Xây dựng các mối quan hệ gia đình lành mạnh giúp cho tất cả thành viên trong gia đình cảm thấy an toàn và gắn bó với nhau. Các thành viên trong một gia đình có các mối quan hệ lành mạnh sẽ tương tác tích cực với nhau và luôn tôn trọng lẫn nhau.
Tám đặc điểm của mối quan hệ gia đình lành mạnh
Quan hệ gia đình lành mạnh giúp mọi người tin tưởng, dựa vào nhau để hỗ trợ và yêu thương nhau, thường xuyên chia sẻ cho nhau những mục tiêu chung và cùng nhau làm việc để đạt được mục tiêu. Một công trình nghiên cứu về gia đình của Trường ĐH Newcastle (bang New South Wales, Úc) đã lấy ý kiến từ các kiểu gia đình khác nhau để tìm hiểu những phẩm chất đem lại sức mạnh gia đình, ngay cả khi gia đình đối diện với khó khăn, qua đó các nhà nghiên cứu đã xác định tám đặc điểm của một gia đình có quan hệ gia đình lành mạnh:
– Các thành viên lắng nghe lẫn nhau và giao tiếp với nhau cởi mở, trung thực.
– Cùng chia sẻ các giá trị tương đồng và chia sẻ niềm tin để tạo cảm giác phụ thuộc và gắn kết.
– Cùng dành thời gian cho những hoạt động yêu thích như thể thao, đọc sách, cắm trại, trò chơi.
– Thường xuyên thể hiện tình cảm và chăm sóc lẫn nhau bằng lời nói, cử chỉ.
– Các thành viên sẵn lòng hỗ trợ, khuyến khích và trấn an lẫn nhau.
– Thấu hiểu, tôn trọng và đánh giá cao những phẩm chất riêng của mỗi thành viên.
– Xem hạnh phúc gia đình là ưu tiên và cư xử dựa trên sự gắn kết và trung thành.
– Có khả năng chịu đựng những khó khăn và thích nghi với hoàn cảnh thay đổi theo những cách tích cực.
- Xem thêm: Tìm sự cân bằng khi sống chung
Các gia đình cũng chia sẻ những thử thách lớn nhất của các mối quan hệ gia đình là những vấn đề giao tiếp, nuôi dạy con cái và trở ngại của mối quan hệ. Để xây dựng các mối quan hệ gia đình, điều đầu tiên là nhận ra sức mạnh gia đình trước khi giải quyết những thách thức.
Con cái được hưởng gì từ các mối quan hệ gia đình lành mạnh?
Trẻ cảm nhận được sự ấm áp và yêu thương khi sống trong những gia đình có sự chăm sóc và hỗ trợ tốt từ những người thân yêu của chúng. Đối với hạnh phúc của con trẻ, chất lượng của các mối quan hệ gia đình quan trọng hơn là tầng lớp hay thành phần của gia đình. Gia đình dù đơn thân (cha hoặc mẹ) hay có đủ cha mẹ vẫn có thể xây dựng các mối quan hệ mạnh mẽ và tích cực để đem lại hạnh phúc và hỗ trợ sức khỏe tinh thần của con trẻ.
Khi nhận được sự yêu thương, hỗ trợ từ một môi trường gia đình ấm áp, trẻ có thể thực hiện tốt hơn việc khám phá thế giới và học hỏi những kỹ năng mới khi chúng còn nhỏ. Hơn nữa, trẻ còn học được từ gia đình cách kết nối với mọi người và xây dựng các mối quan hệ lành mạnh. Điều này giúp trẻ có thêm nhiều trải nghiệm tích cực với bạn bè đồng trang lứa, từ đó có thể tương tác tốt với người lớn. Khi được học kỹ năng xây dựng các mối quan hệ lành mạnh trẻ sẽ trở nên tự tin và kiên cường khi trưởng thành.
- Xem thêm: Quanh cái bàn ăn, giá trị của mái ấm
Xây dựng mối quan hệ dựa trên sự đa dạng của gia đình
Những kỳ vọng về hành vi của con cái và vai trò của cha mẹ trong mỗi gia đình thường khác nhau, dẫn đến sự khác nhau trong các mối quan hệ và giao tiếp của gia đình. Các chuyên gia tâm lý gia đình cho rằng điều giúp tạo ra các mối quan hệ gia đình lành mạnh là ảnh hưởng từ các giá trị và trải nghiệm mà cha mẹ thể hiện trong quá trình con trẻ lớn lên.
- Gia đình có đủ cha mẹ. Các mối quan hệ gia đình chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi mối quan hệ của cha mẹ, sự hợp tác của cha mẹ tác động đến mọi thành viên trong gia đình. Đôi khi cha mẹ có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng những nhu cầu của con cái cũng như của chính họ (vợ – chồng), song điều quan trọng là hãy dành thời gian để xây đắp mối quan hệ, cố gắng giải quyết những xung đột giữa cha mẹ. Những xung đột không thể giải quyết giữa cha mẹ có thể tác động trực tiếp đến trẻ cũng như hiệu quả nuôi dạy con cái. Cha mẹ duy trì giao tiếp và hỗ trợ lẫn nhau sẽ tăng cường quan hệ vợ – chồng và hỗ trợ các mối quan hệ tích cực trong gia đình nói chung.
- Gia đình đơn thân. Cha mẹ đơn thân thường thiếu sự hỗ trợ từ bạn đời và có tâm lý nặng nề khi một mình nuôi dạy con cái. Nếu có sự hỗ trợ từ họ hàng, bạn bè sẽ tạo một khác biệt lớn. Trong trường hợp này cha hoặc mẹ đơn thân cần hỗ trợ trẻ bằng cách chia sẻ việc dạy dỗ con cái với những cha mẹ khác.
- Gia đình có cha/mẹ kế. Con bạn có thể cảm thấy các mối quan hệ trước đây của cha mẹ chúng đã thay đổi, đặc biệt là con trẻ vẫn còn buồn lòng vì sự mất mát này. Những thay đổi trong gia đình có “người mới” có xu hướng gây căng thẳng cho trẻ cũng như với cha hay mẹ và “người mới”. Do vậy, hãy thảo luận với con về các mối quan hệ hiện tại để có cách cư xử phù hợp. Đồng thời, trấn an trẻ rằng chúng vẫn nhận được tình yêu thương và hỗ trợ của cả cha lẫn mẹ, và dành nhiều thời gian cần thiết để điều chỉnh các quan hệ cho gia đình mới, giúp các thành viên nhận ra được sự quan trọng của việc đối xử với nhau.
- Gia đình được ông/bà chm sóc. Tùy vào hoàn cảnh gia đình mà ông/bà có thể dành một phần hay hầu hết thời gian để chăm sóc con bạn. Cho dù nhiều hay ít thời gian, ông/bà luôn chiếm một vai trò quan trọng trong việc xây dựng các mối quan hệ gia đình lành mạnh. Ông/bà có thể làm gương cho trẻ thế nào là mối quan hệ lành mạnh và sự liên quan của họ cũng giúp con bạn nhận thức được mối quan hệ gia đình trong bối cảnh của gia đình lớn và rộng hơn. Khi ông/bà đảm nhận vai trò chăm sóc chính, họ sẽ chịu trách nhiệm đối với sự an toàn và chăm sóc con bạn, để trẻ có ý thức về sự phụ thuộc vào gia đình.
- Xem thêm: Những buổi cắm trại gia đình