Địa danh nổi tiếng nhất trong lịch sử hội họp dân tộc là điện Diên Hồng, nơi mà theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào tháng Chạp năm Giáp Thân (1.1285), Thượng hoàng Trần Thánh Tông “triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão đều nói “đánh”, muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng”. Chỉ xuất hiện đúng một lần trong bộ sử này, nhưng Diên Hồng kịp trở thành biểu tượng cho sự đoàn kết dân tộc.
Diên Hồng cũng gợi ý một vai trò khác khá đáng kể với tư cách không gian cộng đồng của đô thị Việt Nam thời trung đại, kết nối chính quyền và người dân, dù chỉ giới hạn ở phụ lão và trong hoàn cảnh chống ngoại xâm.
Tiếng trống và tiếng thơ tiên
Hai thế kỷ sau hội nghị Diên Hồng, năm 1491, vua Lê Thánh Tông “sai thợ làm cái đình ở ngoài cửa Đại Hưng để làm nơi treo các pháp lệnh trị dân. Làm xong, ban tên là Quảng Văn đình”. Cửa Đại Hưng ở Đông Nam Hoàng thành, quen thuộc với tên gọi Cửa Nam. Hơn cả một mốc giao thông trọng yếu, Quảng Văn đình với hàm nghĩa truyền tin rộng rãi, là nơi kết nối giữa triều chính và cư dân. Ở đây treo một cái trống cho những người tới kêu oan đánh một hồi để viên quan nhận đơn ra tiếp nhận.
Cũng chính Lê Thánh Tông đã cho lập bản đồ Trung Đô, tên gọi hành chính của Thăng Long. Trên tấm bản đồ khởi lập năm 1490 này, vị trí trung tâm về phương vị của kinh thành là Cửa Nam, tiếp giáp phủ Phụng Thiên, lỵ sở của viên quan cai trị kinh đô, tức khu Phủ Doãn ngày nay. Đây cũng là nơi đóng trạm Hà Trung, bắt đầu con đường thiên lý và các hướng tỏa về tứ trấn. Đường thiên lý vào Nam bắt đầu từ đây, theo trục Thợ Nhuộm – dốc Hàng Kèn – phố Huế để ra ô Cầu Dền.
Cửa Nam – Quảng Văn đình, trước hết là một trung tâm hành chính và giao thông.
Nhưng địa điểm này không chỉ có vậy. Dân gian đã kịp phủ lên khu vực cửa ngõ trọng yếu của kinh thành những phong vị lãng mạn qua chính Lê Thánh Tông, vị vua tiêu biểu cho chế độ quân chủ Nho giáo Đại Việt. Sự tích kể rằng một ngày xuân, sau khi thăm nhà Thái Học ở Văn Miếu ra, vua Lê đã vãn cảnh chùa Ngọc Hồ trên đường về cung.
Tại đây vua gặp một người đẹp bí hiểm ngâm đôi câu thơ: “Ở đây mến cảnh mến thầy. Tuy vui đạo Phật chưa nguôi lòng người”. Vua họa lại bằng một bài thơ và được nàng chữa hai câu thành “Gió thông đưa kệ tan niềm tục. Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời”. Vua cho vời nàng lên kiệu về cung, tới cửa Đại Hưng, nàng biến mất. Vua cho lập lầu Vọng Tiên ở trước cửa để ghi lại sự tích.
- Xem thêm: ‘Cuộc diễn ca của tương lai’
Mô típ này lặp lại trong truyện thơ Nôm Bích Câu kỳ ngộ cũng lấy bối cảnh thời Lê. Nho sinh Tú Uyên gặp nàng Giáng Kiều cũng ở hội chùa Ngọc Hồ, khi trở về thì mất dấu nàng ở Quảng Văn đình, chính là trước mặt cửa Đại Hưng nói trên.
