Vài năm trở lại đây, tham gia xuất khẩu hoa tại Lâm Đồng ngoài các doanh nghiệp FDI thì một số hộ tư nhân, doanh nghiệp địa phương cũng tìm kiếm thị trường mới thông qua liên kết hợp tác quốc tế với các nhà phân phối tại các thị trường hướng tới. Năm 2017 người trồng hoa Ðà Lạt đã xuất khẩu được hơn 300 triệu cành, chiếm 10% tổng sản lượng hoa nơi đây.
Người lo chuyện trồng, người tính chuyện bán
Năm 2017 Công ty Hoa Mặt Trời đã thành công trong việc đưa hoa lan vũ nữ đến sàn đấu giá hoa OTA lớn nhất Nhật Bản. Lan vũ nữ được ghi rõ xuất xứ Đà Lạt và được các nhà phân phối hoa của Nhật đánh giá cao. Mỗi đợt hoa đưa lên sàn đều được các nhà phân phối Nhật Bản đặt lệnh mua nhanh chóng. Ông Huỳnh Tấn Sơn, Giám đốc Công ty Hoa Mặt Trời cho biết: “Đối tác phân phối tại Nhật Bản cho biết hoa của công ty cứ đưa lên sàn là hết sạch. Các nhà phân phối có lẽ đã dự định mua hoa Đà Lạt trong phiên đấu giá nên họ ra giá rất nhanh”.
Chia sẻ về phương thức xuất hoa đến Nhật Bản, ông Tấn Sơn cho biết: “Đối tác Nhật sẽ lo tìm đầu ra, có đơn hàng sản xuất cụ thể, gợi ý loại giống phù hợp nếu đó là giống mới. Chúng tôi chuyên lo sản xuất theo đúng đặt hàng để có sản phẩm đúng quy cách. Kết thúc giai đoạn sơ chế, phía đối tác tính toán đưa hoa về Nhật”. Giám đốc Hoa Mặt Trời cũng chia sẻ hoạt động đưa hoa xuất khẩu không thực hiện từng đợt mà gối đầu liên tục. Bộ phận thương mại tại Nhật liên tục đưa đơn hàng đến Đà Lạt kèm những thông tin phân tích thị trường, thị hiếu tiêu dùng để có thể chuyển hướng sản xuất cho phù hợp. Tại Đà Lạt, người sản xuất như doanh nghiệp này sẽ chịu trách nhiệm triển khai các đơn hàng theo đúng tiến độ.
Ông Võ Quốc Huy – Giám đốc Công ty hoa Florian thừa nhận: “Thế mạnh của chúng tôi là sản xuất. Am hiểu vùng đất Đà Lạt hơn bất kỳ đối tác nào cho nên chúng tôi chỉ chuyên tâm sản xuất. Thương mại, nhất là thương mại quốc tế, một lĩnh vực chuyên biệt, người sản xuất ở Đà Lạt vẫn còn thiếu nhiều yếu tố để có thể bước chân vào”. Sau bốn năm đặt chân vào thị trường quốc tế, hiện mỗi tuần ông Quốc Huy xuất khẩu sang Nhật Bản hơn 10 ngàn cành hoa.
Ông cho rằng việc tìm đối tác không quá khó khăn, gần như hằng tháng ông đều gặp đại diện các công ty thương mại hoa đến Đà Lạt tìm những đơn vị trồng hoa có năng lực để hợp tác. “Họ luôn tìm một đối tác có thể sản xuất nhiều, có liên kết với nông hộ tại địa phương để tạo mạng lưới sản xuất với diện tích ít nhất khoảng 5 hécta trở lên”, Giám đốc Florian cho hay. Khi bắt tay vào sản xuất, đối tác phụ trách thương mại sẽ mang bộ quy tắc liên quan đến chất lượng, quy cách, bệnh dịch hoa đưa cho nhà sản xuất. Người sản xuất có trách nhiệm ứng dụng các phương thức canh tác tốt nhất để đưa ra loại hoa đáp ứng đúng với yêu cầu trong bộ quy tắc. “Làm đúng quy tắc có nghĩa cánh cửa xuất khẩu đã mở ra đến 90%”, ông Quốc Huy nhấn mạnh.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp địa phương, đa số nông dân Ðà Lạt đều có thể triển khai bộ quy tắc của nhiều thị trường xuất khẩu lớn và khó tính. Chỉ rất ít trường hợp giống quá mới, vướng nhiều thủ tục pháp lý thì phía chịu trách nhiệm xuất khẩu hoa sẽ đưa chuyên gia sang Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân.
