Vào năm tới đây khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, định chế này sẽ thực hiện tự do luân chuyển năm yếu tố căn bản: vốn liếng, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động lành nghề.
Trong bối cảnh ấy, có hai vấn đề rất đáng quan tâm. Một là thị trường lao động Việt Nam sẽ mở rộng cánh cửa, đồng nghĩa với việc lao động nước ngoài có thể ồ ạt đổ vào nước ta, tạo nên một cuộc cạnh tranh với lao động trong nước. Thứ hai, liệu lao động của chúng ta có đủ trình độ để thâm nhập thị trường các nước trong khu vực hay không.
Đây là hai vấn đề lớn có quan hệ mật thiết và tác động lẫn nhau.
Khó quản lý lao động nước ngoài
Theo số liệu thống kê gần nhất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2013 có khoảng 77.359 người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Trong đó, số lao động đã được cấp phép là 40.529 người, không thuộc diện cấp phép là 5.500 người và chưa được cấp phép là 31.330 người.
Số liệu này đáng tin cậy khi mới đây Bộ Công an cho biết 40% trong số hơn 77.000 người lao động nước ngoài đang làm việc ở nước ta chưa được cấp giấy phép. Trong chừng mực nào đó thông tin trên minh chứng cho tình trạng hàng chục ngàn lao động phổ thông nước ngoài vào làm việc tại các công trình xây dựng, nhất là các dự án do Trung Quốc trúng thầu, tại nhiều tỉnh như Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh, Hải Phòng, Cà Mau, Xi măng Ninh Bình… mà chưa được cấp phép.
Hà Tĩnh là một trong những địa phương khá tiêu biểu. Năm 2013, Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã xử phạt ba nhà thầu (với số tiền 35 triệu đồng), buộc xuất cảnh trước thời hạn 102 người lao động “chui”.
Tuy nhiên việc xử lý ấy không thấm vào đâu so với thực trạng đang diễn ra tràn lan tại địa phương này. Khi dự án Formosa triển khai tại khu kinh tế Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), nhiều doanh nghiệp cũng như nhà thầu Trung Quốc đã trúng thầu và kéo theo hàng ngàn lao động người nước họ.
Theo báo cáo ngày 19-3-2014 về tình hình lao động nước ngoài của ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng thì hiện nay ở khu kinh tế Vũng Áng có 3.730 người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc, trong đó chỉ có 1.560 người được cấp giấy phép lao động. Số còn lại phần lớn đều sang Việt Nam bằng đường du lịch và sau đó ở lại làm thuê.
Mới đây Hà Tĩnh đã đồng ý cho chín nhà thầu thuộc dự án Formosa tuyển dụng gần 3.000 lao động nước ngoài mà họ nói là cán bộ quản lý, chuyên gia, kỹ thuật viên, giám sát công trường.
Các quy định về người nước ngoài làm việc ở doanh nghiệp FDI đến nay vẫn chưa chặt chẽ. Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, tại Việt Nam hiện tồn tại ba loại lao động nước ngoài gồm: các dự án do nước ngoài trúng thầu; khách đi du lịch vào Việt Nam nhưng sau đó không có tiền, ở lại đi kiếm việc để sống; một số nhập cảnh chui vào Việt Nam. Số người này vi phạm về cư trú, về visa… khiến quản lý rất khó khăn, trục xuất họ cũng khó, nhất là lao động từ các nước châu Phi, có những nước không có cơ quan đại diện ngoại giao.
Tồn tại đã lâu và có nhiều bất cập nhưng hiện việc xử lý lao động nước ngoài “chui” gặp rất nhiều bất cập bởi hiện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ quản lý thị trường lao động, cấp phép cho lao động nước ngoài, còn chuyện thực thi thế nào và phải rà soát ngay từ đầu vào lại thuộc về cơ quan xuất nhập cảnh và ngành công an.
Khi người nước ngoài vào Việt Nam, họ có quyền đi lại, tạm trú ở bất cứ đâu, do đó, nếu không có sự phối hợp giữa các cơ quan, sự theo dõi sát sao của các địa phương thì rất khó quản lý họ. Vì vậy cho đến nay, do thiếu sự phối hợp nên quả bóng trách nhiệm xem ra vẫn còn lơ lửng giữa các bộ, ngành.
Cần nghiêm khắc hơn nữa
Việc số lao động nước ngoài tăng mạnh trong khi thủ tục pháp lý bị buông lỏng đã bộc lộ sự bất cập trong việc quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam.
Trên thực tế, chính quyền các địa phương đã không làm hết trách nhiệm của mình khi chỉ cần căn cứ theo Luật Cư trú thì người nước ngoài thuộc diện phải có giấy phép lao động, nếu chưa hoàn thiện các thủ tục sẽ không được phép làm việc tại Việt Nam.