Ngóng theo đến Quảng Văn đình
Bóng trăng trông đã trên cành lướt qua
Nhà vua của đỉnh cao nhà nước Nho giáo đã gặp nàng thơ ở cửa Phật, rồi lập đền thờ Vọng Tiên. Chàng học trò may mắn hơn, đi lễ đền Bạch Mã, được đạo sĩ báo mộng gặp lại được Giáng Kiều là người đẹp trong bức tranh tố nữ bán ở phường Cầu Đông và kết hôn cùng nàng, để rồi hai vợ chồng theo đạo thần tiên. Nơi ở của họ trở thành Bích Câu đạo quán. Cả hai câu chuyện đều có kết cấu phối hợp của ba tôn giáo: Nho, Phật, Lão, mà cuối cùng dân gian đã chủ ý tạo ra những cái kết huyền bí.
Sự trùng hợp giữa hai sự tích có lẽ gợi ra một huyền thoại về chốn tao nhân mặc khách đô thị, nơi những cuộc gặp gỡ bất ngờ là một ẩn dụ cho những dục vọng phóng túng, mà mượn những chốn tu hành có màu sắc siêu nhiên để tô điểm. Điều đặc sắc là các sự tích nói trên gắn với những địa danh chốn kinh kỳ, thay vì mượn những bối cảnh Trung Quốc như nhiều tác phẩm khác.
Ngoài Quảng Văn đình, cửa Đại Hưng; còn có chùa Ngọc Hồ, lầu Vọng Tiên, đền Bạch Mã, Cầu Đông, Bích Câu… là những chốn có thật thời Lê đến nay. Cũng như sự có mặt của những nhân vật lịch sử như Lê Thánh Tông hay Thân Nhân Trung, vị phó soái hội thơ Tao Đàn, người đã làm bài thơ Vịnh ni cô trong cuộc gặp huyền hoặc trên. Tất nhiên sự tích hư ảo, nhưng địa điểm thì thực, hội tụ thành một cái lõi trung tâm đô thị, mang một sức hút văn hóa trong bán kính chỉ vài trăm thước.
Cấm Chỉ, trung hưng và suy vi
Thời thịnh trị của triều vua Lê Thánh Tông chỉ truyền tiếp đời sau được mươi năm đã rơi vào suy thoái và nhà Lê mất ngôi về tay nhà Mạc năm 1527 sau khi hai vị vua cuối cùng là Chiêu Tông bị sát hại và Cung Hoàng bị ép tự tử chỉ trong vòng vài tháng. Phải qua 67 năm sau, nhà Lê mới lấy lại được Đông Kinh nhờ sự giúp sức của các lực lượng họ Nguyễn-Trịnh, nhưng thực quyền cuối cùng đã thuộc các chúa Trịnh. Tuy vậy, hào quang của các vị vua đầu triều Lê vẫn còn đủ sức khiến các sự tích ra đời để hợp thức hóa câu chuyện “trung hưng” của nhà Lê, trong đó quen thuộc nhất là câu chuyện Chúa Chổm.
Theo đó, Chổm là giọt máu của vua Lê cùng một cô hàng rượu, sau khi nhà Mạc giết vua, mẹ con Chổm lưu lạc. Thuở hàn vi, Chổm dù tướng mạo nghèo hèn, song do có “chân mệnh thiên tử” mà gặp nhiều may mắn, các chủ hàng quán mời ăn nợ và Chổm hứa sẽ trả lại khi làm nên đại sự. Các cựu thần nhà Lê, được thần linh mách bảo, tìm được Chổm và đưa lên ngôi đầu triều trung hưng. Ngày trở về kinh, đến Cửa Nam thì các chủ nợ đổ xô tới đòi tiền gây ra cảnh hỗn loạn, quan quân dán chữ “cấm chỉ” và không ai được bén mảng đến đòi nữa. Cái tên Cấm Chỉ đã trở thành tên gọi đoạn đường trước Cửa Nam, nơi đã có Quảng Văn đình hơn một thế kỷ trước.
Câu chuyện trên hiển nhiên là một sự sáng tạo dân gian khi chắp nối các dữ liệu lịch sử. Chiêu Tông bị nhà Mạc giết, người con trai duy nhất được Nguyễn Kim đưa lên ngôi trên đất Lào năm 1533, hiệu là Trang Tông. Tuy nhiên, Trang Tông chết năm 1548, trước thời điểm Trịnh Tùng đưa Thế Tông về lấy lại Đông Kinh năm 1593.
