, vậy nên phân khúc này “chuyển mình” cũng là điều dễ hiểu. Một hoạt động mở bán căn hộ cao cấp của doanh nghiệp thời điểm này cũng trở nên có giá, thu hút không chỉ các đơn vị môi giới địa ốc, mà còn cả các công ty chứng khoán. Những chuyên gia từ các công ty chứng khoán đến làm việc với đại diện chủ đầu tư để đánh giá cơ hội đầu tư cổ phiếu nhằm tư vấn cho các nhà đầu tư cá nhân của công ty mình hoặc để cho chính khối tự doanh của công ty chứng khoán mua vào. Lâu lắm rồi sàn giao dịch chứng khoán mới có chuyện một vài cổ phiếu bất động sản niêm yết trên sàn tăng giá sau khi doanh nghiệp mở bán một dự án thuộc phân khúc cao cấp. Thị trường nhà ở phân khúc cao cấp đang và sẽ còn được kích hoạt, giúp thanh khoản của phân khúc này khá hơn trước.
Ngoài ra, những dấu hiệu phục hồi kinh tế trong năm nay và tốc độ tăng trưởng dự kiến còn mạnh hơn trong năm 2015 cũng là một lực đẩy cho sự phục hồi của thị trường bất động sản. Tuy không thể có sự bùng nổ về giá lẫn khối lượng giao dịch ngay sau khi phục hồi như giai đoạn trước, nhưng ít ra thị trường cũng có cơ hội để giải quyết một số vấn đề như tồn kho bất động sản hay những dự án xây dựng dở dang…
Doanh nghiệp vẫn còn nhiều việc phải làm
Như đã nói, việc luật cho phép các cá nhân, tổ chức nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam là một chủ trương hợp lý, đáp ứng được đòi hỏi thực tế và nhu cầu của thị trường cũng như phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Thị trường bất động sản nhờ vậy sẽ có cơ hội để phát triển hơn nữa vì có thêm lượng khách hàng, nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và rất chuyên nghiệp. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam, xem liệu họ có thể nắm bắt được để phát triển theo hướng chuyên nghiệp và bền vững hay không. Quy định mới dù được kỳ vọng sẽ góp phần giảm lượng hàng tồn kho phân khúc cao cấp, nhưng để trở thành hiện thực còn tùy thuộc vào các doanh nghiệp bất động sản và hệ thống các quy định và cơ chế chính sách liên quan. Đặc biệt, vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng, họ phải rất nỗ lực chứ không chỉ trông chờ vào các chính sách hỗ trợ.
Dù có những tín hiệu tích cực từ lực cầu và sự trợ giúp của chính sách, nhưng trên thực tế các doanh nghiệp địa ốc vẫn phải chịu rất nhiều áp lực. Gần như doanh nghiệp nào cũng đang phải oằn mình trả nợ và đau đầu với sản phẩm tồn kho. Không những thế, thị trường căn hộ vẫn đang chịu sức ép lớn về nguồn cung. Chính vì vậy, sự cạnh tranh để lôi kéo khách hàng là rất quyết liệt. Không để khách hàng tự tìm đến mình, các doanh nghiệp có dự án mở bán trong năm nay đều rất linh hoạt trong việc tiếp cận khách hàng, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện truyền thông. Với những đối tượng thực sự có nhu cầu, doanh nghiệp sẵn sàng khuyến dụ người mua bằng những điều khoản thanh toán linh hoạt, phù hợp với khả năng chi trả hoặc thời hạn thanh toán dài, kèm theo những chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác.
Cuối cùng, phải nhắc đến một yếu tố rất quan trọng, đó là niềm tin vào thị trường. Đã có một khoảng thời gian không ngắn, niềm tin của xã hội, đặc biệt là của người mua đối với thị trường bất động sản xuống rất thấp. Khi không có niềm tin, dù doanh nghiệp bất động sản có chiêu dụ cách mấy, họ cũng đứng ngoài cuộc. Nay, niềm tin đang dần trở lại. Dù vậy, để niềm tin này kéo dài và không thay đổi vẫn cần thêm thời gian và sự nỗ lực của các bên. Nhà nước phải nỗ lực cải thiện các thủ tục hành chính, còn các doanh nghiệp cần chuyên nghiệp hơn nữa trong các hoạt động đầu tư và kinh doanh bất động sản, từ bảo đảm chất lượng công trình, tiến độ xây dựng đến xây dựng chiến lược giá phù hợp. Được như vậy, sự lạc quan mới có thể kéo dài.
Phi Yến (DNSGCT)