Sưu tập đồ cổ là một thú chơi rất lạ, một khi đã “dính” vào thì khó lòng dứt ra được, thậm chí còn phải chịu đánh đổi nhiều thứ. Người ngoài cuộc thường không hiểu, cho rằng ai mê đồ cổ là “dở hơi, chơi ngông”, nhưng thật ra do họ đam mê đến… kỳ quái.
Trong số những người đam mê đó, Phạm Ngọc Dũng (biệt danh “Dũng râu”) – tay chơi đồ cổ có tiếng ở đất Bắc, là “ngông” nhất.
Gần 30 năm nay, anh theo đuổi thú đam mê tận cùng với gốm cổ. Anh không bao giờ bán lại cổ vật đã sưu tập, nhưng sẵn lòng tặng hàng mấy trăm món cho các bảo tàng, trường đại học…
Từ năm 2006, Phạm Ngọc Dũng chuyển vào Nam sinh sống, giảng dạy tại Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, nhưng ngôi nhà ở Hà Nội vẫn là nơi anh tụ tập bạn bè mỗi khi trở về.
Một sáng ở Sài Gòn, tiếp chúng tôi trong căn nhà thuê, dù đang bận hoàn thành luận án tiến sĩ văn hóa học với công trình nghiên cứu “Gốm cổ trong đời sống văn hóa Việt Nam”, anh kể chuyện mấy mươi năm truân chuyên cùng gốm.
Đến với gốm từ một cơ duyên rồi càng chơi, Dũng râu càng phát hiện ra những vẻ đẹp của gốm. Anh phân tích: “Ý nghĩa lớn nhất của việc sưu tập đồ cổ là để bảo tồn và gìn giữ văn hóa dân tộc, mà gốm chính là một thứ ngôn ngữ tiêu biểu của người Việt.
Bản thân gốm mang nhiều dấu ấn lịch sử, là tinh hoa văn hóa và cả hồn dân tộc. Xét về mặt mỹ thuật và kỹ thuật, gốm đều có những nét rất độc đáo. Nếu nhìn những thứ đồ cổ khác bằng cái đầu thì phải nhìn gốm bằng trái tim mới thấy hết vẻ đẹp của nó”.
Hóa ra, bên ngoài cái vẻ “râu hùm hàm én” khá hầm hố, trong anh là tính mô phạm của một nhà giáo và sự tinh tế, nhạy cảm của một tâm hồn nghệ sĩ luôn rung cảm trước cái đẹp của nghệ thuật và văn hóa dân tộc.
Gia đình anh không ai chơi đồ cổ, nhưng từ nhỏ anh thấy trong nhà trưng bày một số vật dụng cổ như chén, dĩa, bình… vốn là đồ của ông bà xưa truyền lại.
Anh ngắm những món đồ ấy không biết bao nhiêu lần, càng ngắm càng thấy mê, nó làm ngôi nhà phảng phất nét cổ kính mà sang trọng.
Thế nhưng những năm chiến tranh 1968-1972, sau khi sơ tán trở về nhà, những món đồ cổ đều thất lạc. Anh nghĩ khi có điều kiện sẽ tìm mua lại những món đồ thân thuộc của gia đình.
Đa đoan cùng những đam mê
Ở Hà Nội, Dũng râu khá nổi tiếng bởi tính đa đoan, lắm tài nhiều tật. Trước khi chơi đồ cổ, anh đã là võ sư của phái Vĩnh Xuân, là thầy của rất đông môn đồ.
Nghiệp văn của anh còn dài hơn: sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội rồi Đại học Sân khấu Điện ảnh, anh làm diễn viên, đạo diễn, viết kịch bản, thành danh với nghệ danh Phạm Dũng.
Sau đó, anh trở thành giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Công việc cứ cuốn anh đi, nhưng rồi như là duyên nợ, tình yêu với gốm đã đến, đánh thức niềm đam mê trong anh.
Năm 1980, trong một lần cùng đoàn làm phim về vùng quê tỉnh Hà Sơn Bình (nay thuộc tỉnh Hòa Bình), anh ghé vào một quán nước ven đường, tình cờ thấy chủ quán kê chân bàn bằng bốn cái chén to màu cỏ úa cũ kỹ.
Như có linh tính mách bảo, anh ngỏ ý xin mua. Ông chủ quán ngạc nhiên lắm, nói rằng ở nhà còn năm cái nữa và chạy về lấy.
Chín cái chén được anh mua với giá mỗi cái 1 ngàn đồng! Về nhà, anh mang đến hỏi ông hàng xóm là nhà văn Lê Phương – một người sưu tập và nghiên cứu đồ cổ, mới biết đó là gốm cổ thời Lý.
Được ông bạn vong niên hướng dẫn, anh thấy yêu gốm hơn: cốt cách “quân tử” của gốm không bóng bẩy, cầu kỳ, chuẩn mực nhưng rất tinh tế, bay bổng, ngẫu hứng, hợp với cách chơi của nghệ sĩ.
- Xem thêm: Bảo Toàn: hành trình với gốm Việt
Bước vào con đường sưu tập gốm cổ, nghề dạy nghề, anh mày mò học và tự rút kinh nghiệm. Hà Nội bấy giờ chưa nhiều người hiểu được giá trị của đồ cổ, nên anh mới mua được nhiều.
