Trang Dating.com ghi nhận hoạt động hẹn hò trực tuyến tăng 82% trên toàn cầu và bởi vì các cuộc gặp mặt đối mặt không thể xảy ra được nữa, các cuộc gọi video nhanh chóng trở thành lựa chọn thay thế.
Bùng nổ hẹn hò qua mạng
Stephanie Manns, chuyên viên phân tích rủi ro ở thành phố New York, bắt đầu hẹn hò qua video với một phụ nữ sống trong khu vực gần nơi cư trú vào tháng 4.2020 sau khi họ gặp nhau trên OkCupid. Đến lần gặp thứ 3 qua mạng, Manns cho biết mình cảm thấy hai người bắt đầu tâm đầu ý hợp. Stephanie Manns là một trong nhiều người thử hẹn hò qua video trong những tuần lễ phong tỏa kéo dài.
Trải nghiệm hẹn hò qua mạng của họ phản ánh sự bùng nổ trào lưu những người độc thân lần đầu tiên trải nghiệm hẹn hò qua video. Một cuộc khảo sát mới đây cho biết 69% người dùng nền tảng này ở Mỹ sẵn sàng trò chuyện qua video với một đối tượng tiềm năng, trong khi trước đại dịch chỉ có 6% đã thử tính năng này. Bumble, tên tuổi lớn đầu tiên ra mắt công cụ video trong ứng dụng vào năm 2019, chứng kiến tần suất sử dụng các tính năng này – vốn được quảng cáo như một cách an toàn hơn để trò chuyện video so với cách trao đổi số điện thoại hoặc danh tính mạng xã hội khi chỉ mới bắt đầu hẹn hò – đang gia tăng nhanh.
Nền tảng Hinge thêm chức năng trò chuyện video có tên là “Hẹn hò từ nhà” vào tháng 4.2020 trước bối cảnh dịch Covid-19, trong khi các công ty khởi nghiệp cũng đi theo trào lưu với một công ty có tên là Quarantine Together kết hợp lời kêu gọi rửa tay với dịch vụ mai mối qua video. Ngoài ra, sự quan tâm đến các trò chơi hẹn hò phát trực tiếp trên mạng xã hội cũng tăng lên, với The Meet Group – công ty đứng đầu thị trường Mỹ trong lĩnh vực này, báo cáo mức tăng 95% trong tần suất sử dụng các sản phẩm của họ kể từ tháng 3-2020.
Các sản phẩm bao gồm các sự kiện hẹn hò nhanh qua video và hẹn hò không biết mặt dành cho những ai quan tâm tính cách hơn là ngoại hình. Một số sự kiện dành cho người độc thân ngoài đời cũng xoay quanh các không gian trực tuyến, với các công ty như The Inner Circle trao cho những ai muốn hẹn hò cơ hội trò chuyện video thông qua các hoạt động như trò giải đố ảo. Lý do hiển nhiên xu hướng hẹn hò video bùng nổ trong thời gian dịch Covid-19, theo lời Dominic Whitlock, biên tập viên của trang web Global Dating Insights, là chúng ta nhanh chóng quen với việc sử dụng video trong các lĩnh vực khác của cuộc sống.
Whitlock giải thích: “Trước khi xảy ra đại dịch, có rất nhiều hoài nghi về việc hẹn hò qua video và chỉ có một số ít ứng dụng thử nghiệm công nghệ này. Phần lớn các ứng dụng hẹn hò nhắm vào thế hệ Thiên niên kỷ và thế hệ Z, là hai thế hệ vốn tự thừa nhận rằng tự bản thân họ e ngại nói chuyện với người lạ trên điện thoại hay phải ra mở cửa”. Nhưng một khi tất cả mọi người làm việc ở nhà và phải nói chuyện với đồng nghiệp trên Zoom hay chơi các trò chơi ảo với bạn bè, “điều này đã khiến những người độc thân có sự tự tin ban đầu để thử hẹn hò ảo và sau đó nhận ra rằng việc đó không khó coi như họ sợ lúc đầu”.