Hà Nội qua những biến thiên lịch sử, thực tế là một đô thị của ý niệm tập trung quyền lực. Cuộc tìm kiếm những không gian công cộng mang tính đối thoại giữa nhà nước và dân chúng từ Diên Hồng thời Trần, Quảng Văn đình thời Lê, Đấu xảo thời thuộc Pháp đến Ba Đình thời hiện đại cũng đồng thời phản ánh sự chuyển dịch của quá trình thiết lập một không gian đô thị ổn định.
Pho sử chính thống, Đại Việt sử ký toàn thư, cũng đưa ra dữ liệu đáng ngờ không kém: Trang Tông là con mà chỉ kém Chiêu Tông 9 tuổi! Không hề gì, dân gian (mà ở đây có lẽ là các nho sĩ) sẵn lòng nhập các câu chuyện ly kỳ làm hành trạng của một nhân vật duy nhất, bởi lẽ họ tìm thấy ở đấy một cảm hứng trọn vẹn cho sự khải hoàn “trung hưng” tô vẽ cho dòng dõi Lê triều: tuổi thơ lưu lạc, sự hồn nhiên của nếp nghĩ và may mắn kiểu “Trạng Lợn”, sự kết nối thế giới bình dân và sự lột xác thành bậc minh quân để bước lên ngôi hoàng đế.
Cùng thời, nền văn học dân gian chứng kiến sự ra đời của truyện cười Trạng Quỳnh hay Trạng Lợn, tạo nên một bầu không khí phóng túng trong khuôn khổ chật hẹp của văn sách Nho giáo trong thời loạn lạc. Câu chuyện có lẽ gửi gắm một khát vọng thay đổi của giới bình dân, nhất là trong cảnh quyền bính nằm ở tay chúa Trịnh.
Nhưng dấu vết thực địa đáng kể mà câu chuyện đem lại chính là ở địa danh Cấm Chỉ. Câu chuyện pha trộn giữa các sự kiện và nhân vật có thực với huyền thoại dân gian này cung cấp một chi tiết khá ý nghĩa: không gian giao tiếp giữa nhà cai trị và dân chúng diễn ra ở địa điểm công cộng, chứ không phải công đường.
Sự xuất hiện của Cấm Chỉ cũng là điểm bắt đầu một thời đại: vua Lê chúa Trịnh. Vào thời Lê trung hưng, không gian triều chính ở kinh đô chia làm hai khu vực: Hoàng thành (trung tâm là điện Kính Thiên) và phủ chúa Trịnh tại khu vực tây nam hồ Gươm. Cửa Nam và Quảng Văn đình lại trở thành điểm xuất phát con đường nối không gian triều đình nhà Lê tới trung tâm quyền lực mới là phủ Chúa, tương ứng với phố Thợ Nhuộm ngày nay. Cấm Chỉ đã đưa một vua Lê trở lại ngai vàng nhưng cũng chính là đoạn đầu con đường đưa chúa Trịnh vào vương phủ, chứng kiến sự chuyển dịch quyền lực tại trung tâm đất nước.
- Xem thêm: Cõi hoang dại của thành phố
Với tính chất một nền cai trị hư vị, hoàng thành triều Lê đã thất thế so với vương phủ của chúa Trịnh. Cửa Nam và Quảng Văn đình chỉ còn là cái bóng mờ của thời vàng son, là cửa ngục giam nhiều đời vua Lê mạt im lìm nhìn về cửa phủ chúa ngựa xe dập dìu.
Trên tấm bản đồ Hà Nội thời điểm 1873, cho thấy hình vẽ của Quảng Văn đình, lúc này mang tên Quảng Minh đình, là một tòa lầu nằm sát bờ hào tòa thành thời Nguyễn, cạnh một ụ thành nhô ra kiểu mang cá, đối xứng với trạm Hà Trung, giờ có thêm đường cái quan (Hàng Lọng) về Nam. Năm 1900, Quảng Văn đình đã trở thành vườn hoa Neyret khi người Pháp phá thành Hà Nội và mở các tuyến phố cho xe cơ giới có thể đi lại. Các nho sĩ mô tả lại khung cảnh địa điểm công cộng nổi tiếng nhất đầu thế kỷ trước nhờ bức tượng Nữ thần Tự do đặt tại đây:
Nhớ Quảng Văn đình, tớ đến nghe
Câu Kê chẳng thấy, thấy Đầm Xòe
Thập điều bặt tiếng ê a giảng
Chỉ có kèn Tây thổi tí toe
Bức tượng gốc “Tự do chiếu sáng thế giới” của Bartholdi vốn được đặt ở hòn đảo cửa ngõ vịnh New York từ năm 1886, lúc này lại cho thấy sự trớ trêu khi được nhìn nhận như hình tượng một bà đầm tượng trưng cho quyền lực thực dân trên nền một địa điểm truyền thông công cộng của nền độc lập đã mất.
