Hồi ấy, tôi thích Chi. Chi lớn hơn tôi hai tuổi và học đạo diễn, còn tôi học biên kịch điện ảnh. Bọn bạn kháo nhau là Chi chỉ muốn tôi viết kịch bản để cô ấy làm phim, một sự vụ lợi có chủ ý. Hồi ấy, Chi có một cái đài radio chạy cả đĩa CD, tôi thường hay mượn về phòng trọ của mình và nghe đi nghe lại cái CD Cánh cung của Đỗ Bảo, trong đó có một câu mà tôi vô cùng thích là “Có ai đã nói rằng tôi không cần cho cô ấy. Họ thì thầm với nhau rằng cô ấy sẽ bỏ rơi tôi…”. Dĩ nhiên là tôi biết bài hát ấy không viết riêng cho tôi. Tôi đồ rằng Đỗ Bảo đã viết cho cuộc tình của anh hay một ai đó và nhờ Hà Trần hát thay. Nhưng tôi cứ mặc định bài hát này sáng tác cho điều ngọt ngào nhất của tôi.
Chi không thích tôi, điều đó thì tôi cũng chẳng lấy làm lạ gì. Tôi hiểu cảm xúc của Chi dành cho tôi hơn bất kì ai. Nhưng tôi cứ bị cuốn vào Chi như thể nếu không phải là cô ấy thì đầu óc tôi sẽ hoàn toàn trống rỗng và chẳng nghĩ được thứ gì khác. Vậy nên tôi chọn cách nghĩ về Chi để lấp đầy sự trống trải của mình còn hơn bỏ mặc nó rỗng toác.
Thời điểm đó, tôi mới vừa hai mươi còn Chi thì chỉ mới học năm thứ ba, chúng tôi cùng đi qua những tháng ngày nồng nhiệt của tuổi trẻ bằng một thứ cảm xúc chẳng thể gọi tên. Nếu tôi muốn nhích lên một bước trong mối quan hệ đó thì Chi sẽ lùi lại một bước và sau cùng thì chúng tôi sẽ về lại điểm cân bằng.
Chi có mái tóc đen dài, ngang vai và luôn giữ cố định độ dài đó bằng việc cắt tóc đều đặn mỗi tháng. Ở Chi luôn tỏa ra mùi của nắng sớm và tôi đoán rằng cô thường dành một khoảng thời gian để phủ chúng lên cơ thể lúc mặt trời ló dạng. Khi tôi nói với Chi về điều ấy thì cô chỉ cười, một lát sau môi cô phát ra một âm vực nhẹ như một cơn gió mùa hè, cậu tinh ý thật đấy, cô nói.
Chúng tôi gặp nhau không nhiều và chủ đề thường trực vẫn xoay quanh về cách khai thác tâm lý nhân vật, Chi thường đến sớm và lúc nào cũng mang theo sẵn một cuốn tiểu thuyết và chăm chú đọc nó. Cô đọc say mê đến nỗi khi tôi đã ngồi ngay ngắn phía đối diện thì cô vẫn chưa rời mắt khỏi đó, mãi một lúc sau khi đang trầm tư về một chi tiết nào đó và ngước mắt ra xung quanh, cô chợt bẽn lẽn về sự xuất hiện của tôi và rối rít xin lỗi.
- Xem thêm: Khứ hồi
Tớ không cố ý đâu, chỉ là tớ quá chăm chú thôi, Chi giải thích. Tôi hoàn toàn hiểu được cảm giác đó nên tôi vội trấn an, cậu không việc gì phải xin lỗi cả, đôi khi tớ cũng thường như thế khi chú tâm vào một việc gì đó. Sau đó thì chúng tôi chuyển sang bàn về những câu chuyện hay mấy nhân vật trong tiểu thuyết nào đó mà chúng tôi đã đọc qua.
Hồi trước, Chi theo học chuyên ngành tiếng Anh theo sự sắp xếp của bố mẹ. Họ có sẵn một trung tâm tiếng Anh dành cho những người luyện thi để xin visa và cô chẳng lấy gì làm lo lắng về việc làm sau khi ra trường. Nhưng được nửa năm thì cô cảm thấy chán ngán kinh khủng và chuyển sang học đạo diễn.