Đó là trường hợp của Nyana Ficot, cố vấn tài chính 30 tuổi, người tự nhận mình “bình thường thì khá nhút nhát” và đã hẹn hò qua video lần đầu sau khi đã cảm thấy thoải mái hơn với các công cụ video trong thời gian phong tỏa ở Luxembourg. Phong tỏa cũng tạo điều kiện giúp hẹn hò qua video tăng lên, đơn giản chỉ vì nhiều người độc thân có thời gian rảnh. Khi mà họ không thể tận hưởng các sở thích và thói quen du lịch như trước khi có Covid-19, và với những người trẻ nhiều khả năng bị cho nghỉ việc hoặc thất nghiệp, Whitlock nói rằng một số người tìm đến các ứng dụng đơn giản là vì họ buồn chán.
Những người khác cảm thấy cuộc sống không còn gì nữa của họ khiến họ cảm thấy cô đơn hơn hoặc ý thức được tình trạng mối quan hệ của họ. “Họ nghĩ: ‘Tôi bị kẹt trong nhà, có lẽ tốt hơn nếu có ai khác ở cùng tôi. Vì vậy, có lẽ đã đến lúc thử và ổn định cuộc sống’”. Trong khi đó, cũng có một nhận thức chậm toàn cầu rằng giãn cách xã hội sẽ còn tiếp diễn. “Công chúng bắt đầu thấy rằng đó thực sự là tình huống rất nghiêm trọng. Do đó, họ cần đưa ra quyết định: ngưng hoàn toàn trong khoảng thời gian không xác định hoặc đón nhận thế giới mới của hẹn hò ảo. Dường như phần lớn những người muốn tìm bạn đã chọn cách thứ hai”, Whitlock nói.
Tiến sĩ Helen Fisher, cố vấn cho Match Group, hãng sở hữu các nền tảng hẹn hò gồm Tinder và Plenty of Fish (POF), nói rằng việc phong tỏa trên khắp thế giới sau giai đoạn những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ đã quá mệt mỏi với việc lướt tay trên điện thoại cũng là một phần lý do. POF là dịch vụ hẹn hò trực tuyến của Canada, phổ biến chủ yếu ở Canada, Anh, Ireland, Australia, New Zealand, Tây Ban Nha, Brazil và Mỹ. Nó có sẵn trong 9 ngôn ngữ. Công ty có trụ sở tại Vancouver, British Columbia tạo ra doanh thu thông qua quảng cáo và thành viên cao cấp.
Tốc độ tăng trưởng của ứng dụng hẹn hò đã chậm lại trên toàn cầu vào năm 2019, và nghiên cứu của chính Fisher trước đại dịch cho thấy sự khao khát ngày càng tăng trong việc được kết nối tình cảm gần gũi hơn trong thời gian dài hơn, thay vì chỉ gặp nhau thoáng qua. Bà tin rằng việc phong tỏa đã thúc đẩy những người hẹn hò tìm hiểu về nhau nhiều hơn trước khi có nụ hôn đầu tiên, một xu hướng bà dự đoán sẽ tiếp tục ngay cả khi các lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng.
Jai Andrew, 28 tuổi, cố vấn và huấn luyện viên đến từ London, và Karen Mendoza, 25 tuổi, sống ở Texas, là một đôi đã trải qua dạng hẹn hò chậm này trong đại dịch. Họ bắt đầu kết nối nhau trên Facebook và bắt đầu trò chuyện trên Messenger vào tháng 1.2020. Nhưng mối quan hệ của họ tăng tốc nhờ vào các cuộc gọi video trong thời gian phong tỏa tương ứng ở nơi họ và quyết định chính thức trở thành một cặp vào tháng 3.2020, trước khi gặp nhau ngoài đời thực.
