Trong tạp chí HR Magazine, số tháng 12-2013, có bài phỏng vấn Susan Cain, là một nhà tư vấn chuyên về thương lượng, tác giả quyển sách Quiet: The Power of Introverts in a World That Can’t Stop Talking (Tĩnh lặng: Quyền lực của người hướng nội trong một thế giới không thể ngừng nói), năm 2012, được tóm lược trong một câu: “Giá trị của người hướng nội ở nơi làm việc thường bị xem nhẹ”. Có chuyện gì nghiêm trọng không? Donna M. Owens, người thực hiện phỏng vấn kể lại câu chuyện như sau:
Bà vui lòng giải thích về nhận định tĩnh lặng đều có ở người hướng nội, hướng ngoại và ngay cả người cân bằng giữa hai hướng đó.
Người hướng nội chuộng môi trường kích thích thấp – tĩnh lặng, ít ồn ào, ít sôi động, nơi mà họ thấy mình sống động và tràn đầy năng lượng hơn, ngược với người hướng ngoại. Nhiều người vẫn tin là hướng nội thì từ bỏ xã hội. Thật ra nên nhìn nhận đó chỉ là sự khác nhau trong cách tiếp cận xã hội mà thôi. Một khảo sát năm 1996 tại Mỹ cho thấy có khoảng 50% người là hướng nội.
Đâu là thế mạnh được biết về người hướng nội khi làm việc?
Người lãnh đạo hướng nội có thể tạo ra kết quả khá hơn hướng ngoại, nghiên cứu cho thấy họ thu hút ý tưởng người khác và do vậy đã cho phép những ý tưởng tốt nhất được trình làng.
Và các nhà tâm lý thấy là những người sáng tạo nhất có xu hướng bộc lộ rõ sự hướng nội, thích dành nhiều thời gian một mình. Vì sự cô độc là một yếu tố quyết định cho sáng tạo. Tạo ra những công việc nền tảng và sâu sắc đòi hỏi phải ngồi yên, suy nghĩ, soạn thảo ra chiến lược.
Người hướng nội cũng là người suy tư cẩn trọng trước khi hành động, cần cho giai đoạn hiện nay, khi mà con người được cho là phải chấp nhận quá nhiều rủi ro.
Đâu là những bất lợi của người hướng nội?
Môi trường làm việc hiện đại đẩy người hướng nội lọt ra khỏi vùng thoải mái của họ. Họ kém hơn người hướng ngoại khi cần tập hợp con người và tạo cảm hứng cho những người đó.
Điều gì thách thức khi người hướng nội và hướng ngoại làm việc với nhau?
Người hướng nội suy nghĩ trước khi nói và đôi khi họ cảm thấy thất vọng với những gặp gỡ thoáng qua không theo cách mà họ chờ đợi. Người hướng ngoại thì thất vọng về người hướng nội khi thấy họ dành quá nhiều thời gian cho suy nghĩ mà không chia sẻ được gì cả.
Nhưng cả hai đều cần nhau và phụ thuộc lẫn nhau. Khi họ hiểu nhau và cùng làm việc trong sự trân trọng lẫn nhau, thì đó là sự hài hòa tuyệt vời nhất.
Bộ phận nhân sự làm được gì để giúp người hướng nội phát triển và đóng góp tốt nhất?
Câu hỏi lớn này có một số hướng giải quyết. Như một số ví dụ sau:
Do người hướng nội chuộng thời gian tĩnh lặng, khi tưởng thưởng họ về kết quả công việc, hãy thưởng cho họ một ngày nghỉ phép dành riêng cho họ.
Khi cần những ý tưởng mới, nên dùng một quy trình trong đó từng người sẽ chuẩn bị cho phần sáng tạo riêng của mình trước khi được kết nối lại và chia sẻ phần của mình vào công việc chung. Điều đó còn thu hút được cả những người hướng ngoại nữa.
- Xem thêm: Hiểu tính cách để giỏi kết giao
Một lời khuyên khác quanh câu chuyện này?
Hãy sống cho tương hợp với bản tính của bạn. Hãy theo một nghề nghiệp thật sự thích hợp với bạn. Người hướng ngoại cần có hành động hướng nội nhiều hơn khi họ ngồi lại viết lách một nội dung, dù là họ có chuộng việc mải mê trò chuyện với người khác đến đâu.
Người hướng nội cần trải lòng ra khi đi dự tiệc tùng và các buổi gặp mặt. Nhưng rồi thì tất cả chúng ta đều sẽ phải quay về nơi được nhà tâm lý Brian Little gọi là “chốn hồi phục”, là nơi chúng ta có thể thư giãn và thật sự được là chính mình.