Millennials, Gen Y, Snowflakes, tất cả đều là những cái tên dành cho thế hệ sinh ra từ năm 1980 đến năm 1994. Ở Nhật, họ được gọi là “Yutori” và cũng có nhiều người chỉ trích. Họ là thế hệ đầu tiên lớn lên với phong cách giáo dục thoải mái hơn và bây giờ khi trưởng thành, họ thấy mình đang chống lại những cách thức cũ của các bậc cha mẹ cực kỳ kỷ luật với nhiều kết quả khác nhau.
Ngày lễ Tình nhân là việc nhỏ
Ngày lễ Tình nhân ở Nhật Bản đã biến thành một “bãi mìn xã hội”. Vào những năm 1950, một công ty chocolat đã tưởng tượng ra việc giri choco , nghĩa là “chocolat nghĩa vụ”, để tăng doanh số bán hàng vào ngày 14 tháng 2. Họ gợi ý phụ nữ nên tỏ ra tình cảm với những người đàn ông trong đời bằng những món quà chocolat; nhưng đối với một số người, danh sách này sẽ vượt ra ngoài những người thân, đến đồng nghiệp và sếp. Giri choco đã trở thành mốt và phụ nữ Nhật Bản – được đề cao là không xúc phạm hay tỏ ra bất lịch sự – sẽ tặng các đồng nghiệp nam chocolat vào ngày này. Để khôi phục sự cân bằng, White Day (Ngày Trắng) đã được tạo ra vào năm 1978 và hàng năm vào ngày 14 tháng 3, nam giới sẽ đáp lại bằng những món quà ngọt ngào gói bằng giấy trắng.
Tuy nhiên, một cảm giác khó chịu về phong tục đã len lỏi vào xã hội, với ý tưởng gori choco bị coi là lỗi thời và phân biệt giới tính. Một số công ty đã cấm giri choco và nếu không có nó thì cũng không có White day.
Vào tháng 2 năm 2018, nhà sản xuất chocolat cao cấp Godiva đã đăng một trang quảng cáo kêu gọi Nhật Bản mang niềm vui trở lại vào ngày lễ Tình nhân bằng cách bán giri choco. Đó là một động thái tiếp thị táo bạo nhưng nó đã có hiệu quả, và Valentine’s Day đang phát triển thành một đợt lễ đầy biểu tượng cảm xúc kỳ quặc. Các nhà hàng đang kiếm tiền bằng cách cung cấp thực đơn theo chủ đề chocolat và phụ nữ đang mua quà cho chính họ.
Luật mới của việc hẹn hò
Nhật Bản ngày nay là “mikon shakai” (một xã hội không kết hôn). Trong nhiều thế kỷ, các bậc cha mẹ Nhật Bản đã sắp xếp “omiai” – một cách giới thiệu chính thức dẫn đến hôn nhân, trong khi những điều này hiện nay bị coi là lỗi thời; hầu hết các bậc cha mẹ vẫn khuyến khích con cái kết hôn. Trong một xã hội mà phụ nữ trên 25 tuổi được gọi một cách ẩn dụ là “bánh Giáng sinh” và những người trưởng thành vẫn sống với cha mẹ được gọi là “những người độc thân ăn bám”, áp lực rất lớn. Giờ đây, các Yutori (thế hệ sinh ra trong giai đoạn từ năm 1980 đến năm 1994) đang kiểm soát tương lai của chính mình và bước vào trò chơi hẹn hò mà không có ảnh hưởng của cha mẹ.
Thuật ngữ “konkatsu” được tạo ra bởi một giáo sư xã hội học vào năm 2007, tạm dịch nghĩa là “tìm kiếm một đối tác tiềm năng với mục đích kết hôn”. Về cơ bản, nó là một hình thức omiai hiện đại, nó mang lại sức mạnh lựa chọn cho những người đang tìm kiếm tình yêu.
