Dựa trên đặc điểm về kinh tế – xã hội, điều kiện lao động, tầm vóc thể lực người Việt, RDA có tác động toàn diện đến cả ba đối tượng: người tiêu dùng, đơn vị quản lý, nhà sản xuất. Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị (Recommended dietary allowance, viết tắt RDA) là mức tiêu thụ năng lượng và các thành phần dinh dưỡng đầy đủ để duy trì sức khỏe, sự sống.
Bảng RDA cho người Việt Nam được Bộ Y tế xây dựng, giới thiệu nhu cầu về: năng lượng, ba chất sinh năng lượng (đạm, chất béo, bột đường), chất khoáng, vitamin, nước và các chất điện giải. Căn cứ vào nhu cầu dinh dưỡng theo tuổi, giới tính, sinh lý, loại hình lao động, mọi người có thể đối chiếu để hiểu được bản thân và gia đình cần bao nhiêu lượng chất trong một ngày. Từ đó xây dựng thói quen lựa chọn thực phẩm phù hợp, đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe tốt.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam hướng dẫn, với thực phẩm tự nhiên, mẹ có thể sử dụng tháp dinh dưỡng dạng đĩa. Cụ thể, một bữa ăn cân đối mỗi ngày gồm: 1/4 chất bột đường; 1/4 chất đạm, 1/2 còn lại rau và trái cây.
Cụ thể như: với một học sinh tiểu học, một bữa ăn hai chén cơm (hai nắm tay), ít nhất 2 đơn vị sữa (tương đương 200ml), có thể kết hợp ngũ cốc pha với sữa để dùng cho bữa sáng. Một tuần, trẻ ở các tuổi lứa tuổi khác nhau có thể ăn 3-4 quả trứng. Bổ sung nhiều loại trái cây, rau củ vào thực đơn như bông cải, cà rốt, ớt chua, nấm, hạt đậu…
RDA cũng là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách xác định nhu cầu về số lượng, chủng loại lương thực, thực phẩm để đề xuất với nhà nước, đưa ra kế hoạch sản xuất, xuất nhập khẩu hợp lý, đảm bảo an ninh thực phẩm quốc gia, dinh dưỡng hộ gia đình.
Theo kết quả cuộc Tổng điều tra các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế tiến hành, có đến 57,2% số người trưởng thành (18 đến 69 tuổi) ăn ít rau, trái cây so với mức khuyến nghị. Tiêu thụ muối của người Việt Nam cao gấp 2 lần và có đến 28,1% số người thiếu hoạt động thể lực.
Nhãn dinh dưỡng (Nutrition labelling) thể hiện thành phần và giá trị dinh dưỡng hằng ngày (Percent of Daily Value, gọi tắt % DV). Giá trị dinh dưỡng hằng ngày cho biết sản phẩm cung cấp bao nhiêu % nhu cầu dưỡng chất đó của cơ thể. Ví dụ trên bao bì ghi 15% canxi, nghĩa là thực phẩm đó cung cấp 15% canxi nhu cầu mỗi ngày, con số 15% này tính trên mức nhu cầu năng lượng mỗi ngày 2.000 kcal đối với người đàn ông ít vận động.
Dựa trên bảng RDA, các doanh nghiệp ngành thực phẩm cũng có thể căn cứ vào bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị để làm cơ sở nghiên cứu, phát triển và đưa ra thị trường sản phẩm thích hợp, phục vụ số đông. Đây cũng là phương thức gián tiếp khuyến khích đơn vị sản xuất tạo ra sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.