Nhu cầu dùng sữa ở Việt Nam đạt mức bình quân 20,5 lít/năm và sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Báo cáo Chỉ số ngành sữa toàn cầu mới nhất vừa công bố vào đầu tháng 10, cho thấy, nhu cầu chung về sữa trên toàn cầu sẽ tăng thêm 36% trong vòng 10 năm tới sẽ nới rộng khoảng cách giữa các thị trường phát triển và mới nổi. Tại Việt Nam, nhu cầu sữa cũng đang gia tăng mạnh. Theo ông Robert Graves, Giám đốc điều hành Công ty Tetra Park Việt Nam, trong năm năm gần đây (2008-2013), tiêu dùng sữa của Việt Nam tăng trung bình 16%/năm và mỗi người Việt Nam sử dụng 20,5 lít sữa/năm. Mức độ gia tăng của Việt Nam sẽ theo đà tăng của nhu cầu chung của thế giới trong vòng 10 năm tới. Nhu cầu tiêu dùng sữa tăng mạnh chủ yếu bởi tăng dân số, tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa tại châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Tuy nhiên, nguồn cung và nhu cầu về sữa trên thế giới sẽ mất cân bằng bởi lượng nguyên liệu sữa tại các thị trường mới nổi có thể bị thiếu hụt trong khi ở các thị trường phát triển lại dư thừa, dẫn đến cạnh tranh mạnh trong xuất khẩu.
Cũng theo báo cáo này, các công ty sữa tại các thị trường nhập khẩu sữa sẽ phải vượt qua thách thức từ đảm bảo nguồn cung sữa bền vững, có chất lượng cao trong khi vẫn bắt kịp sự gia tăng của nhu cầu. Một số thị trường như Trung Quốc, ASEAN, trong đó có Việt Nam đang thực hiện các hoạt động tương tự theo nhiều cách như đầu tư mạnh vào chăn nuôi bò sữa trong nước, hợp tác với các doanh nghiệp lớn của nước ngoài và đa dạng hóa hoạt động kinh doanh bằng các sản phẩm giá trị gia tăng. Về cơ bản, đây là những biện pháp ban đầu để đạt tới các hoạt động cân bằng cần thiết, củng cố tương lai bền vững của ngành công nghiệp sữa. Và trên thực tế, các nhà sản xuất sữa của Việt Nam như Vinamilk, TH True Milk, Nutifood, FrieslandCampina Việt Nam, Công ty CP Sữa Quốc tế IDP… đã đầu tư để gia tăng đàn bò sữa. Mới đây, ngày 30-9, Công ty Vinamilk đã nhập 400 con bò sữa cao sản mang thai từ Úc về Việt Nam. Theo kế hoạch, từ nay đến tháng 2-2015, Vinamilk sẽ nhập khoảng 3.000 con bò mang thai và bò tơ bằng đường hàng không. Hiện đàn bò sữa của Vinamilk đã tăng 40% so với cùng kỳ. Trong hai năm (2014, 2015) Vinamilk đưa vào hoạt động thêm bốn trang trại mới tại Tây Ninh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa 2 và Nông trường Thống Nhất (Thanh Hóa), nâng tổng số trang trại bò của công ty này lên chín trang trại với 46.000 con bò, đáp ứng được 40% nhu cầu sữa tươi nguyên liệu. Với đàn bò nhập khẩu từ đầu năm và bắt đầu cho sữa trong một vài tháng tới đây, góp phần tăng nhanh lượng sữa của các trang trại Vinamilk lên khoảng 50 triệu lít/năm. Trong khi đó, Công ty TH True Milk công bố đã hoàn thành số lượng tổng đàn 45.000 con trong quý I-2014. Trung tuần tháng 7 vừa qua, Công ty FrieslandCampina Việt Nam đã khởi công xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa tại tỉnh Hà Nam. Mục tiêu của dự án này là hình thành và phát triển vùng chăn nuôi bò sữa chuyên nghiệp và bền vững theo quy mô trang trại gia đình, góp phần giảm thiểu việc nhập khẩu sữa. Hai công ty “ngoại đạo” là Hoàng Anh Gia Lai và Đức Long Gia Lai cũng đã triển khai kế hoạch nuôi bò sữa. Trong đó, Hoàng Anh Gia Lai đang bắt đầu nhập bò sữa từ Úc với số lượng dự kiến lên đến 120.000 con. Công ty Đức Long Gia Lai đã nhận sự chuyển giao công nghệ chăn nuôi từ Vinamilk để thực hiện dự án 80.000 con bò sữa trong năm tới.
Ông Robert Graves cho rằng, Việt Nam đang là một thị trường mới nổi có truyền thống nhập khẩu sữa và mới bước đầu xuất khẩu với doanh số đạt khoảng 230 triệu USD/năm, vì thế, trong thời gian tới các công ty sữa địa phương nên gia tăng nguồn cung trong nước, phát triển đàn bò sữa và thúc đẩy việc sản xuất các sản phẩm thay thế nhập khẩu. Đây sẽ là những chiến lược tốt nhất có thể hỗ trợ cho ngành công nghiệp sữa Việt Nam có những bước tiến lâu dài. Năm 2013, thị trường sữa nước của Việt Nam ước đạt 1.315,07 tấn (1.276,6 triệu lít), và dự tính đạt hơn 1.615 tấn (tương đương 1.560 triệu lít) vào năm 2017. Thị trường sữa bột cũng đạt 581 tấn (tương đương 561 triệu lít) trong năm 2013, và sẽ tăng lên mức 781 tấn (755 triệu lít) vào năm 2017.
Ông Dennis Jönsson, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tetra Pak, nhấn mạnh: “Dự báo được sự gia tăng của nhu cầu sữa trên toàn cầu sẽ đem lại cơ hội lớn cho các công ty trong ngành sữa tại các thị trường phát triển để họ có thể thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm sữa bột và sữa nước vào các thị trường phát triển. Nhưng để thành công lâu dài, các doanh nghiệp sẽ phải cân bằng giữa việc gia tăng xuất khẩu và tiếp tục phát triển thị trường nội địa”.
Linh Anh