Trò chơi hẹn hò rất phức tạp. Bữa tiệc “gokon” là cuộc gặp gỡ của những người độc thân do bạn bè họp mặt ngẫu nhiên hoặc do những người mai mối chuyên nghiệp sắp xếp. Bạn có thể thử vận may tại “shumikon”, nơi bạn học một kỹ năng như nấu ăn cùng với một đối tác tiềm năng, hoặc “asakon” – một sự kiện hẹn hò vào sáng sớm dành cho các chuyên gia tham gia trước khi ngày làm việc của họ bắt đầu. Gokon lớn nhất bao gồm 10.000 người độc thân đầy hy vọng tại một sân vận động ở Tokyo được tổ chức vào năm 2015.
Những người đàn ông “cho thuê”
Những quan niệm truyền thống về nam tính có thể đang thay đổi ở Nhật Bản, nhưng vẫn có một thị trường cho những lời khuyên cổ hủ của người cha. Đây là lý do tại sao bạn cần “ossan” có nghĩa là “ông già” và họ sẵn sàng cho thuê bản thân.
Từng được coi là một hình tượng vui vẻ, những “ông chú” thân thiện này hiện đang tính phí khoảng 1.000 yên (10 USD) một giờ để lắng nghe và đưa ra lời an ủi cho các Yutori đang gặp khó khăn, những người có thể quá tự hào nên không thể tâm sự với cha mẹ mình.
Những phụ nữ căng thẳng không cần đến ossan có một lựa chọn khác – một thanh niên đẹp trai để lau nước mắt cho họ. Một công ty có tên Ikemeso – sự kết hợp của từ “hot boy” và “crying”, đưa ra sự lựa chọn đàn ông để thu hút mọi sở thích. Họ sẽ đến văn phòng của bạn và chiếu một bộ phim buồn được thiết kế để khiến mọi người nói ra “tâm sự” trong bài tập gắn kết nhóm. Các dịch vụ khác có sẵn bao gồm đối tác để âu yếm “phi tình dục” và cho thuê bạn bè và người thân giả cho những dịp đặc biệt.
Kỳ thi gian lận
Năm 2019, lần đầu tiên phụ nữ vượt qua nam giới trong kỳ thi tuyển sinh vào các trường y của Nhật Bản. Nguyên nhân? Các trường đã ngừng gian lận điểm thi để tạo lợi thế không công bằng cho thí sinh nam. Vụ bê bối được phanh phui bởi một tờ báo cho rằng các trường đại học đã điều chỉnh kết quả trong hơn 10 năm qua. Hiệu trưởng trường đại học Juntendo ở Tokyo giải thích:
“Phụ nữ trưởng thành về mặt tinh thần nhanh hơn nam giới… về mặt nào đó, đây là một biện pháp để giúp những thí sinh nam”. Hầu hết coi đó là một ví dụ khác về phân biệt giới tính. Năm 2016, chỉ có 21% tổng số bác sĩ ở Nhật Bản là phụ nữ, so với ở Anh là 47,2%.
Sneakerheads
Những đôi giày thể thao mang thương hiệu Mỹ đã đạt đến vị thế đình đám trong giới Yutori. Vào đầu những năm 1990, sự nổi tiếng của Michael Jordan cùng với sự ra mắt kiểu giày sneaker AirMax 95 của Nike đã tạo nên sức hút đối với loại giày này, và những người hâm mộ nó được biết đến với cái tên “Sneakerheads”. Quận Shibuya ở Tokyo là nơi những sneakerhead tụ tập mua những món hàng hiệu quý hiếm để sưu tập hoặc bán nhằm thu về lợi nhuận to lớn. Thị trường béo bở đến mức một số người hâm mộ đã trở thành mục tiêu của những tên trộm và cướp đi những đôi giày thể thao có giá trị của họ trên đường phố.
Sự hợp tác giữa những người nổi tiếng và nhà thiết kế là những hoạt động được các Sneakerheads săn lùng nhiều nhất, khiến họ phải xếp hàng dài trước cửa hàng. Nhân viên bán hàng hiện tập trung vào ID (căn cước) và thực thi quy định về trang phục để kiểm tra thông tin, phong cách của khách hàng vì Sneakerheads hiện nay được biết là đã trả tiền cho những người vô gia cư xếp hàng hàng giờ ở chỗ của họ.