Cô đặc biệt thích ghi lại cảm xúc của nhân vật hơn là phải vật lộn để trở thành một giáo viên với đống ngoại ngữ thông dụng đó. Ban đầu, bố mẹ cô phản đối kịch liệt nhưng rồi họ cũng đành buông xuôi khi cô bỏ nhà đi biền biệt ba tháng mà chẳng có lấy một chút trợ cấp gì.
– Sao cậu có thể sống sót vào lúc đó được nhỉ? – Tôi hỏi.
– Có gì khó đâu, cậu cứ xin vào làm tại một quán ăn hay một cửa hàng nào đó bao ăn ở thôi. Cũng chẳng dư dả gì nhưng còn hơn là nằm vất vưởng ở một xó đường nào đấy. May thay, khi tớ đến xin một chân chạy việc tại một quán ăn của một gia đình người Hoa và họ đồng ý luôn. Thỉnh thoảng, tớ cũng hay quay lại nơi đấy và biếu hai ông bà chủ tốt bụng ấy chút quà cáp vì đã cưu mang tớ lúc khó khăn, thực sự thì không phải ai cũng tử tế như thế đâu.
Sau đó thì bố mẹ Chi tìm đến, đón cô về nhà và đồng ý để cô theo đuổi đam mê của mình. Tôi nghĩ, nếu không có quãng thời gian khốn đốn ấy chắc gì cô đã được tự do làm những gì mình muốn. Nhiều bố mẹ muốn con cái của họ không phải chịu cực khổ bằng cách vẽ sẵn những con đường phía trước nhưng lại vô tình tước đi những đam mê sẵn có của những đứa trẻ mà họ bao bọc.
Tôi cho rằng đó là sự thỏa thuận tương phản bởi suy cho cùng thì những đứa trẻ ấy phải tự chịu trách nhiệm với chính lựa chọn của mình để trưởng thành hơn, chúng không còn là những hình nhân đẹp đẽ chịu sự sắp đặt của người lớn nữa. Về điều này thì tôi hoàn toàn ủng hộ cô và nó cũng lý giải tại sao cô nhập học muộn hơn những người khác.
Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu vào thời điểm đó chúng tôi không gặp nhau. Năm mười chín tuổi, lần đầu tiên tôi phải lòng một cô gái và chấp nhận đi bên lề thứ cảm xúc đó đến tận khi tốt nghiệp. Và nếu để so sánh thì tôi nghĩ tình cảm của mình như thể một đám mây trôi lơ lửng hết ngày này đến ngày khác và chẳng bao giờ có thể chạm đất.
Chúng tôi cứ thế cùng nhau đi qua những tháng ngày nhàn nhạt dưới mảnh trời Hà Nội vậy thôi, cũng chưa bao giờ nhìn thẳng vào mắt nhau và khi không còn gì để nói nữa thì để mặc cho sự im lặng làm tốt nhiệm vụ của nó.
Trà hỏi, đó có phải là tình yêu đầu đời của cậu không. Tôi đã trả lời đúng là như vậy. Sau đấy thì Trà không nói gì nữa. Trà là người hiểu rõ những nếp gấp trong lòng tôi hơn bất kì ai, thành ra ở cậu ấy có một sự sẻ chia vừa phải, cậu ấy sẽ không cố gắng đào sâu và đưa ra lời khuyên thế này thế kia, cậu ấy tuyệt đối không chọn cách thức như vậy, điều mà cậu ấy làm là đồng cảm, như thể một chỗ dựa để người khác tựa vào.
Nhưng đôi khi Trà cũng trở nên gắt gỏng khi nhìn thấy tôi ủ dột như một con chuột chết, đó là khi tôi tự rơi vào vực sâu cảm xúc của mình và nằm bất động ở đó. Tôi giống như một nhân vật phụ đeo đuổi nhân vật chính và có thể là bạn cũng đã biết kết cục rồi. Nhân vật phụ thì mãi mãi chỉ là nhân vật phụ thôi. Kịch bản đã chỉ rõ tôi chỉ là nhân vật phụ, thành ra tôi không thể nào bứt mình để trở thành nhân vật chính được.
