“Cổ ngọc Việt Nam” là một chuyên đề đặc biệt lần đầu tiên được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tổ chức và đang được trưng bày cho khách trong nước và quốc tế đến xem.
Triển lãm giới thiệu một phần nhỏ (140 hiện vật) trong kho tàng bảo vật vô giá của bảo tàng, những bảo vật có từ thời tiền – sơ sử cho đến đầu thế kỷ 20.
Khách thưởng ngoạn hẳn phải ngạc nhiên khi được ngắm nhìn những công cụ làm việc hay đồ trang sức: chiếc vòng tay, hạt chuỗi, hoa tai… được chế tạo bằng ngọc nephrite màu vàng, trắng hay xám xanh được mài nhẵn với những nét chạm tinh tế từ thời tiền – sơ sử được các nhà khoa học tìm thấy ở các di chỉ văn hóa ở vùng ven biển đông bắc và vùng núi phía bắc.
Các đồ trang sức, công cụ làm việc, vũ khí và tượng nghệ thuật bằng ngọc của giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên (cách ngày nay 4.000-3.500 năm) được trưng bày ở đây cho thấy thời kỳ này đồ ngọc đã khá phổ biến với những kỹ thuật chế tác hoàn hảo.
Nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng, văn hóa Phùng Nguyên xứng đáng được mệnh danh là văn hóa đồ ngọc bởi việc sử dụng phổ biến và thành thạo đồ ngọc trong đời sống của cư dân đương thời.
Cổ ngọc thời Lê – Nguyễn là phần chiếm số lượng lớn nhất trong sưu tập, niên đại tập trung từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20. Ngoài phần sưu tầm trước năm 1954 của Bảo tàng Louis Finot, phần chủ yếu có nguồn gốc từ cung đình Huế. Đây là cổ ngọc nằm trong số bảo vật triều Nguyễn được Chính phủ tiếp nhận sau Cách mạng tháng 8 năm 1945.
Nhóm cổ ngọc đặc biệt quan trọng là 18 chiếc ngọc tỷ bao gồm hai chiếc thuộc thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 18); ba chiếc đời vua Minh Mạng; ba chiếc đời vua Thiệu Trị; hai chiếc đời vua Tự Đức; hai chiếc đời vua Khải Định và sáu chiếc thuộc loại Đồ thư văn bảo như cách gọi của sách Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ.
Những ngọc tỷ này được chạm khắc, mài giũa, với các màu sắc xanh sẫm, xanh nhạt hay trắng. Những bảo vật ở cung đình Huế, ngoài những chiếc ngọc tỷ kể trên còn có rất nhiều báu vật khác bằng ngọc: Chậu nạm vàng; thẻ, kiếm chuôi ngọc nạm đá quý, nghiên mài mực, tranh, thủy trì (đồ đựng nước rửa bút), hộp đựng đồ trang điểm, đỉnh, bàn cờ, bộ đồ ăn trầu, ấm chén…
Kỹ thuật chế tác không chỉ dừng ở sự tinh tế, hoàn hảo mà còn thể hiện quyền lực của các chủ nhân: có chạm khắc rồng, phượng, kim quy, hoa sen, hoa cúc…
TS Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nhận xét: Triển lãm không chỉ giới thiệu những bảo vật truyền quốc mà còn khẳng định nguyên liệu ngọc quý đã tìm được ở nước ta và kỹ thuật tạo tác do chính những nghệ nhân cung đình Huế dưới triều Nguyễn thực hiện.
- Xem thêm: Bảo vật quốc gia Việt Nam
Các nhà sử học cho biết, người Ai Cập quan niệm ngọc là những giọt máu của rồng. Người Trung Quốc coi ngọc là vật đứng đầu trong “tứ đại quý”.
Chính vì sự hiếm quý đặc biệt đó mà ngay từ thời cổ đại, ngọc đã trở thành biểu tượng của quyền lực, giàu sang, vẻ đẹp và sự cao quý. Không chỉ có vậy, ngọc còn được nhiều người tôn sùng vì những tác dụng và ý nghĩa thần bí.
Người xưa tin rằng, ngọc có những tính năng siêu phàm như trị bệnh, giúp trường sinh bất lão, mang lại phúc lành…
Với những ý nghĩa trên, những cổ ngọc đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho thấy một di chỉ văn hóa vàng son của dân tộc trải dài từ hậu kỳ thời đại đá mới (thời tiền – sơ sử) cho đến đầu thế kỷ 20. Việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử ấy, âu cũng là cái cách thời nay chúng ta giữ gìn hương hỏa vang bóng một thời của tổ tiên để lại.