Những quảng trường của biến thiên
Nhưng Quảng Văn đình, Cửa Nam và trạm Hà Trung chỉ còn là quá khứ. Không gian công cộng trung tâm ở thời điểm này đã chuyển dịch về một nơi cũ mà mới: hồ Hoàn Kiếm. Ở đây tập trung các công sở và những dãy nhà thương mại đầu tiên bên cạnh những đền chùa sót lại sau cuộc quy hoạch của người Pháp. Một vườn hoa rộng hơn làm nơi tập trung đông người mang tên Paul Bert, một nhà bưu điện tạo ra mốc số 0 thay cho trạm Hà Trung. Tuy vậy, hồ Hoàn Kiếm chỉ là một bước dừng chân có tính giao thoa cũ mới trong tiến trình tạo ra những mốc không gian hoàn toàn mới định hình nên cái khung của thành phố hiện đại.
Những không gian công cộng được người Pháp xây dựng nên đầu thế kỷ XX theo những nguyên tắc quy hoạch từ hình mẫu các đô thị thời cách mạng công nghiệp từ châu Âu. Có các ô phố được phân khu chức năng, thành phố có các tuyến đại lộ dẫn tới các điểm mốc không gian nổi bật, tạo ra những quảng trường hình ngôi sao đẹp mắt. Khung cảnh không gian công cộng Hà Nội trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XX được định hạn bằng các quảng trường gắn với tính chất thiết chế công trình đi kèm: Puginier với Phủ Toàn quyền ở phía tây bắc đặt ở cửa tây tòa thành cũ, đại diện cho trung tâm quyền lực thuộc địa; Đấu xảo ở phía nam đại diện cho sự phô trương thành tựu công thương nghiệp; và muộn hơn chút là Nhà hát Lớn ở phía đông tượng trưng cho giá trị văn hóa nghệ thuật.
Cửa Nam cũ nằm trên trục nối Phủ Toàn quyền và hai trung tâm còn lại, trở thành một ngã tư đường thuần túy. Con đường Cột Cờ (Điện Biên Phủ) cắt chéo tòa thành cũ, nối Phủ Toàn quyền với Cửa Nam đã chính thức áp đặt ý niệm về một thời đại mới.
Các triều đại lần lượt phế, hưng, nhưng không gian cộng đồng của các thành phố vẫn nối tiếp một cảm thức lan truyền trí tuệ và văn hóa, thứ sẽ giúp cho các tiếng nói được cất lên, như những câu tiên thi chẳng phân biệt quân vương và bạch diện thư sinh, như tiếng trống ở ngôi đình trước cửa thành Thăng Long xưa.
Những quảng trường này gợi ra một khung cảnh của những khải hoàn môn, quảng trường Bastilles, biểu tượng Cách mạng Pháp, hay xa xưa hơn, gợi nhớ những ngôi đền, nhà hát mở hay những forum (diễn đàn) của thời Hy Lạp và La Mã cổ đại, nơi các triết gia, công dân các thành bang tạo ra các di sản tinh thần, văn chương và nghệ thuật ảnh hưởng nền văn minh phương Tây suốt hai thiên niên kỷ. Những đại lộ rợp bóng cây mặt tiền ngăn nắp ở Hà Nội thời thuộc địa tụ hội về các quảng trường sẽ là diễn đàn chứng kiến sự phô diễn quyền lực của nền văn minh “mẫu quốc”.