Một số người coi trọng tình yêu của họ đối với các thương hiệu đến nỗi hiện giờ có một ngành công nghiệp nhỏ trong việc xác thực giày thể thao, nơi bạn có thể trả tiền cho một chuyên gia để kiểm tra xem bạn đã mua đúng hàng thật hay chưa. Doanh nghiệp loại này được che giấu trong bí mật để bảo vệ nhân viên khỏi nạn hối lộ và các mối đe dọa bạo lực trong một ngành công nghiệp chặt chẽ.
Halloween
Halloween đã đến Nhật Bản nhờ sự hỗ trợ của Walt Disney vào năm 2000, khi Tokyo Disneyland ra mắt lễ kỷ niệm đầu tiên. Giới trẻ Nhật Bản đã chấp nhận Halloween và tất cả các truyền thống của nó – ngoại trừ trò “trick or treat” là một bước quá xa đối với một xã hội lịch sự, chú trọng nhiều đến nghi thức; và thay vào đó, họ quan tâm nhiều đến trang phục. Đối với một thế hệ đam mê cosplay – hóa trang thành nhân vật trong phim, TV hoặc manga – thì đó là một kỳ nghỉ hoàn hảo.
Hàng năm kể từ năm 2011, đám đông những người thích mặc quần áo hóa trang tụ tập tại ngã tư Shibuya mang tính biểu tượng của Tokyo để uống rượu và tiệc tùng giữa lúc giao thông hỗn loạn. Những con số kỷ lục đã đổ về Shibuya vào năm 2018 và đêm kết thúc với nhiều vụ bắt giữ và một chiếc xe tải bị lật. Uống rượu nơi công cộng hiện đã bị cấm ở Tokyo.
Tỉ lệ sinh bị giảm sút
Năm 2019, tỷ lệ sinh ở Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1899. Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Nhật Bản cho thấy 45% phụ nữ không quan tâm hoặc “xem nhẹ” việc quan hệ tình dục. Ngày càng có nhiều nam thanh niên có ham muốn tình dục bị suy giảm được mệnh danh là “đàn ông ăn cỏ”, do không có hứng thú với nhu cầu “xác thịt”. Những “soushoku danshi” hay “những kẻ ăn cỏ” này cũng coi thường cuộc sống làm việc đến kiệt sức của thế hệ cũ, thích một cuộc sống thụ động hơn.
Thủ tướng Abe Shinzo đã mô tả tỷ lệ sinh nở là một sự kiện khủng hoảng quốc gia, nhưng lý do của sự sụt giảm có thể đơn giản là kinh tế. Từ lâu đã không còn những “người làm công ăn lương” cống hiến cả đời cho một tập đoàn; thay vào đó, nhiều Yutoris được làm việc theo hợp đồng ngắn hạn với ít công việc đảm bảo. Một số bậc cha mẹ Nhật Bản vẫn sẽ phản đối hôn nhân nếu chú rể không phải là người có thu nhập cao. Ngày càng có nhiều phụ nữ từ chối vai trò nội trợ truyền thống; thay vào đó họ thích có một nghề nghiệp hơn; các phương tiện truyền thông đã dán nhãn những lao động nữ đầy tham vọng này là “những cô gái ăn thịt”.
Đến năm 2065, dân số dự kiến sẽ giảm từ 127 triệu xuống còn 88 triệu, được khuyến khích bởi thái độ “mendokusai” nghĩa là “không thể bị làm phiền”.
Một nửa bị che giấu
Là một đảo quốc, Nhật Bản thường được coi là một xã hội khép kín. Người Nhật thuộc chủng tộc hỗn hợp được biết đến với cái tên “hãfu” từ tiếng Anh là “half – một nửa” và đã phải vật lộn để tìm kiếm sự chấp nhận. Họ không được chính thức công nhận là một nhóm xã hội và bị cấm mang hai quốc tịch. Chính phủ không ghi lại dữ liệu nào về những người chỉ có cha hoặc mẹ là người Nhật, và không thừa nhận bất kỳ sự phân biệt đối xử nào mà họ có thể phải đối mặt.
