Trong chuyến thăm Hoa Kỳ vừa qua, khi nói đến thực trạng quan hệ thương mại giữa hai nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lấy trường hợp giày Nike như một dẫn chứng về mặt lợi ích đôi bên, mà trong chừng mực cũng là cách trả lời những than vãn của người Mỹ cho rằng làm ăn với Việt Nam, bất lợi thuộc về họ. Theo ông Phúc, hiện nay chúng ta đang xuất khẩu vào Mỹ 138 triệu đôi giày Nike mỗi năm, nếu một đôi giày có giá 100 USD thì Việt Nam chỉ hưởng lợi 22 USD, còn 78 USD là phía Mỹ hưởng. Điều này cho thấy hàng xuất khẩu của chúng ta qua hình thức gia công cho nước ngoài là một sự thua thiệt do yếu kém về công nghệ, đồng vốn, nhân lực, trình độ quản lý và lợi thế thị trường.
Một dẫn chứng khác là sản phẩm điện thoại di động hiện đang chiếm tỷ lệ 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, chủ yếu là nhờ vào đầu tư quy mô lớn của Samsung với hệ thống 80 nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng đến từ chín quốc gia. Tuy nhiên số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng cho Samsung chưa đến 10%, rõ ràng giá trị gia công trong sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam là rất thấp, trong khi những năm qua doanh nghiệp này xuất siêu rất lớn. Chỉ riêng năm tháng đầu năm 2017, mặt hàng điện thoại và linh kiện xuất khẩu đạt 5 tỉ USD.
Việc thu hút tràn lan và thiếu kiểm soát các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang khiến nền kinh tế chúng ta ngày càng lún sâu vào tình trạng làm gia công, ảnh hưởng đến lợi ích thực sự về xuất khẩu, đồng thời khiến các ngành kinh tế có khả năng thu hút nhiều lao động ngày càng lâm vào cảnh khoanh vùng.
Bên ngoài sự hào nhoáng của sản phẩm xuất khẩu mang dòng chữ “made in Vietnam”, sự hiện diện của chúng ta trong chuỗi giá trị đó rất mờ nhạt. Chúng ta chỉ cung ứng cho các nhà đầu tư nước ngoài những gì mà họ không nhập được như hạ tầng, điện nước, vận tải, vệ sinh, ăn uống, cảnh quan. Ngay cả nguồn tài nguyên nhân lực chúng ta chỉ mới cung ứng phần lớn lao động phổ thông, còn nhân lực chất lượng cao thì vẫn còn hiếm hoi, tất nhiên trong đó có sự yếu kém về khả năng cung ứng nguồn lao động này.
Báo cáo kinh tế Việt Nam 2016 của nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế Quốc dân do Giáo sư Trần Thọ Đạt và Giáo sư Ngô Thắng Lợi làm chủ biên đã nhận định nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhờ vào gia công. Điều này hoàn toàn đúng khi nhìn vào một số ngành công nghiệp Việt Nam.
Điển hình như ngành công nghiệp ôtô. Bất chấp các nghị quyết, những kế hoạch tăng tỷ lệ nội địa hóa là không đáng kể trong 30 năm qua, mới chỉ dừng lại ở 7 – 10%.
Ngay cả các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ các lĩnh vực sản xuất khác cũng chưa thực sự tạo ra những giá trị mà lẽ ra thuộc về ưu thế của chúng ta.
Đã có nhiều dẫn chứng cho thấy điều này, như nhận định của Tiến sĩ Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) rằng chất lượng gạo Việt Nam “bán sang châu Phi còn bị từ chối”, trong khi Việt Nam là một trong số các quốc gia có sản lượng lúa gạo lớn nhất thế giới năm 2016 với sản lượng 28,2 triệu tấn.
Năm 2016, trong số hơn 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Mỹ thì cũng chỉ có một công ty được chấp nhận, còn lại đều bị từ chối bởi chất lượng gạo không đạt chuẩn do doanh nghiệp chưa tham gia chuỗi công nghệ cao, tư duy tiểu nông dễ chấp nhận làm thuê hoặc gia công cho nước ngoài.