Bà con họ hàng ai còn giữ được vài món đồ gốm cổ là anh đến xin đổi. Có những vật đào được, người ta không biết làm gì, vứt ngoài vườn, làm chậu trồng hoa để ngoài sân, đã được bán cho anh với giá rẻ hoặc cho không!
Cứ thế mà đủ món đồ gốm cổ, từ khạp, chậu, chum, tượng, vò, bình, chén, dĩa thời Lý, Trần, Lê… lần lượt tề tựu trong bộ sưu tập của anh.
Cũng không ít lần anh ngậm ngùi tiếc rẻ vì dốc hết túi vẫn không đủ tiền mua đồ cổ. Dịp nọ, nghe ở Quảng Ninh có người đào được cặp bình gốm, anh tức tốc tìm đến thì người ta đã bán.
Hơn một năm sau, khi đến chơi một cửa hàng bán đồ sứ của người quen ở Hà Nội, anh hỏi bâng quơ có “đồ đào” nào để lại cho anh chơi không thì người chủ lôi từ gầm giường ra đôi bình gốm, nói là mua của người đào được ở Quảng Ninh.
Vừa nhìn thấy cặp bình, anh mừng hơn bắt được vàng, biết rằng đó chính là vật mua hụt từng khiến anh mất ăn mất ngủ.
Hai chiếc bình có vết đọng men màu xanh nhớt đổ dài từng vệt từ cổ bình xuống – một lỗi trong quá trình nung gốm của người thợ xưa nhưng vô tình đã cho ra một tác phẩm tạo hình độc đáo.
Không đem đủ tiền mặt, anh chạy đi mượn gấp để trở lại mua mà cứ thấp thỏm, sợ một lần nữa cổ vật vuột khỏi tay mình.
Vậy nên anh tin cổ vật có hồn, ai có duyên mới giữ được. Cứ thế, làm được có bao nhiêu tiền anh đều “nướng” cả vào việc sưu tập.
Chơi để cùng hiểu rộng biết nhiều
Sau khi đã tặng cho Bảo tàng Phụ nữ, Viện Văn hóa dân gian, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh tổng số hơn 700 món cổ vật, hiện bộ sưu tập của anh còn khoảng hơn 1.600 cổ vật gốm đủ các loại, nhiều nhất là chén dĩa, bình, chum, vại và cả đồ tùy táng có niên đại trải dài từ thế kỷ 1 đến 19.
Với suy nghĩ “cái mình biết thì nên chia sẻ để không lãng phí”, anh đã tập hợp tư liệu để lên kế hoạch viết sách về bộ sưu tập của mình.
Chuyện anh tặng cổ vật cũng làm nhiều người thắc mắc, không hiểu tay “ngông” này toan tính điều gì. Anh cười: “Tôi chơi cổ vật là để thỏa mãn thú đam mê của mình, cũng là cách gìn giữ văn hóa, tri ân công lao tiền nhân đã tạo nên những cái hay, cái đẹp cho đời.
Càng nhiều người cùng làm việc này sẽ càng tốt, nên tôi luôn muốn chia sẻ đến những người có thực tâm trân trọng, yêu quý đồ cổ và nhất là dùng mẫu vật để học tập, nghiên cứu”.
- Xem thêm: Tình Óc Eo
Còn nhớ năm 1997, anh được mời đi Quảng Châu (Trung Quốc) để dự hội thảo về bảo tồn văn hóa.
Anh băn khoăn tự hỏi, tại sao ở Việt Nam không ai thành lập một sân chơi lành mạnh trong việc sưu tập cổ vật để mọi người cùng tham gia, tránh cảnh “tranh tối tranh sáng”, thật giả lẫn lộn.
Vậy là anh đứng ra vận động thành lập hội chơi cổ vật ở Hà Nội, lấy tên là Hội Cổ vật Thăng Long, chính thức ra mắt vào tháng 6-1999. Đó là hội cổ vật đầu tiên trong cả nước, ra đời trước khi Luật Di sản ban hành (năm 2001).
Thường được mời tham gia nói chuyện về sưu tập cổ vật, câu hỏi làm Dũng râu… mất hứng nhất là tại sao anh lại chọn sưu tập gốm, mà không phải những thứ đồ cổ khác.
Lúc ấy, cái máu nhân sĩ Bắc Hà khiến anh hay tếu táo: “Chơi đồ cổ cũng giống như tình yêu vậy, một khi giải thích được lý do vì sao lại yêu thì không còn là tình yêu nữa, mà chỉ là sự cân đo đong đếm thiệt hơn mà thôi”.
Nhưng đó chỉ là cách nói với người bàng quan, hỏi cho có, còn với ai đồng điệu thì anh sẵn sàng trút lòng mình.
Với anh, chơi cũng là một cách thể hiện phong cách, sống làm sao thì chơi cũng vậy nên phải chọn cách chơi nào làm mình thấy “đã” nhất. Ngày ngày văn ôn võ luyện, còn thú chơi với Dũng râu thì chỉ có gốm cổ là nhất.