Biên tập viên của Global Dating Insights, Dominic Whitlock, nói rằng đó không phải là những người duy nhất sử dụng công nghệ video để hẹn hò xuyên châu lục trong đại dịch. Một số ứng dụng hẹn hò, trong đó có Tinder, đã tranh thủ xu hướng “yêu xa” bằng cách kết hợp người dùng này với người dùng đang bị phong tỏa ở địa điểm khác mà không phải trả thêm phí đăng ký.
Điều này, theo Whitlock, đã giúp trải nghiệm hẹn hò trực tuyến và video trở nên thú vị hơn, bằng cách giới thiệu mọi người từ các địa điểm và các nền văn hóa khác nhau, đồng thời là một chiêu tiếp thị thông minh để giữ mọi người tích cực trên nền tảng hẹn hò, bởi vì chỉ sau tháng lướt ứng dụng này trên điện thoại thì bạn đã “ngó nghiêng” hết những người ở gần quanh chỗ mình rồi.
Nhà văn về quan hệ tình cảm đồng thời là nhà tâm lý người Anh, Lucy Beresford, cho biết bà cũng quan sát thấy khách hàng của bà ngày càng sẵn sàng hẹn hò qua video với những người ở bên ngoài thành phố hoặc thậm chí bên ngoài đất nước của họ trong thời gian phong tỏa. Bà tin rằng trải nghiệm làm việc từ xa đóng vai trò khuyến khích mọi người linh hoạt hơn về việc xem xét sẽ hẹn hò hay sinh sống ở đâu trong tương lai.
“Tuy rằng họ có thể đã từng nói rằng: ‘Tôi sống ở London, tôi làm việc ở London, bạn đời tương lai của tôi cũng phải ở London’, nhưng có rất nhiều người đang hướng tới những lựa chọn khác,” bà giải thích. Với các nước hiện đang nới lỏng phong tỏa, hầu hết các chuyên gia hẹn hò cho rằng mọi người sẽ nhanh chóng trở lại phát triển quan hệ tình cảm ngoài đời, thay vì tập trung vào hẹn hò qua video. Tuy nhiên, có một sự đồng thuận rằng xu hướng hẹn hò video sẽ không biến mất hoàn toàn, với nhiều ý kiến cho rằng các cuộc gọi video trong trạng thái “bình thường mới” sẽ là một phần của quá trình chọn lọc trước cuộc hẹn hò trực tiếp đầu tiên.
Charly Lester, chuyên gia hẹn hò cho nền tảng The Inside Circle, đánh giá: “Mọi người sẽ kén chọn hơn nhiều… bởi vì khi gặp gỡ ai đó, bạn vẫn đang đặt mình vào thế rủi ro. Sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu bạn gọi ai đó qua Zoom để tìm hiểu xem bạn có thực sự thích người đó không, so với việc phải lãng phí hai tiếng đồng hồ trong quán bar”. Lester tin rằng tác động tài chính của đại dịch cũng sẽ thúc đẩy cuộc hẹn hò đầu tiên qua màn hình.
Theo một nghiên cứu gần đây, được thực hiện cho Elite Singles, thì chi phí trung bình cho buổi hẹn hò đầu tiên ở một thành phố toàn cầu lớn là 85 USD hồi năm 2019, không bao gồm chi phí cho trang phục mới hoặc chải chuốt. “Trước dịch, không có gì to tát khi đi hẹn hò hai ba lần với hai hoặc ba người khác nhau… Nhưng nếu thu nhập của bạn đã bị giảm, hoặc bạn đã phải nghỉ ở nhà ăn lượng trợ cấp nghỉ việc do Covid-19 thì cũng hợp lý thôi nếu bạn chuyển sang hẹn hò theo cách miễn phí hoặc càng ít tốn kém càng tốt”.
