Đó là từ dùng của một… chân dài. Không phải cô nói về lịch sử các triều đại, mà kể chuyện bố cô. Bố cháu dại lắm. Đang ngồi ở chỗ chức ngon, có tiền ở một đơn vị quốc doanh. Tự nhiên có một ông trẻ thuộc hạng “con ông cháu cha” về, thế là thay đổi hết. Các bố già xưa lẫy lừng một cõi, nay anh ta thay gần hết.
Cánh trẻ cỡ tuổi bốn mươi không có thói quen sợ sệt lớp cán bộ cũ. Họ có chuyên môn, dù “kinh nghiệm trận mạc” chưa bằng, nhưng có tiếng Anh, vi tính. Nhiều anh còn chịu khó làm cái thạc sĩ, tiến sĩ nữa là các bố già phải nể rồi.
Lớp trẻ nay đã đến lúc chuẩn bị “nắm chính quyền” và ân oán cũ từ cái thời mới vào họ đều ghi nhớ. Thế là anh ta định đưa bố cháu qua tận… bên Lào. Nói là sẽ mở chi nhánh lớn về chuyên môn bên đó, cần những người tài giỏi, có kinh nghiệm.
Khi cần điều bố cháu đi thì anh ta ca ngợi hết lời, cho rằng chẳng có ai làm tốt được bằng. Cũng lạ, người như bố cháu cũng dữ dằn lắm mới ngồi lâu ở cái ghế đó, mà vẫn còn cả tin.
- Xem thêm: Thấm đòn về hưu
Bố cháu về nhà khoe là cơ quan chọn mãi nhưng không ai đủ tiêu chuẩn cả, thành ra bố cháu là nhân vật quan trọng. Thế là sướng và có phần tự hào. Cháu nói bố ơi là bố, họ muốn bố đi đày, nên mới bơm lên như vậy. Chứ đến một nơi xa xôi lập nghiệp là khó đủ thứ.
Mà thiên hạ sẽ quên ngay kẻ ngồi một xó. Cháu nói bố là phải gọi ngay cho bác Chính, bác ấy là anh ruột bố cháu, đang làm ở một cơ quan có “sức nặng” lớn, “a lô” một cái là khối kẻ vâng lời tăm tắp. Chỉ cần bác nói “anh có cậu em ruột đang làm ở…” là đám cấp dưới phải coi lại. Không ai dám đụng vào “đế chế” vững mạnh cả.
Ở đâu cũng có đám người xây dựng đế chế của mình. Nhiều khi đế chế quên cả… luật pháp. Ở trường tư thục nọ đó thôi. Đế chế trong trường có các trưởng khoa, trưởng phó ban ủng hộ chủ tịch hội đồng quản trị, cô lập hiệu trưởng, tưởng là “tiêu diệt” được đến nơi.
Họp hành gì cũng áp đảo, ông chủ tịch công đoàn bị mắng thẳng là “tay sai hèn hạ” không đứng ra bảo vệ người lao động, quá mù ra mưa, ông cứ trơ mặt nói năng cũng chẳng thèm giữ lời. Kiện tụng đơn từ mãi, cấp trên về kiểm tra, “đế chế vững mạnh” bị dồn vào thế bí, bèn huy động lực lượng bao vây nhốt cả đoàn kiểm tra lại! Chuyện đó không chỉ xảy ra ở một nơi cá biệt nào. Đế chế mạnh lắm.
Rồi chuyện ông giám đốc có hẳn “bè lũ bốn tên”, “bè lũ bảy tên, tám tên”… tùy từng nơi. Người này năm ngoái còn ở trong ê-kíp, năm nay đã thất sủng văng ra ngoài. Một ông phó giỏi chuyên môn, trí thức hẳn hoi vẫn cam tâm hầu hạ một ông sếp chẳng biết gì.
Lý lẽ là: Ông ta kém về chuyên môn nhưng đế chế lại mạnh, và quan trọng là vẫn cho mình vào hàng ngũ của đế chế, có lộc và như vậy là ông ta giỏi. Cái giỏi của người lãnh đạo là đi kiếm chác được nhiều mối lợi, quan hệ rộng tạo sức mạnh cho đế chế bền vững, biết “đối xử” đẹp lòng cấp trên, còn cấp dưới phải nể sợ dù có ghét cũng chỉ chửi thầm chứ nói xấu sau lưng cũng không dám (vì sợ đám tay sai xung quanh đi tâu hót – thời buổi này chẳng tin được người nào).
Nhiều đế chế vững mạnh càng vững mạnh thêm nếu “kết nạp” được con cái những quan chức lớn. Cái ghế nào đó để trống đã lâu, ai cũng không đủ tiêu chuẩn, bỗng một ngày đẹp trời có một tay chẳng có một tiêu chuẩn nào ngang nhiên nhảy vào. Hỏi ra rồi thì không ai dám nói ra nói vào gì nữa, vì người ấy có một tiêu chuẩn không ai có, đó là “bố làm to”. Đế chế càng thêm mạnh.
Đó, cái thực tế này cháu nói cho bố cháu nghe, ông ấy gắt lên: “Bố biết rồi! Chính bố giúp cho “đế chế” ở doanh nghiệp của bố chứ đâu. Vậy mà nay họ muốn đẩy bố đi. Định cướp công của bố”. “Thế thì bố đừng có dại” – Cháu can bố cháu như vậy, vì đã nhìn thấy nhiều người dại.
- Xem thêm: Tâm sự của một… vàng ròng
Ông sếp cũ của cháu ra sức xây trụ sở, cải tạo mọi thứ, chưa kịp xong dự án thì về hưu, cơ ngơi mới để “sếp tổng” mới hưởng. Mà cay một nỗi ông tổng mới chẳng thèm biết ơn ai, mặc nhiên xem mình là tài giỏi, được lòng sếp cao nhất. Ngày lễ lạt kỷ niệm cũng chẳng thèm mời sếp cũ một tiếng, tưng bừng mở đại tiệc mời các quan khách có lợi cho công việc và củng cố quyền lực của mình mà thôi, không thèm coi các bậc tiền bối ra gì.
Bố cháu nói: “Thế thì sếp của con “không thuộc bài” rồi. Bây giờ là thế này: Không dây với nhà báo, không láo với cấp trên, không quên bậc tiền bối…”. Là vì, phải cẩn thận, các bậc tiền bối bây giờ không phải ai cũng “vứt đi” cả. Nhiều người vẫn còn tiếng nói. Thậm chí, nhiều ông còn là bố của các quan chức đương nhiệm. Chớ có lầm!