Đứng trước tình hình bát nháo vừa nói, mới đây Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 03/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn một số quy định về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Theo đó, trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến tuyển lao động nước ngoài, người sử dụng lao động phải báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài, bao gồm: vị trí công việc, số lượng, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, mức lương, thời gian làm việc tới Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính.
Thông tư cũng quy định trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật; kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về việc tuyển và quản lý lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn.
Việc quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn là trách nhiệm của chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, cơ quan chức năng địa phương giới thiệu, cung ứng lao động Việt Nam làm việc cho các nhà thầu ở các vị trí công việc dự kiến tuyển lao động nước ngoài; đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuyển và sử dụng lao động nước ngoài của doanh nghiệp…
Về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cần tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ địa phương trong công tác tuyên truyền pháp luật nói chung và pháp luật lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nói riêng.
Mặt khác chúng ta cần nhanh chóng đánh giá, hoàn thiện chính sách về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam để vừa tạo điều kiện cho địa phương thực hiện tốt công tác quản lý lao động nước ngoài, vừa đảm bảo Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Khả năng thâm nhập thấp
Thị trường lao động mở rộng nếu nhìn từ một góc độ khác là người lao động Việt Nam liệu có đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các công ty nước ngoài không thì quả rất đáng lo.
Lâu nay, chúng ta luôn giới thiệu về đội ngũ lao động trong nước với các đặc điểm cần cù, chịu khó học hỏi, giá rẻ… mà chưa tập trung vào yêu cầu về tay nghề và kiến thức chuyên môn. Đó là chưa kể khi tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN, ngoài việc giỏi chuyên môn người lao động còn cần vốn ngoại ngữ để có cơ hội làm việc tại các quốc gia của AEC, nhưng liệu có bao nhiêu lao động của chúng ta hội đủ điều kiện này.
Khi AEC thành lập, trên thực tế chỉ cho phép luân chuyển lao động trong tám ngành: kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch.
So với toàn bộ cơ cấu nền kinh tế, lao động nhóm này chỉ chiếm số lượng rất nhỏ (1%) tổng số lực lượng lao động. Cơ hội dành cho lao động Việt Nam càng thu hẹp bởi các yêu cầu khắt khe về chuyên môn, ngoại ngữ. Đây hiện vẫn là bài toán khó cho lao động Việt Nam, bởi ngay cả trên sân nhà, nếu chính người lao động không ý thức rõ mối nguy này thì sẽ thua thiệt bởi chúng ta khó cạnh tranh về trình độ tay nghề, chuyên môn với nhiều quốc gia trong AEC.
Ông Phú Huỳnh – chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cho rằng ngay bây giờ chúng ta phải tăng cường phát triển hệ thống giáo dục kỹ thuật và dạy nghềở cấp trung học để tận dụng được những lợi ích của AEC đem lại.
Phải thừa nhận một điều gây trở ngại cho việc cân đối cơ cấu lao động ở nước ta là ai cũng cho rằng phải vào đại học mới có công ăn việc làm khiến cho việc theo học trường nghề là rất ít ỏi. Trong khi các trường nghề đang được đầu tư ngày càng nhiều hơn về trang thiết bị, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chuẩn hóa chương trình… thì công tác tuyển sinh mỗi ngày mỗi khó.
Về quản lý nhà nước, đến nay Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vẫn được Chính phủ phân công quản lý nhà nước về dạy nghề, còn trung cấp chuyên nghiệp, cũng là dạy nghề nhưng gọi là “giáo dục nghề nghiệp”, lại do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.
Chính vì phân tán đầu mối nên tất yếu phân tán nguồn lực. Dạy nghề được đầu tư từ ngân sách nhà nước với các chương trình mục tiêu để đầu tư phát triển, hình thành nên sự bất bình đẳng xuất hiện ngay trong lòng hệ thống giáo dục – đào tạo trong việc hưởng lợi từ đồng tiền thuế của dân.
Việc xây dựng khung trình độ quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức, là cơ sở quan trọng để hội nhập ASEAN, thúc đẩy hợp tác giáo dục hiện vẫn còn bỏ ngỏ sau rất nhiều hội thảo. Điều này dấy lên mối lo ngại rằng chúng ta sẽ mất cơ hội đào tạo nguồn nhân lực phù hợp trong khi thời kỳ “dân số vàng” về dân số của Việt Nam đang qua dần. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực, hội nhập sâu rộng vào các cơ chế hợp tác, liên kết khu vực và quốc tế, “chìa khóa” phải được làm sớm và nhanh chóng hơn nữa.
Phạm Thành Sơn