Tinder đang đặt cược vào xu hướng với việc thử nghiệm tính năng video vốn đã được chờ đợi từ lâu ở 4 bang của Mỹ hồi tháng 7-2020, cũng như ở 12 quốc gia khác. Một khảo sát cho công ty cho thấy 40% người dùng thế hệ Z cho biết họ muốn tiếp tục sử dụng video như một cách để quyết định có gặp nhau ngoài đời hay không, ngay cả khi các địa điểm hẹn hò yêu thích của họ đã mở cửa lại.
Hồi tháng 6.2020, Bumble đã giới thiệu một tính năng mới, theo đó cho phép người dùng đánh tín hiệu cho biết họ muốn một cuộc hẹn hò đầu tiên là hẹn ảo, hay là cuộc gặp đảm bảo giãn cách xã hội, kèm theo việc có đeo hoặc không đeo khẩu trang, một tín hiệu nữa cho thấy hẹn hò qua video có thể vẫn là một phần của quá trình sàng lọc đối với nhiều người.
Nhưng sau nhiều tháng dành quá nhiều thời gian lên mạng trong giai đoạn phong tỏa, một số người nói rằng trải nghiệm này thực ra đã khiến họ quay lưng lại với việc dành quá nhiều cuộc sống cá nhân lên mạng. “Hẹn hò qua ứng dụng trò chuyện video – tôi nghĩ có lẽ tôi sẽ không chơi nữa”, David Fell, 43 tuổi, một chủ doanh nghiệp người Anh ở Dubai, người đã thử hẹn hò qua video khi dịch lên đỉnh ở Dubai, nói.
Điện thoại và cuộc gọi video lên ngôi trong thời Covid-19
Hàng trăm triệu người đang bị phong tỏa trên toàn thế giới, liên lạc bằng viễn thông đang gia tăng. Mọi người đi chơi với nhau trên FaceTime trong khi làm các dự án riêng rẽ (như thể họ đang trong cùng một quán cà phê vậy), hoặc thậm chí tập hợp lại để cầu nguyện cùng nhau trong video về đêm.
Nhưng điều gì gây nên sự gia tăng các cuộc gọi này và tác động của nó là gì, nhất là đối với những người không thoải mái để nói chuyện trên điện thoại hoặc qua video? Nếu bạn không phải là týp “người thích điện thoại” thì bạn nên đối phó với cơn sốt kết nối hiện tại như thế nào? Trong hoàn cảnh bình thường, chúng ta thường tìm đến bạn bè và gia đình khi có cảm giác khẩn cấp hoặc khủng hoảng – Ami Rokach, nhà tâm lý học và chuyên gia về sự cô đơn Đại học York (Canada), cho biết.
Và do nhiều người trong số chúng ta đang bị cắt đứt các tương tác xã hội thông thường, chúng ta tìm đến các cuộc gọi điện thoại và cuộc gọi video như là lựa chọn tốt nhất khi không thể gặp được người khác. Đại dịch, Rokach nói, có nghĩa là tất cả chúng ta đều có điểm chung gì đó để trao đổi, và điều này dẫn đến sự tái kết nối: “Ngay cả khi bạn lơ là với ai đó trong nhiều năm, gần như chắc chắn mọi người sẽ nói chuyện với bạn ngay bây giờ nếu bạn nhấc điện thoại lên và gọi. Và do chúng ta có những cuộc trò chuyện sâu sắc, ý nghĩa hơn, chúng ta sẽ cảm thấy kết nối nhiều hơn với người mà chúng ta nói chuyện với.
Tuy nhiên, trong khi một số người sẽ có được sự thoải mái từ số lượng các cuộc gọi tăng lên, thì điều này lại có thể gây phiền hà cho những người khác. Cũng như những người thích nhắn tin liên tục khác, tôi chắc chắn cảm thấy lo lắng về việc phải chuyển sang nói chuyện trên điện thoại. Tôi buộc mình phải thực hiện các cuộc gọi cho công việc, nhưng sẽ tránh làm như vậy nếu có thể. Bây giờ tôi thấy mình phải thực hiện vài cuộc gọi xã hội một tuần, đôi khi nhiều cuộc gọi trong cùng một ngày”.
