Nguồn tin ngoại giao Trung Quốc cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chính là người đã phê chuẩn “Kế hoạch lấp biển” tại khu vực Biển Đông do tỉnh Hải Nam và quân đội Trung Quốc phối hợp đưa ra.
Việc lấp biển này nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng sân bay, bố trí máy bay ném bom tầm xa H6, bằng chứng là trên bản đồ giả tưởng “nghiên cứu công trình lấp biển tại biển Hoa Nam” do Trung Quốc công bố gần đây, mọi người đều có thể thấy rất rõ hình ảnh hai chiếc máy bay ném bom H6.
Thông tin này đã chứng minh phán đoán của Bộ Quốc phòng Philippines trước đó là hoàn toàn chính xác, tức Trung Quốc bắt đầu xây dựng sân bay quy mô lớn tại hai bãi đá san hô ở khu vực Biển Đông.
Từ Đá Chữ Thập…
Theo một báo cáo do tuần báo quốc phòng của MỹIHS Jane’s Defence công bố ngày 21-11-2014, với các hình ảnh chụp từ vệ tinh, công trình xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc đã bắt đầu từ cách đây ba tháng trên Đá Chữ Thập, mà Trung Quốc gọi là Yongshu Reef.
Đảo nhân tạo này có chiều dài 3km và chiều ngang từ 200 đến 300 mét. Đây là đảo nhân tạo đầu tiên của Trung Quốc có một sân bay nhỏ và một hải cảng có thể tiếp nhận các chiến hạm.
Theo đánh giá của tạp chí IHS Jane’s Defence, dự án mới trên Đá Chữ Thập “dường như là được thiết kế để buộc các bên khác phải từ bỏ những đòi hỏi chủ quyền hay ít ra giúp cho Trung Quốc có một vị thế mạnh hơn nếu sau này có đàm phán về những tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa”.
Thật ra thì ngay từ ngày 6-11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã phản đối “các hoạt động cải tạo phi pháp” của Trung Quốc trên bãi Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ông Lê Hải Bình cho biết đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối về công trình này.
Về phía Philippines, ngày 25-11-2014, Ngoại trưởng Albert Del Rosario thông báo là Bộ Ngoại giao nước này từ ngày 10-10 cũng đã gởi một công hàm đến Trung Quốc để phản đối việc Bắc Kinh xây đảo nhân tạo trên Đá Chữ Thập, mà Philippines gọi là Kagitingan Reef.
Ngay cả Đài Loan cũng lên tiếng phản đối công trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, kêu gọi các nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông không nên có bất cứ hành động đơn phương nào có thể gây phương hại đến hòa bình và ổn định trong vùng.
Công trình xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa cũng đã khiến sóng gió lại nổi lên trong quan hệ Mỹ – Trung.Vào cuối tuần trước, phát ngôn viên Lầu Năm Góc đã yêu cầu Bắc Kinh đình chỉ dự án xây đảo nhân tạo nói trên.
Hôm 24-11-2014 phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã nhắc lại lập trường của Washington rằng các công trình xây dựng quy mô như vậy có thể “khiến tình hình thêm phức tạp hoặc leo thang”.
…Đến Gạc Ma
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang cải tạo bãi đá san hô Gạc Ma cưỡng chiếm của Việt Nam hồi năm 1988 mà Trung Quốc gọi là Đá Xích Qua, xây dựng thành đảo nhân tạo có diện tích bằng 17 sân bóng đá tiêu chuẩn và nhiều cơ sở hạ tầng, dự kiến trong vòng từ hai đến ba năm tới là có thể sơ bộ hoàn thành.
Giữa lúc Trung Quốc đang triển khai rầm rộ công trình lấp biển xây đảo tại một số bãi đá ở khu vực Biển Đông, Viện nghiên cứu Thiết kế Số 9 thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc (CSSC) đưa ra sơ đồ thi công “Hạng mục nghiên cứu công trình kỹ thuật trên đảo bãi ở Biển Đông”. Theo sơ đồ này, rõ ràng là phương thức xây dựng căn cứ hỗn hợp hải – không quân, chính là một “tàu sân bay không chìm” ở khu vực Biển Đông.
Thông tin chính thống của Trung Quốc đưa ra sơ đồ thiết kế tương đối cụ thể, phương hướng thi công rất giống với công trình lấp biển mà Trung Quốc đang tiến hành tại Gạc Ma hiện nay. Toàn bộ phía Tây của bãi đá Gạc Ma được xây dựng thành đường sân bay, đáng chú ý là mé phía Tây đường băng có mô hình hai máy bay ném bom tầm xa H6 được thể hiện rất rõ nét.
Phía Đông của đảo, tuy không được thể hiện rõ nhưng cũng có thể nhận thấy đây là hệ thống điện gió và một quân cảng, phía ngoài là đê chắn sóng cỡ nhỏ. Trong quân cảng, hai cầu tàu được nhìn thấy rất rõ với một tàu khu trục tên lửa và một tàu mặt nước cỡ vừa đang neo đậu. Mỗi cầu tàu còn được trang bị một cần cẩu, cho thấy tại đây có đủ năng lực sửa chữa tàu chiến và có thể tiếp nhận các loại tàu có lượng giãn nước 50.000 tấn trong quân cảng.
Sơ đồ thiết kế tổng thể còn thể hiện rõ sáu bồn trữ dầu cỡ trung và cỡ lớn lộ thiên có bãi đáp trực thăng đường băng 2,5km.
