Theo kết quả điều tra đã được Bộ Y tế công bố sau khi kiểm tra thức ăn bán trên đường phố, vỉa hè tại nhiều tỉnh thành lớn trong cả nước, hầu hết thức ăn bày bán ở các hàng quán này đều bị nhiễm E.Coli – loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Bán hàng vỉa hè nhằm phục vụ cho đông đảo thực khách bình dân là hình thức kinh doanh tự phát, lan rộng ở khắp nơi nhưng chưa được quản lý, kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, nếu người tiêu dùng không có ý thức tự bảo vệ sức khỏe thì khả năng bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm bệnh đường ruột và các loại giun, sán qua thức ăn bày bán trên vỉa hè rất cao.
Hàng rong vỉa hè: tìm đâu chẳng thấy!
Hàng quán vỉa hè ít khi vắng khách vì địa điểm tiện lợi, thoải mái, mát mẻ, lại có nhiều món ngon, hợp khẩu vị, giá bình dân. Nó lôi kéo được nhiều người, nhất là giới trẻ, thậm chí cả giới nhân viên văn phòng tụ tập ăn uống, chuyện trò sau giờ học, giờ làm. Giới trẻ, dân văn phòng thường ăn vặt vào buổi trưa, xế chiều, trong khi đó dân nhậu thì tập trung tầm sau giờ tan sở đến tận khuya. Điều đáng nói là chất lượng vệ sinh của những hàng quán này không đảm bảo, thậm chí là ổ lây lan dịch bệnh. Cảnh thường thấy trên vỉa hè, ngõ hẻm ở các thành phố là vô số hàng quán được bày bán vô tư, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng bất cứ lúc nào, còn các xe đẩy di động, gánh hàng rong luôn có mặt “trên từng cây số”, từ cổng trường học, chợ, bệnh viện, xung quanh các khu dân cư, nhà máy, công ty… Là hàng quán dã chiến nên thức ăn được đựng trong những túi nylon hoặc khay nhựa đặt trên thùng xốp, mấy viên gạch kê tạm bợ rồi bày ngay trên vỉa hè, sát đường đi, không cần che đậy, mặc khói xe, bụi đường. Người bán hàng không đeo găng tay, hoặc có đeo thì cũng chiếu lệ vì hai tay luôn bận bốc thức ăn và nhận tiền, thối tiền cho khách. Thức ăn đường phố, hàng rong còn có tỷ lệ dùng các chất bảo quản, chống mốc, phụ gia không an toàn rất cao, chiếm 85,6%.