Dần dần, một số người Nhật trẻ tuổi mang hai dòng máu đang được công nhận. Ariana Miyamoto, sinh năm 1994, có mẹ là người Nhật và bố là người Mỹ gốc Phi. Cô đã giành chiến thắng trong cuộc thi hoa hậu Nhật Bản năm 2015. Cô được truyền cảm hứng để tham gia cuộc thi sau khi một người bạn cùng trường (cũng mang hai dòng máu) tự tử, nhưng Miyamoto cũng gặp phải sự chỉ trích vì không phải là người Nhật “thuần khiết”.
Bộ Y tế đã dự đoán rằng 1/30 trẻ sinh ra ở Nhật Bản hiện nay là mang hai dòng máu, phần lớn cha mẹ đến từ các nước châu Á láng giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc. Một từ mới “mikkusu” dựa trên thuật ngữ tiếng Anh “chủng tộc hỗn hợp” đang bắt đầu được sử dụng rộng rãi và “hãfu” giờ đây được coi là thuộc về quá khứ của Nhật Bản.
#KuToo
Đi giày cao gót đến công sở có thể là lựa chọn cá nhân của phần lớn phụ nữ nhưng ở Nhật Bản, chúng là bắt buộc. Sau khi trải qua một thời gian dài phải mang đôi giày cao gót, Yumi Ishikawa đã tweet về quy tắc bất công và bắt đầu một chiến dịch truyền thông xã hội. Những người phụ nữ bắt đầu chia sẻ những bức ảnh về bàn chân sưng tấy và phồng rộp của họ được gắn thẻ #KuToo – một sự kết hợp của từ “kutsu” có nghĩa là giày và đau “kutsuu”, thêm vào một cái gật đầu với phong trào #MeToo.
Yumi đã bắt đầu một bản kiến nghị vào tháng 6 năm 2019, đề xuất một luật ngăn chặn các doanh nghiệp áp đặt quy định về trang phục của phụ nữ và buộc họ phải đi những đôi giày cao gót đáng sợ.
#KuToo đã mở ra một cuộc tranh luận về phân biệt giới tính và đưa ra tiếng nói cho phụ nữ trong một nền văn hóa không chấp nhận cảm xúc nơi công cộng. Một số công ty kể từ đó đã nới lỏng các quy tắc của họ đối với giày dép và Yumi đã xuất bản một cuốn sách về #KuToo, và cô viết: “Thật là thú vị khi tức giận”.
Nàng công chúa cô đơn
Nhật Bản là nước theo chế độ quân chủ lâu đời nhất trên thế giới. Thái tử Naruhito lên ngôi vua vào năm 2019 và có một người con là công chúa Aiko, còn được gọi là “Toshi”. Là một phụ nữ, cô không bao giờ có thể cai trị Nhật Bản. Vinh dự đó sẽ thuộc về người thừa kế nam giới gần nhất – anh họ của cô là hoàng tử Hisahito. Toshi, 18 tuổi, có nhiều “nỗi niềm” ở tuổi thiếu niên hơn hầu hết những người khác bởi vì các quy tắc cổ xưa quy định cô phải kết hôn với một nhà quý tộc – điều không còn ở Nhật Bản ngày nay. Kết hôn với một thường dân đồng nghĩa với việc Aiko sẽ mất đi danh hiệu, địa vị và tiền bạc, và phải đối mặt với cuộc sống như một công dân bình thường.
Dì của Toshi, công chúa Sayako, đã làm điều đó khi kết hôn với một quan chức chính phủ và phải tham gia một khóa học lái xe và đi siêu thị trước ngày cưới. Em họ của Toshi, công chúa Mako, 28 tuổi, đã đính hôn với bạn học Komuro Kei vào năm 2017 – sau đó là nhiều tháng im lặng trong hoàng gia. Hoàng gia đã thông báo hoãn lại vào năm 2018 và Mako nói: “Đó là vì sự non nớt của chúng tôi, và chúng tôi hối tiếc về điều đó”.
Hiện nay có 6 công chúa chưa kết hôn; tất cả sẽ phải lựa chọn giữa cuộc sống độc lập hoặc nghĩa vụ hoàng gia. Trừ khi luật kế vị được thay đổi, tương lai của chế độ quân chủ hiện nằm trong tay một cậu bé 14 tuổi!