Trong bốn ngày từ 23 đến 26-9 vừa qua, Thị trưởng Khu Tài chính London David Wootton dẫn đầu đoàn doanh nghiệp Anh đã thăm và làm việc tại Việt Nam, gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Anh tại Việt Nam và nhiều doanh nghiệp trong nước. Nhân dịp này, ông David Wootton đã dành thời gian trò chuyện với Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần về chuyến công tác Việt Nam đầu tiên của mình.
Ông có thể cho biết về thành phần của đoàn doanh nghiệp cùng đi với ông lần này và mong muốn đạt được của họ sau chuyến đi?
Đoàn doanh nghiệp đến Việt Nam năm nay gồm các đại diện đến từ những hãng luật và kế toán hàng đầu Vương quốc Anh cũng như các cơ quan đầu tư và ngành nghề. Họ đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư và kinh doanh, để biết nhiều hơn về Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức. Những mối quan hệ được thiết lập từ chuyến công tác này sẽ giúp hiện thực hóa kế hoạch đưa kim ngạch thương mại song phương Việt – Anh lên 4 tỉ USD trong năm 2013, cũng như tăng cường đầu tư trực tiếp của Anh vào Việt Nam. Đặc Khu Tài chính London là một địa chỉ lý tưởng dành cho các công ty Việt Nam tìm kiếm cơ hội phát triển kinh doanh tại châu Âu vì đây là nơi tập trung dòng vốn của cả thế giới cũng như các nhà đầu tư toàn cầu. Một số doanh nghiệp hàng đầu cung cấp các dịch vụ tài chính cho Khu Tài chính London cũng tham gia trong đoàn công tác Việt Nam lần này.
Theo ông, có những cơ hội nào chờ đón một doanh nghiệp Việt Nam tại Sàn chứng khoán London?
Năm ngoái, Hoàng Anh Gia Lai đã trở thành công ty Việt Nam đầu tiên niêm yết trên sàn Chứng khoán London (LSE). Hoàng Anh Gia Lai đã huy động được khoảng 60 triệu USD. Trung tâm Giao dịch Chứng khoán London vẫn là sàn chứng khoán mang tính quốc tế nhất thế giới với 3.000 công ty từ 110 quốc gia niêm yết và giao dịch trên sàn. Với các công ty muốn huy động vốn, London tiếp tục là một địa chỉ hàng đầu dành cho các doanh nghiệp có tham vọng trên khắp thế giới. Đến với London, các doanh nghiệp được tiếp cận với bể vốn quốc tế không nơi nào có được, các dịch vụ tư vấn sâu rộng, được đứng cạnh những công ty toàn cầu. Ngoài ra, London cũng không có đối thủ trong lĩnh vực hỗ trợ các công ty lớn nhỏ. Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều công ty từ Đông Nam Á theo bước Hoàng Anh Gia Lai để niêm yết tại đây.
Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã phủ bóng đen xuống cả khu vực này, trong đó có cả Vương quốc Anh. Ông có thể nói gì để người ta có cái nhìn tươi sáng hơn về Khu Tài chính London cũng như lĩnh vực tài chính của Anh?
Vương quốc Anh vừa trải qua một giai đoạn khó khăn nhưng so với một số quốc gia khác, chúng tôi vẫn ở vị thế khá vững vàng. London vẫn là một nơi tuyệt vời để kinh doanh và hiện được xếp hạng cao nhất trong danh sách các trung tâm tài chính toàn cầu. London đạt được điều này khi Anh tiếp tục các nỗ lực củng cố khung pháp lý để bảo đảm nước Anh vẫn là một đất nước cởi mở, ổn định và minh bạch về giao thương.
Tất nhiên, các quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là những đối tác quan trọng của ngành dịch vụ tài chính của Vương quốc Anh; chúng tôi hy vọng Eurozone sẽ sớm vượt qua những khó khăn hiện tại. Tuy vậy, Khu Tài chính London vẫn có một tầm nhìn mang tính quốc tế rộng lớn và có những mối quan hệ hợp tác với các quốc gia trên toàn thế giới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi có một vị trí ít người có được khi hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam khi Việt Nam tiếp tục mở rộng kinh doanh ở tầm quốc tế.
Một câu hỏi cá nhân: Ông bị cuốn hút bởi điều gì ở Khu Tài chính London?
Tất cả dịch vụ của Khu Tài chính London mang lại cho các cư dân, khách tham quan và những ai làm việc tại đây, cũng như các nghĩa vụ quốc gia và quốc tế của Khu Tài chính đều rất độc đáo, khiến cho việc trở thành một phần của tổ chức này là một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời.