Rồi bộ phim sẽ kết thúc, người ta sẽ nhanh chóng quên đi nhân vật phụ đáng thương nào đó xuất hiện ở vài thước phim, người ta sẽ chăm chú vào câu chuyện của hai nhân vật chính và ngưỡng mộ hay đau buồn cho chuyện tình của họ. Sau cùng, qua rất nhiều giai đoạn của thời gian, tôi bị rơi rụng và bị bỏ lại giữa một Hà Nội đầy buồn bã và bướng bỉnh của mình, đó là lúc Chi dọn sang Nhật để học lên cao hơn nữa.
- Xem thêm: Ỡm ờ
Chi tặng tôi chiếc radio chạy đĩa CD, coi như một món quà của tình bạn, cùng với một một số đĩa CD mà Chi sưu tầm được. Một trong số chúng có những bài tôi thích và cứ nghe đi nghe lại mãi. Tôi không biết mình nên chọn bài nào để ẩn náu cho lớp cảm xúc khi chia xa một người. Liệu rằng chúng có đủ an ủi tôi như cái cách tôi thường hay mặc tưởng bản thân mình trong ca từ của một bài hát nào đó? Hay rồi, tôi sẽ tiếp tục trú ngụ trong thành phẩm cảm xúc có số mã vạch của một người khác để tự ôm ấp cảm giác của mình trong chốc lát?
Trà bảo tuổi thanh xuân giống như một bộ phận tuyệt đẹp trên cơ thể, nhưng rất tiếc tôi đã để chúng bại liệt chỉ vì những cơn buồn thường trực của mình. Mãi sau này tôi mới biết Chi chọn cách từ chối tôi bởi vì cô vẫn còn ngoái lại chuyện tình cảm của cô quá nhiều. Cô sợ tôi tổn thương khi chứng kiến tình yêu đầu được bao bọc bởi sự dối trá. Cô không cho phép mình hành xử một cách mù quáng bằng cách đón nhận tình cảm của tôi. Cô chọn đi xa vì không muốn tôi phải kiếm tìm, một điều tốt lành nho nhỏ sau cùng cô dành cho tôi.
Trong nhật ký sáng tác, tôi chép nguyên văn một đoạn Thành phố vô hình của Italo Calvino: “Rồi cuộc đời sẽ đến một thời điểm khi trong số người ta quen biết kẻ đã khuất nhiều hơn kẻ còn sống. Và tâm tưởng ta sẽ chối từ không thu nhận thêm diện mạo nào khác, biểu đạt nào khác: mọi gương mặt mới ta gặp đều khắc in khuôn dấu người xưa, và ta giao cho mỗi gương mặt cái vai diễn thích đáng nhất”.
Tôi chép mà không có lấy một lời viện dẫn nào khi đang làm bài cảm nhận về phim ảnh, về ý tưởng và những thắc mắc nghề nghiệp khiến cho thầy giáo đặt một câu hỏi to đùng ngay bên cạnh. Tôi không buồn phải giải thích, tôi chép vì tâm trạng tôi tại thời điểm đó nhưng tôi lại không muốn cắt nghĩa, tôi sợ phải khơi gợi những cảm xúc chẳng mấy dễ chịu của mình.
- Xem thêm: Trở về chốn cũ
Giờ thành phố vẫn còn gợi nhắc cho tôi những điều xưa cũ nhưng tôi đủ bình tâm để bước qua nó. Trà bảo người ta cần phải va vấp để tự điều chỉnh cảm xúc của lòng mình. Tôi hiểu điều đó. Người tôi thích sẽ không lâu nữa để trở thành người tôi từng thích, và tôi sẽ dần dần quên, thậm chí cả gương mặt, giọng nói hay điệu bộ. Nhưng khi nghĩ về Chi và điều tốt lành nho nhỏ, tôi lại thấy mọi thứ bỗng trở nên nhẹ nhàng.
Trà cho rằng, có lẽ tôi đã trút bỏ được khối tình cảm âm thầm của mình rồi cũng nên. Tôi không có ý kiến, nhưng có lẽ Trà nói đúng. Tôi vẫn đi dưới mảnh trời Hà Nội đến tận khi tốt nghiệp, sau đó thì tôi chuyển xuống một thành phố phía Nam để thực hiện những dự định riêng của bản thân mình. Thảng khi tôi vẫn nhìn về phía cũ, ở đó những đám mây lơ lửng ùa vào đáy mắt tôi một màu trắng xóa, và tôi thấy mình nhẹ bẫng một thứ cảm giác gì đó không rõ tên.