Rào cản về bản quyền giống
Bên cạnh những bước đi khả quan, câu chuyện bản quyền giống hoa vẫn khiến đa số các đối tác nước ngoài đến Đà Lạt còn e ngại khi tiến hành liên kết với nông dân. Ông Phan Thanh Sang – Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt cho biết: “Hoa muốn xuất khẩu thì phải có bản quyền cây giống, chỉ rất ít nông dân ở Đà Lạt nhập giống có bản quyền để canh tác”.
Theo ông Võ Quốc Huy thì với thực lực hiện tại, nếu không liên kết, gần như người sản xuất hoa đứng ở thế yếu. “Thực tế, có một vài lần hoa Đà Lạt vướng nghi vấn không đảm bảo được an toàn dịch hại tại hải quan Nhật Bản. Đối tác kinh doanh tại Nhật đã can thiệp kỹ thuật xử lý sau thu hoạch để đợt hàng được thông quan. Đây là tình huống rất bình thường khi xuất khẩu hoa. Nếu không liên kết, gần như người sản xuất hoa đứng ở thế yếu trong nhiều tình huống pháp lý và ở trường hợp như thế này, nông dân chỉ còn cách nhìn hoa bị tiêu hủy và chịu phí phạt” – ông này cho hay.
Ông Trần Văn Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty Dalat Hasfarm cũng cho rằng hoạt động xuất khẩu hoa của Đà Lạt bị tắc ở khâu giống. Nông dân muốn mua giống có bản quyền thì không có thông tin. Những công ty sản xuất giống uy tín hàng đầu thế giới thì lo ngại bị sao chép giống nên không quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Theo ông Võ Quốc Khoa, Giám đốc Công ty hoa Dalat Green thì có hàng ngàn loại giống tốt đã hết thời gian bảo hộ bản quyền, nông dân có thể mua dùng miễn phí nhưng không có kênh thông tin nào để tiếp cận. Điều này đã cản đường xuất khẩu hoa ở Đà Lạt. Trong khi đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm ưu thế trong lĩnh vực xuất khẩu hoa nhờ lợi thế tiếp cận giống có bản quyền. Hiện tại, trong liên kết sản xuất hoa để xuất khẩu, nhiệm vụ tìm kiếm nguồn giống tốt, đúng thị hiếu thị trường được giao cho đối tác nước ngoài. “Sự thiếu tôn trọng bản quyền cây giống đã khiến các công ty giống hoa e dè xuất khẩu giống hoa tốt sang Việt Nam. Hiện chúng ta đang cậy nhờ niềm tin từ các đối tác để có giống trồng hoa xuất khẩu”, ông Quốc Khoa nhận xét.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết vùng hoa Đà Lạt nhập hơn 50 triệu USD giống hoa/năm. Do thiếu nguồn cung chính ngạch nên nông dân chủ yếu dùng giống do đối tác liên kết cung cấp hoặc nhập theo đường tiểu ngạch. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho rằng việc không chủ động giống có bản quyền khiến nông dân lệ thuộc vào đối tác liên kết và bị chi phối về giá xuất bán khiến lợi nhuận giảm.
Mặt khác, vì lệ thuộc nên nông dân không thể đa dạng nguồn xuất khẩu khiến thị trường xuất khẩu bị gói gọn hoặc chậm mở rộng. Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Sơn, nếu nông dân có giống bản quyền đúng thì việc xuất khẩu hoa sẽ phát triển mạnh bởi ngoài hợp tác với đối tác nước ngoài, những nhà phân phối trong nước cũng sẽ tham gia.