Tôi sẽ không làm mệt các bạn về lý thuyết dinh dưỡng. Vì việc đó là của các nhà khoa học dinh dưỡng. Sau nữa, các lời khuyên chung nhất thì bạn biết cả rồi. Ít thịt, nhiều rau quả, nên ăn cá, không rượu, không thuốc lá, phải năng vận động và tinh thần thư thái… được nhắc đi nhắc lại suốt ngày khi nói chuyện sức khỏe.
Người ta săn tìm các tài liệu khoa học, các lời khuyên của thầy thuốc, kể cả bản photo truyền tay các bài thuốc bí truyền của các ông thầy Tây, Tàu, cuối cùng cũng quay về ngần ấy thứ. Chỉ có cái bạn cần thì lại khó tìm. Thí dụ: giữ tinh thần thư thái, quẳng gánh lo đi v.v… nhưng làm thế nào quẳng khi nội dung sống của bạn hiện nay bị dồn dập bao vây bởi nỗi lo buồn và căng thẳng.
Có lúc bạn phát cáu: “Có tới cả trăm thực đơn ăn kiêng. Mà tôi đọc vào thực đơn kiêng ấy, thấy họ còn ăn nhiều gấp đôi thực đơn không kiêng hiện nay của tôi. Calories của họ quá nhiều. Tôi mà theo đó thì tôi mập ú”. Có người nghe theo một số lợi ích của cây cỏ chữa bệnh.
Kết quả là suốt ngày không biết uống vào lúc nào cho hết. Nào linh chi, mật gấu cho tới các loại lá lẩu, chè tươi, lá đắng Cao Bằng làm trà tiến vua, nào là hoa hòe, tam thất, nước quả, nước chanh dây… Cái gì cũng có công dụng liên quan đến bệnh của bạn cả.
Chuyện nhà tôi kỳ này là chuyện nỗi khổ vì thái độ… ăn! Cũng không phải do đói ăn hay do tiệc tùng quá nhiều…
“Người ta bảo tình yêu đến với đàn ông thông qua cái dạ dày. Nhưng khó một nỗi khi về nhà thì ông chồng tôi không về với dạ dày rỗng không. Nhiều tình yêu đã ở đó trước mất rồi: tiếp khách, bạn bè, ăn nhẹ sau khi chơi thể thao. Thật khó có gì ngon nổi cho một cái dạ dày đã lưng lửng”.
- Xem thêm: Tầm cỡ của… xó?
“Vợ tôi ăn kiêng, nên thực đơn bữa tối gần như bằng không với tôi: Chỉ toàn rau trộn và dưa leo. Cũng không sao. Nhưng cực nhất là từ xuất phát điểm đó, cô ấy phê phán những món của tôi: Ăn nhiều như thế vào buổi tối, cộng với bia nữa, vòng bụng to ra thì vòng đời ngắn lại…”.
“Còn cậu quý tử của tôi thì thoắt ẩn thoắt hiện không bao giờ báo trước. Lúc để phần thì nó không ăn, lúc yên trí mình ăn qua loa vì không ai về ăn thì nó lại nhao về kêu đói quá, có gì ăn không. Sao không trữ đồ ăn liền (vốn không hề thiếu), hoặc chạy ra mua đầy đường đầy phố thức ăn sẵn…
“Anh ấy vừa ăn vừa cằn nhằn. Lần sau đừng mua loại rau này nữa nhé. Sao lại đậu hũ nữa à? Canh trứng là món ăn của những thằng lười (ý chê vợ nấu món này cho nhanh cho dễ). Rau đâu cả mà bầu bí chung thân… (ấy là do sáng kiến của vợ đổi củ quả thay rau lá bởi sợ những loại này bị phun thuốc trừ sâu)”.
- Xem thêm: Bữa ăn sáng tốn kém
“Còn vợ tôi hễ đi ăn cơm khách cùng chồng ở nhà bạn về, cô ấy hay chê bai lắm. Chê bạn nấu dở. Lại còn chê cả tôi nữa: sao ở nhà em nấu ngon lành, cả đời không được tiếng khen nào. Đến ăn nhà người ta nấu dở như quỷ thì cứ tấm tắc khen ngon. Cũng nồi canh chua thôi chứ có gì, mà xuýt xoa: cô em nấu sao ngon thế! Cứ như là tố cáo vợ vụng dại, ở nhà không bao giờ được ăn món ấy”.
“Còn chúng tôi thì mỗi bữa ăn đều có chủ đề. Không phải chủ đề theo kiểu hôm nay hải sản, ngày mai cơm thịt, mốt cơm rau… Chủ đề ở đây là các cuộc tranh luận, tố khổ chuyện nhà. Chúng tôi cũng biết câu: Trời đánh còn tránh miếng ăn. Cũng biết vệ sinh ăn uống và phải vui vẻ sảng khoái. Khổ nỗi là chẳng có giờ nào tụ tập bằng lúc ngồi ăn cơm. Lúc ấy thì mọi lời nói đều vào tai hết, chứ lúc khác là lảng đi, né tránh. Ngồi ăn, không lẽ không nghe thấy gì?”.
Chuyện ăn uống có vẻ chẳng có gì để nói, nhưng hàng ngày nó vẫn diễn ra trăm màu sắc. Những nguyên lý về thực phẩm và vệ sinh, ai cũng biết cả, vậy mà nó cứ diễn ra…