Với vị trí là Thị trưởng Khu Tài chính London, tôi có vai trò đại sứ cho lĩnh vực dịch vụ tài chính của Vương quốc Anh. Tôi dùng khoảng 100 ngày trong năm cho các chuyến công tác đến 30 nước; mục đích của các chuyến đi này là kêu gọi các nền kinh tế đang lên huy động vốn tại London; mở ra các thị trường mới cho các doanh nghiệp tại Đặc Khu Tài chính London và mở ra những cánh cửa tiếp xúc cao nhất cho đoàn doanh nghiệp cùng đi.
Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các Dự án hợp tác công tư (PPP) đã bày tỏ sự lo ngại trước hai vấn đề: (1) Các đối tác công không phải lúc nào cũng năng động thúc đẩy dự án đi đúng tiến độ, khiến cho quá trình thực hiện dự án bị kéo dài và không hiệu quả; (2) Khó khăn trong việc thống nhất phương thức khai thác các công trình ra đời theo hình thức hợp tác công tư. Ông có thể chia sẻ điều gì về điều này?
Không ai muốn dành tất cả nguồn lực và đầu tư của mình vào một dự án khi chưa có niềm tin rằng dự án đó sẽ được thực hiện. Cần phải có một cam kết thực sự của chính quyền trung ương và địa phương để bảo đảm một khi đã được khởi động thì dự án đó sẽ nhận được những hỗ trợ cần thiết cho đến lúc hoàn thành. Tìm ra một cách để đầu tư cho một dự án lớn theo hướng bền vững về tài chính vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Các cơ quan nhà nước không thể lúc nào cũng tự chi trả cho các dự án lớn. Họ cần phải tìm ra những cách mới để thu hút vốn cho các dự án phát triển hạ tầng thông qua việc tham gia vào những mối quan hệ đối tác với các nhà cung cấp vốn, các công ty xây dựng, đồng thời thể hiện cam kết thu hút các doanh nghiệp. Lĩnh vực tài chính Vương quốc Anh có nguồn vốn dành cho những dự án như vậy cũng như kinh nghiệm lâu năm của chúng tôi trong việc sử dụng các mối quan hệ đối tác công tư để xây dựng, duy trì và vận hành các dịch vụ và cơ sở hạ tầng. Trong chuyến công tác tại Việt Nam lần này, tôi hy vọng sẽ có thể tìm hiểu xem Vương quốc Anh sẽ làm thế nào để tận dụng tốt nhất nguồn lực và kỹ năng của Đặc Khu Tài chính London trong việc hỗ trợ sự phát triển và lớn mạnh của Việt Nam.
Chân thành cảm ơn ông.
• Đức Bình thực hiện
• Khu tài chính London – The City of London là khu vực rộng khoảng một dặm vuông Anh (1 dặm = 1,6km) nằm ở trung tâm thủ đô London. Khu Tài chính London có dân số khoảng 7.000 người nhưng số người làm việc tại đây lên tới 316.700. Nơi đây tập trung trụ sở của nhiều công ty toàn cầu như Prudential, Standard Chartered, Unilever. Cùng với New York, Khu Tài chính London giữ vị trí trung tâm tài chính hàng đầu thế giới.
• Thị trưởng Khu Tài chính London và Thị trưởng London là hai chức danh khác nhau. Nếu như Thị trưởng London được trả lương và có nhiệm kỳ kéo dài bốn năm, thì Thị trưởng Khu Tài chính London không được trả lương và nhiệm kỳ chỉ kéo dài một năm. Thị trưởng Khu Tài chính London là người đứng đầu City of London Corporation, công ty giữ vai trò quản lý Khu Tài chính, cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho lĩnh vực tài chính của London, cung cấp các dịch vụ đặc biệt cho London cũng như Vương quốc Anh nói chung. Cho đến nay, chức danh Thị trưởng Khu Tài chính London đã tồn tại hơn 800 năm. Trung bình, mỗi tháng Thị trưởng Khu Tài chính London sẽ gặp gỡ với một nguyên thủ, mỗi tuần gặp gỡ với một thủ tướng hoặc một bộ trưởng tài chính, mỗi năm thực hiện 700 bài diễn thuyết trong nước và trên thế giới.
• Ông David Wootton, năm nay 62 tuổi, được bầu làm Thị trưởng Khu Tài chính London từ tháng 11-2011. Xuất thân là một luật sư chuyên tư vấn về mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, huy động vốn, IPO, tái cơ cấu doanh nghiệp, ông David Wootton hiện là thành viên điều hành hãng Luật Allen & Overy – một trong những hãng luật cao cấp nhất thế giới với 5.000 nhân viên và 40 văn phòng tại 28 quốc gia trên thế giới.