Jean Kim, giáo sư lâm sàng về tâm thần học Đại học George Washington, người đã viết về nỗi ghét điện thoại, nói: “Nỗi lo lắng phải dùng điện thoại là hậu quả của chứng rối loạn lo âu xã hội, vốn là một trong chứng rối loạn lo âu phổ biến nhất. Điều đặc trưng của nó là những người mắc chứng này cảm thấy sợ hãi trong các tình huống xã hội; họ có vô số những suy nghĩ tiêu cực tự động và tự chỉ trích”.
Một số người e ngại trước các tín hiệu xã hội khác nhau trên điện thoại, trong khi đối với những người khác thì việc giờ đây ta có thể dễ dàng nhắn tin và gửi email khiến họ dần bỏ thói quen gọi điện thoại, và điều đó cũng dẫn đến tâm trạng lo lắng khi sử dụng một hình thức giao tiếp ít quen thuộc hơn.
Tara Nurin, một nhà báo tự do ở New Jersey, trước kia rất hay trò chuyện qua điện thoại, nhưng về sau lo lắng trước các cuộc gọi điện sau khi email và tin nhắn chiếm ưu thế: “Nó bắt nguồn từ việc tôi sợ nói chuyện vụn vặt. Tôi sợ những cuộc trò chuyện kiểu như: ‘Cô dạo này thế nào?’ Nỗi sợ đó ngày càng lớn và cuối cùng mở rộng ra thành nỗi ghê tởm đối với chiếc điện thoại”. Tara Nurin cho biết việc cô miễn cưỡng gọi lại khiến gia đình và bạn bè bực mình và cô sẽ cảm thấy bất bình nếu có ai đó bất ngờ gọi đến.
Tuy nhiên, giờ đây, cô đã chấp nhận trò chuyện qua cuộc gọi video, một phần vì nó tái tạo trải nghiệm tiếp xúc trực tiếp và nó tạo cảm giác như ta dành một khoảng thời gian cụ thể nào đó cho việc giao tiếp xã hội. “Đó là thời gian mà tôi và bạn bè gác lại mọi thứ khác để giao lưu với nhau. Giờ đây, chúng ta không thể đi đâu, tôi đã hết sức thoải mái với nó”. Liệu điều này có thể giúp ích cho cô trong mối quan hệ với các cuộc điện thoại trong tương lai? Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra, Nurin nói.
Kim nói rằng chúng ta có thể đang trải qua dạng trị liệu tiếp xúc vô thức. “Khi mọi người kiểm nghiệm trên thực tế những gì họ sợ, họ có thể nhận ra rằng bạn bè thích nói chuyện với họ, và điều đó cũng không khác gì so với khi họ từ nhà nói chuyện với các đồng nghiệp, và đây có thể một dạng trị liệu”.
Việc chúng ta giao tiếp với nhau nhiều hơn bình thường cũng có thể giúp ích những người trước đây vốn né tránh điện thoại hoặc gọi điện video. Mikaela Levy, một nữ hộ sinh hiện đang ở nhà với chồng và 3 đứa con, nói rằng đứa con trai 13 tuổi của cô không thích nói chuyện với ông bà qua điện thoại vì nó không biết phải nói gì. Giờ đây, khi đang học từ xa và trò chuyện video với bạn bè, nó đã nói chuyện với gia đình thoải mái hơn.
Nhưng có những người bắt đầu có ác cảm với tất cả các cuộc gọi – hoặc ít nhất là họ mong muốn cách giao tiếp mới này diễn ra với các giới hạn được xác định. Teresa Lynn Hasan-Kerr, một giáo viên tiếng Anh ở Morocco, tự coi mình là người hướng nội và ghét nói chuyện trên điện thoại hoặc qua video. Cô không thích những cuộc nói chuyện lúng túng vụng về, những màn tạm biệt dài lê thê, và những lúc đứng hình khi wifi bị chậm.