Nhưng người Pháp không lường được các không gian này trở thành diễn đàn của các cuộc vận động giành chính quyền của người thuộc địa cũng như mục tiêu tàn phá của chiến tranh. Ngày 1.5.1938, hai vạn rưỡi người Hà Nội đã mít tinh ở quảng trường Đấu xảo trong cao trào Mặt trận Dân chủ. Ngày 17.8.1945, các lực lượng Việt Minh đã chớp thời cơ chiếm lĩnh cuộc mít tinh của Tổng hội Công chức trong chính phủ Trần Trọng Kim để hai ngày sau diễn ra sự kiện Tổng khởi nghĩa cùng tại quảng trường Nhà hát Lớn. Ngày 2.9.1945 như tất cả đã biết, quảng trường Puginier với tên gọi mới Ba Đình, diễn ra sự kiện chính trị then chốt của Việt Nam thế kỷ XX: lễ Tuyên ngôn độc lập.
- Xem thêm: Trăm năm bia đá
Hà Nội qua những biến thiên lịch sử, thực tế là một đô thị của ý niệm tập trung quyền lực. Cuộc tìm kiếm những không gian công cộng mang tính đối thoại giữa nhà nước và dân chúng từ Diên Hồng thời Trần, Quảng Văn đình thời Lê, Đấu xảo thời thuộc Pháp đến Ba Đình thời hiện đại cũng đồng thời phản ánh sự chuyển dịch của quá trình thiết lập một không gian đô thị ổn định. Những địa điểm công cộng như quảng trường, tượng đài thường được gắn những vai trò bối cảnh cho những hoạt động kỷ niệm các chiến công lịch sử hay cách mạng mà mờ nhạt chức năng là những diễn đàn thảo luận xã hội. Nhiều không gian như thế ở Hà Nội sau một thế kỷ đã không còn giữ được sức cuốn hút tương tự, khi cảnh quan quy hoạch không giữ tính tụ hội nguyên bản mà dàn trải và thậm chí lạnh lùng.
Dẫu sao, Hà Nội vẫn còn những không gian quanh hồ Hoàn Kiếm, nơi có vườn hoa Lý Thái Tổ tức vườn hoa Paul Bert ngày trước, thỏa mãn các yêu cầu kết nối truyền thống, nhờ tính chất biểu tượng được vun đắp bằng những dấu tích văn hóa và giải trí của chốn đô hội. Quảng trường trước cửa Nhà hát Lớn mang tên Cách mạng tháng Tám để kỷ niệm sự kiện lịch sử, nhưng sức cuốn hút của nơi chốn này được duy trì là nhờ phẩm chất thẩm mỹ của một công trình biểu diễn nghệ thuật mang tính tiêu chuẩn của một đô thị. Chúng khiến không gian công cộng Hà Nội mang tính gần gũi các hình tượng phổ quát toàn cầu. Những buổi hòa nhạc đón năm mới hay tụ họp văn hóa đại chúng luôn đắt khách khiến cho trung tâm này mang một tinh thần cởi mở, cho dù ảnh hưởng của sự hào nhoáng thuộc địa vẫn còn ngự trị.
Người Việt đã có điện Diên Hồng như di sản của công cuộc giữ nước hay Quảng Văn đình như nơi chốn kết nối triều chính với dân gian. Sáu thế kỷ rưỡi sau, các sinh viên Trường Đại học Đông Dương vẫn còn tôn vinh những địa danh lịch sử đã mất dấu để làm một cuộc đối thoại người nay với người xưa trong tiếng trống giục giã: “Diên Hồng tâu lên cùng minh đế báo ân! Hỡi đâu tứ dân!” (Hội nghị Diên Hồng – Lưu Hữu Phước, lời Việt Tiên, 1944). “Hồn bướm mơ tiên” trong câu thơ hội ngộ ở Cửa Nam đã thành một điển tích văn hóa, có mặt trong những tác phẩm văn chương hậu thế. Các triều đại lần lượt phế, hưng, nhưng không gian cộng đồng của các thành phố vẫn nối tiếp một cảm thức lan truyền trí tuệ và văn hóa, thứ sẽ giúp cho các tiếng nói được cất lên, như những câu tiên thi chẳng phân biệt quân vương và bạch diện thư sinh, như tiếng trống ở ngôi đình trước cửa thành Thăng Long xưa.