Theo sơ đồ thiết kế tổng thể do Trung Quốc công bố, trên đảo nhân tạo này có hai đường băng, một dùng cho máy bay ném bom tầm xa cỡ lớn cất – hạ cánh, còn một đường băng khác là dùng cho máy bay chiến đấu thông thường. Tại nơi đậu máy bay có năm khu ga-ra, khu lớn nhất có thể chứa sáu máy bay ném bom tầm xa cỡ lớn H6. Giữa hai đường băng là 23 khu ga-ra khác, khi cần thiết có thể cung cấp bãi đậu cho máy bay chiến đấu.
Đây là đảo nhân tạo cỡ lớn, nhất là với tiêu chuẩn xây dựng đường băng dành cho máy bay ném bom tầm xa cỡ lớn có thể cất – hạ cánh.
Máy bay ném bom H6 theo phiên bản của hải quân còn có thể mang theo tên lửa không đối hạm YJ83 và YJ12, tầm bắn đều trên 200km. Với bán kính tác chiến 1.800km của H6, hải quân Trung Quốc có thể dễ dàng khóa chặt eo biển Malacca.
Kế hoạch xây dựng căn cứ máy bay ném bom tại khu vực Biển Đông của Trung Quốc liệu có bao gồm ý đồ khi chiến tranh bùng nổ sẽ sử dụng tên lửa hành trình tấn công từ xa nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ tại Australia hay không là một vấn đề được giới quân sự đặc biệt quan tâm.
Đá Gạc Ma cách phía Bắc Australia 3.200km, theo bán kính tác chiến 1.800km của H6, cùng với tên lửa hành trình tầm bắn 2.000km, hoàn toàn có thể thực hiện sứ mệnh tấn công chiến lược nhằm vào căn cứ quân sự Mỹ đặt tại phía Bắc Australia, hình thành vật cản rất lớn đối với chính sách “Quay trở lại châu Á – Thái Bình Dương” của Mỹ.
Giới phân tích quân sự quốc tế nhận định một địa điểm khác đủ điều kiện để xây dựng “tàu sân bay không chìm” tương tự như Gạc Ma là bãi đá Mỹ Tế (Mischief Reef – Đá Vành Khăn), nơi Trung Quốc đã xây dựng năm chòi gác đơn giản và một cụm công trình bê-tông dài 43m, rộng 29m. Chiều dài của bãi đá này từ Đông sang Tây là 8.900m, rộng 6.000m, cách phía Nam Philippines khoảng 244km, cách Brunei khoảng 548km.
Hiện nay chưa thể phán đoán Trung Quốc sẽ xây dựng bao nhiêu “tàu sân bay không chìm” tại khu vực Biển Đông, nhưng rõ ràng với những công trình ở Đá Gạc Ma hay Đá Vành Khăn sẽ khiến cả khu vực phía Nam của Việt Nam, toàn bộ lãnh thổ Indonesia, Malaysia và Singapore đều nằm trong phạm vi tấn công từ trên không bằng tên lửa hành trình của H6, nhất là Singapore – nơi đã được quân đội Mỹ bố trí tàu tuần tra bờ biển phản ứng nhanh.
Âm mưu lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông?
Cách nay một năm, chính xác là ngày 23-11-2013, Trung Quốc đơn phương loan báo thành lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông. Ngay từ lúc ấy, Bắc Kinh cho thấy sẽ thừa thắng xông lên và thiết lập một vùng tương tự trên Biển Đông, gây nên nhiều mối quan ngại. Một năm sau, thái độ lo lắng vừa tăng lên một bực, sau khi có tin Trung Quốc đã xây dựng hoàn tất nhiều công trình tại Biển Đông cho phép họ quản lý vùng phòng không đó.
Thái độ quan ngại cụ thể nhất đã được bà Bonnie Glaser, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS ở Washington công khai bày tỏ tại cuộc hội thảo do Quân đội Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh trong hai ngày 21 và 22-11-2014 vừa qua. Bà Glaser đã nêu bật sự kiện được tạp chí quốc phòng IHS Jane’s Defence tiết lộ, theo đó Trung Quốc đã cho xây trên Đá Chữ Thập tại Trường Sa một phi đạo dài cũng như một hải cảng đủ sức cho chiến hạm cập bến. Mục tiêu của các công trình đó là để Bắc Kinh có thể quản lý hữu hiệu vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc muốn thiết lập.
Trước đó, trong một cuộc hội thảo tại Đà Nẵng trong hai ngày 17 và 18-11-2014, Giáo sư Robert Beckman, Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế tại Đại học Quốc gia Singapore, cũng bày tỏ quan ngại trước khả năng Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không Biển Đông. Đối với chuyên gia Beckman, đây là một điều hoàn toàn có thể xảy ra vào lúc tình hình căng thẳng vẫn tồn tại giữa Trung Quốc và hai nước Việt Nam, Philippines, cũng như căn cứ vào các tuyên bố gần đây của nhiều quan chức và nhà bình luận Trung Quốc.
Ngay từ năm ngoái, sau khi tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông, bao trùm vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Tokyo quản lý. Trung Quốc đã không loại trừ khả năng thiết lập một vùng tương tự tại Biển Đông.
Vào khi ấy, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng, trước mắt, Bắc Kinh chưa thể xúc tiến kế hoạch đó vì lẽ không quân Trung Quốc chưa đủ năng lực giám sát vùng phòng không rộng lớn và cách xa lục địa Trung Quốc như vùng Biển Đông.
Đó là chưa kể đến việc Biển Đông dính líu đến rất nhiều quốc gia, trong lúc tranh chấp ở Biển Hoa Đông chỉ liên can trực tiếp đến Nhật Bản và trong một chừng mực nào đó, Hàn Quốc mà thôi. Với phương tiện chưa đủ, việc áp đặt một vùng phòng không sẽ trở thành vô nghĩa như vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông nếu các nước bao quanh hay sử dụng Biển Đông không tuân thủ.