Tết là dịp để người phụ nữ Huế phô diễn sự khéo léo của mình trước bà con họ hàng, xóm giềng và bè bạn bằng các món ăn truyền thống không chỉ ngon mà còn đẹp nữa.
Phụ nữ Huế làm các món ăn không cần đến các thiết bị hiện đại để giữ thức ăn như ngày nay mà vẫn tươi, ngon và đẹp, đó là một cách tính toán rất khoa học. Tết Huế có hàng trăm món ăn, bất kể giàu nghèo, nhà nào cũng có bánh tét, dưa món, mứt gừng, mứt dừa, hạt dưa, thịt heo…
“Số anh không giàu thì nghèo. Đến ba mươi Tết có miếng thịt heo trong nhà”. Ngoài các món truyền thống trên, Tết nhà giàu có thêm: thịt bò nấu tỏi riềng, thịt heo ngâm giấm, dầm nước mắm, chả lụa, chả thủ, chả tôm, giò heo rút xương, nem, tré, tôm chua, kim chi, dưa kiệu, dưa hành, bánh bột bình tinh. Đây là những loại bánh gói giấy nhiều màu để chưng trên bàn thờ Tết, “trước cúng sau cấp”.
Ngoài ra còn có bánh lá vải, bánh bó, bánh gấc… Có thể nói, dường như ở đất cố đô này tất cả các loại củ, quả phụ nữ Huế đều làm mứt được. Mứt gừng xăm, mứt hường… Những nhà ít tiền có mứt khoai, ngào sẵn, bánh thuân, bánh khô, bánh nổ… Ở những gia đình quí tộc, mứt gừng còn được làm nguyên củ gừng, mứt bí đao được tỉa thành những nhánh cây công phu, bánh đậu quyên cũng nặn thành những nhánh cây (gọi là bánh cây) quấn giấy kim bản bên ngoài trông đẹp và quí phái.
Mứt chanh, với một nghệ thuật điêu luyện, mứt vẫn giữ nguyên màu xanh và hương vị của chanh… Với các thứ mứt, bánh công phu và đẹp như vậy cho nên phải ăn từ từ, vừa ăn vừa thưởng thức mới tận hưởng hết hương vị. Mỗi thứ có hương vị riêng và đều hấp dẫn.
Tết Huế thể hiện rõ tính chất giao mùa giữa Đông và Xuân. Đông tàn phai để đón Xuân huy hoàng. Tuy thế, tiết tháng giêng, tháng hai vẫn buốt cóng vì cái lạnh “cắn tay không ra máu”. Trời lạnh và các món ăn mới phù hợp làm sao. Nhón tay lấy mấy lát mứt gừng mỏng như lá lan đưa vào miệng, mùi thơm dễ chịu, vị cay của gừng Huế làm cho ấm người, rồi nhấp một ngụm trà thơm, hương xuân đó.
Nên nhớ rằng gừng Huế không trắng và không lớn như gừng Sài Gòn, Hà Nội, gừng Huế trồng ở đất đồi, nhỏ thôi, màu vàng hươm, nhưng mùi và vị thì gừng Huế ăn đứt. Người Huế, dù ở trong nước hay nước ngoài không thể nào quên được mùi cay, thơm của củ gừng mẹ gọt làm mứt những ngày giáp Tết.
Huế còn nổi tiếng với rượu và bánh tét làng Chuồn. Cả hai được làm bởi gạo và nếp ở làng quê này. Rượu thì tuyệt vời, còn bánh tét dẻo, thơm và ngon kỳ lạ. Bởi vậy, Tết không ít người về làng Chuồn mua bánh tét và rượu. Đến thăm nhau đúng bữa trưa hoặc tối, gia chủ mời bạn dùng bánh tét dưa món, thịt dầm với chuối chát và quả vả chua ngọt. Thịt bò nấu riềng dùng với chua ngọt càng khoái. Nem, tré dùng với kim chi hoặc dưa cải, vả dầm càng tuyệt.
Phụ nữ Huế vui mừng nếu khách thăm khen rằng những món ăn ngày Tết ngon và đẹp. Đó là một lời khen thật, một lời tốt đẹp đầu năm. Để có lời khen đó, họ đã được tiếp truyền một sự vẽ bày tận tụy của những bà mẹ qua bao thế hệ. Và nữa, trong họ nhiều người còn được sự dìu dắt của cô Hoàng Kim Cúc – một thời Đồng Khánh. Và nay, họ chăm chỉ đến với các lớp gia chánh. Tự “tỉa vẽ” trong nấu ăn là phong cách của người cố đô, nét đẹp văn hóa đó là sức hấp dẫn đối với du khách bốn phương.