Giờ đây, hình thức làm việc từ xa đang buộc cô phải nhận cuộc gọi ở nhà, và cô cảm thấy điều đó xâm phạm đời tư. “Có một Teresa của công việc, và có một Teresa khác nói chuyện với bạn trai và Teresa nói chuyện với bạn thân. Có thể đúng lúc tôi đang nói chuyện với bạn mình thì sếp gọi đến với những câu hỏi cần trả lời ngay lập tức, và điều đó không hoàn toàn cho phép chuyển đổi trạng thái tâm lý”.
Video không làm mọi việc tốt hơn. “Tôi thường làm điều gì đó ngớ ngẩn như chơi với con mèo trong khi nói chuyện, và tôi không muốn bị người khác thấy”. Và việc mọi người đều biết bạn đang ở nhà càng tạo thêm áp lực bởi “không có cớ gì để không bắt máy cả”. Mặc dù có thể trân trọng việc bạn bè muốn hỏi thăm, nhưng một số người đang vật lộn để cân bằng số lượng cuộc gọi tìm đến họ.
Denise Naughton, nhà sản xuất và nhà tư vấn video, cho biết bà đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số cuộc giao tiếp qua điện thoại và video, cả trong công việc cũng như từ bạn bè và gia đình. “Bạn bè tôi đã tôn trọng ranh giới, nhưng bây giờ tôi thấy các cuộc điện thoại và gọi video thêm nữa sau giờ làm việc đang làm cho tôi mòn mỏi”, bà cho biết. Naughton quyết định giữ đúng giờ làm việc và dành các cuộc gọi cá nhân vào buổi tối. “Tôi vẫn cần phải tìm kiếm ranh giới cho cá nhân, để tôi có thể có thời gian cho riêng mình để tiếp năng lượng, điều tôi cần có trong suốt thời gian một mình”.
Giáo sư tâm thần Kim gợi ý một chiến lược cho những người có vấn đề với nhiều cuộc gọi là dành ra thời gian nào đó cho các hoạt động như nói chuyện điện thoại và qua video. Kim cũng nói rằng việc thảo luận ngắn gọn với gia đình và bạn bè về khi nào bạn có thể nói chuyện trong thời gian tới có thể giúp cho mọi người không cảm thấy bị lơ là hoặc bực bội: “Thỉnh thoảng không nhấc máy nếu bạn cảm thấy quá bận rộn thì cũng không sao. Quản lý thời gian là một kỹ năng rắc rối đối với nhiều người. Chìa khóa ở đây là phải tập trung và có tính tổ chức càng nhiều càng tốt; bạn cần phải biết và nói cho mọi người biết về giới hạn của bạn”.
Ngay cả Hasan-Kerr cũng cho rằng mối quan hệ của bà với các cuộc gọi điện có thể trở nên tốt hơn khi quy tắc về cuộc gọi được thiết lập. “Mọi người có thể học được rằng đối với một số người họ cần gửi tin nhắn cảnh báo trước”. Rokach, trong khi đó, hy vọng rằng một khi tình hình trở lại bình thường, chúng ta sẽ nhớ cách chúng ta ưu tiên kết nối với nhau. “Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, chúng ta có thể đã xem tương tác xã hội của mình là điều hiển nhiên và là kiểu người nói rằng: ‘Tôi rất dở trong việc giữ liên lạc’. Đột nhiên, mọi người nhận thức được tầm quan trọng của việc duy trì liên lạc với nhau. Dù là liên lạc qua điện thoại hay gặp trực tiếp, tôi hy vọng điều này sẽ vẫn còn ở lại với chúng ta sau khi chúng ta thoát khỏi đại dịch”.