Trong báo cáo “Điểm lại tình hình kinh tế” do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cuối tuần qua trong phần nhận định về kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng kinh tế của nước ta năm nay sẽ cải thiện từ mức 5,4% của năm ngoái lên 5,6%. Viễn cảnh khả quan đó được nhìn nhận “chủ yếu là nhờ ổn định kinh tế vĩ mô và hoạt động tốt của các ngành chế biến, chế tạo hướng về xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài”. Điều kiện kinh tế vĩ mô tích cực cũng giúp cải thiện vị trí xếp hạng của Việt Nam về rủi ro quốc gia, “giúp Chính phủ phát hành thành công trái phiếu trên thị trường quốc tế, huy động được 1 tỉ USD với điều kiện khá hợp lý”.
Bên cạnh đó, báo cáo của WB nêu rằng trong đà phục hồi của nền kinh tế, hiệu quả hoạt động của khu vực FDI và của các doanh nghiệp trong nước có sự tương phản, cụ thể là “khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục là nguồn tăng trưởng quan trọng, trong khi đó các doanh nghiệp trong nước vẫn đang phải vật lộn với nhiều khó khăn, số doanh nghiệp phải đóng cửa hay tạm ngừng hoạt động vẫn còn tăng”.
Theo nhận định của bà Victoria Kwakwa – người đại diện WB tại Việt Nam, tuy tình hình kinh tế vĩ mô đã ổn định trong ba năm qua nhưng kết quả chưa chắc chắn và Việt Nam cần tiếp tục củng cố sự ổn định kinh tế vĩ mô dài hạn. Từ khẳng định “Việt Nam chỉ có thể đạt được mức tăng trưởng cao hơn thông qua việc đẩy mạnh nỗ lực tái cơ cấu khu vực kinh tế quốc doanh và ngành ngân hàng vốn đang là gánh nặng đối với tính hiệu quả của nền kinh tế cũng như hiệu suất lao động”, bà Kwakwa cho rằng các chính sách và quy trình lập, duyệt kế hoạch tài khóa cũng như việc thực hiện chính sách tiền tệ và tỷ giá đều phải vận động theo hướng minh bạch hơn, sát theo cơ chế thị trường hơn. Bà kiến nghị xem xét và cân nhắc tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước theo mô hình ngân hàng trung ương hiện đại để hỗ trợ tăng cường năng lực cạnh tranh và hiện đại hóa nền kinh tế. Nhấn mạnh rằng cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiếp tục là vấn đề quan trọng, bà cho rằng Chính phủ phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng cổ phần hóa. Trước hết, cần nâng tỷ lệ sở hữu tư nhân trong DNNN để cải tiến chế độ quản trị – điều hành doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng mức độ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Đồng thời, nên chấm dứt ưu đãi vốn và đất đai cho các DNNN. Đánh giá Nghị định 61/2013/NĐ-CP về quy chế giám sát tài chính, công khai thông tin về DNNN cũng như Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất – kinh doanh “đã đi đúng hướng”, người đại diện của WB mong Chính phủ sẽ chuẩn xác trong khâu thực hiện.
Nguyễn Thắng (DNSGCT)