Nhiều chuyên gia đã từng nói đến sự nghèo nàn của gạo nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung. Không có những sản phẩm đa dạng đáp ứng nhu cầu của những thị trường phân khúc cao. Từ điều, cà phê đến các loại hoa quả khác đều dừng ở mức nguyên liệu thô. Một vài thương hiệu đã hướng đến thị trường khó tính, nhưng sản phẩm chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Chính việc nền kinh tế ngày càng tiến theo xu hướng gia công hóa ở một quy mô ngày càng lớn, là lý do khiến cho khá nhiều ngành kinh tế trong nước bị thui chột. Các nhà làm chính sách đã nói nhiều đến ngành công nghiệp phụ trợ, một lĩnh vực được kỳ vọng sẽ tăng tốc nhanh chóng sau khi làn sóng đầu tư FDI đổ vào nền kinh tế thông qua chuyển giao công nghệ và cung ứng linh kiện cho các dự án này. Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2020 của Việt Nam là có khoảng 1.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, những con số thống kê đáng tin cậy cho thấy mục tiêu này đang quá xa vời với năng lực và sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Chẳng hạn như kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử năm 2015 là 57 tỉ USD, thì lại diễn ra theo chiều ngược lại kim ngạch nhập khẩu các linh kiện phụ tùng phục vụ cho lĩnh vực này cũng đã lên tới 54 tỉ USD.
Nói cách khác, gần như toàn bộ linh kiện cần thiết phục vụ cho các ngành sản xuất lắp ráp điện tử trong nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại là đến từ nhập khẩu, phần đóng góp của các doanh nghiệp trong nước trong việc cung cấp các linh kiện này gần như là rất thấp, không đáng kể.
Theo thống kê của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thì tỷ lệ linh phụ kiện mua tại chỗ của các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam là 32,1%, nhưng phần lớn trong số đó là từ các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, còn tỷ lệ mua từ các doanh nghiệp trong nước thì chỉ đạt tỷ lệ là 13,2% mà thôi.
Tỷ lệ nội địa hóa này thấp hơn nhiều so với tại các nước lân cận như Trung Quốc là 64,7%, Thái Lan là 55,5%, Indonesia là 40,5%. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này một phần là do xu hướng gia công hóa ngày càng tăng lên, trong khi các quy định về chuyển giao công nghệ và bắt buộc thiết lập liên doanh với các doanh nghiệp nội địa vốn là nền tảng của nội địa hóa và phát triển công nghiệp phụ trợ bị coi nhẹ.
Hiện nay đã xuất hiện ngày càng nhiều các dự án FDI thay vì đưa vốn vào thì họ lại vay vốn từ các ngân hàng trong nước để tiến hành sản xuất. Theo thống kê chưa đầy đủ của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay với các doanh nghiệp FDI đã lên tới khoảng 100.000 tỉ đồng, và ngày càng có nhiều ngân hàng thương mại dành ra các khoản vốn lớn cho doanh nghiệp FDI vay.
Điều này không những trực tiếp phá vỡ nguyên tắc về đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp FDI phải sử dụng nguồn vốn từ bên ngoài, mà còn đang thúc đẩy xu hướng gia công hóa ngày càng tăng lên, khi mà hầu hết các dự án FDI được vay vốn trong nước ít bị ràng buộc các yêu cầu về công nghệ hay sử dụng lao động trình độ cao.
Xu hướng gia công hóa nền kinh tế này chắc chắn sẽ không dừng lại, thậm chí sẽ còn tăng rất nhanh khi mà tổng vốn đầu tư FDI trong ba tháng đầu năm 2017 lên đến 7,71 tỉ USD, tăng 77% so với cùng kỳ năm 2016. Chúng ta cần cảnh giác những hệ lụy nếu không nhanh chóng có biện pháp đồng bộ để thoát khỏi thân phận gia công.
- Trần Đại Lộc